3 câu nói ứng với bóng đá Việt Nam

17:49 Thứ ba 22/07/2014

(TinTheThao) - Tuy đã đi lên chuyên nghiệp 14 năm (từ năm 2000 đến nay) nhưng câu chuyện về bóng đá Việt Nam vẫn mang nhiều sắc thái buồn hơn là vui.

Ăn xổi ở thì

Tại nước Anh, Sir Alex Ferguson mất 27 năm để xây dựng nên đế chế Man United; HLV Arsene Wenger có được tiếng tăm như bây giờ cũng trải qua gần 20 năm với CLB Arsenal. Đội tuyển Đức trước khi vô địch thế giới 2014 cũng trải qua gần 10 không danh hiệu với HLV Joachim Low. Đó đều là những dẫn chứng về sự kiên nhẫn vì để xây dựng một đội bóng có chất lượng cần một thời gian rất dài. Nhưng tại Việt Nam, từ năm 1991 tới nay, chúng ta thay gần 20 HLV như Nguyễn Sỹ Hiển (1991), Tavares (1995), Weigang (1995-1997), Riedl (1998-2000, 2003,2005-2007), Calisto (2002, 2008-2011)…Có thể thấy không ai làm việc liên tục trên 3 năm. Thử hỏi một khoảng thời gian ngắn 1 hoặc 2 năm làm sao có thể tạo nên một đội bóng mạnh, nhất là khi Việt Nam không phải là đất nước có nền bóng đá phát triển.

V-League vẫn chưa chuyên nghiệp. Ảnh Đời sống Pháp Luật

Xây nhà từ nóc

Một ngôi nhà muốn tồn tại lâu thì nền phải chắc, cột phải vững nhưng bóng đá Việt Nam vẫn thích làm điều ngược lại đó là xây nóc trước tiên. Bởi thế, thay vì chú trọng công tác đào tạo trẻ, từng bước nâng cao thể chất người Việt, tuyên truyền phổ biến bóng đá vào mọi tầng lớp, nhà trường…dần dần tạo nên một lực lượng đông đảo để tuyển chọn nên những gương mặt tài năng cho đội tuyển đồng thời duy trì nguồn lực kế cận về sau. Nhưng chúng ta cứ đặt những mục tiêu vô địch Sea Games, vô địch Đông Nam Á là trên hết nên chỉ dồn mọi lực huấn luyện trong dăm ba tháng hoặc một hai năm là xong, nếu không hoàn thành mục tiêu thì tìm HLV khác để tiếp túc mục tiêu ấy. Chính sự thay đổi liên tục không giúp bóng đá Việt Nam phát triển có hệ thống, bài bản nên cũng chẳng mang lại thành công.

Đẽo cày giữa đường

Thay vì có sự nghiên cứu về thể chất con người Việt Nam rồi đề ra chiến lược phát triển lâu dài bằng cách chọn một lối đá phù hợp thì chúng ta cứ thích đi theo trào lưu. Khi thấy Brazil là cường quốc bóng đá thế giới, nhất là sau chức vô địch World Cup 1994, Việt Nam chọn 2 HLV người nước này là Edson Tavares (2 nhiệm kỳ) và Edson Silva Dido. Một thời điểm khác, vì ngưỡng bộ cách huấn luyện và tổ chức của người Đức nên cũng có 2 HLV người Đức sang làm việc tại Việt Nam là Karl-Heinz Weigang và Falko Goetz.

Bây giờ đây, khi chứng kiến đội tuyển nữ Nhật Bản vô địch thế giới và đội nam nước này cũng là số 1 Châu Á thì chúng ta quay sang chọn những người Nhật để gửi hy vọng phát triển bóng đá Việt Nam. Từ ông trưởng ban tổ chức giải V-League, đến trọng tài bắt những trận quan trọng và sau là HLV trưởng đội U23 cùng tuyển QG, và rất có thể cả HLV đội tuyển nữ Việt Nam cũng là người Nhật. Nhưng không biết sau khi Đức đăng quang lại tại World Cup 2014, chúng ta lại có mời một chuyên gia người Đức nào không?

14 năm qua bóng đá Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học có giá trị. Hy vọng đó sẽ giúp ích cho sự phát triển của bóng đá nước nhà trong tương lai.
Hoàng Thông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục