Dấu hỏi về trách nhiệm của Vissai Ninh Bình với người hâm mộ

08:08 Thứ tư 16/04/2014

Theo ông Cao Văn Chóng - Ủy viên BCH VFF khóa VII, VFF và VPF cần phải có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với những đội bóng rút lui khỏi giải như V.Ninh Bình.

Theo kế hoạch dự kiến, lúc 10h sáng nay (16/4), tại Hội trường Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), VPF sẽ tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất lịch thi đấu lượt về V-League 2014 sau khi CLB V.Ninh Bình đã có công văn số 19/CV-HFS gửi tới VFF, VPF và BTC giải về việc xin tạm dừng tham dự V-League 2014. Cuộc họp này sẽ có sự tham dự của VFF, VPF và đại diện của 12 đội bóng tham dự V-League 2014.

Sau khi V.Ninh Bình chính thức tuyên bố “nghỉ chơi” ở V-League 2014, B.Bình Dương là một trong những đội bóng chịu nhiều thiệt thòi nhất khi “gã nhà giàu” này bị trừ đến 3 điểm và mất luôn ngôi đầu bảng về tay đối thủ Thanh Hóa.

Trước thềm cuộc họp của VPF với các đội bóng tham dự V-League 2014 về việc giải quyết “hậu quả” sau khi đội bóng của bầu Trường chính thức tuyên bố dừng tham dự các đấu trường trong nước, ông Cao Văn Chóng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao bóng đá Bình Dương, Ủy viên BCH VFF khóa VII đã có những góp ý các hình thức kỷ luật của VFF đối với V.Ninh Bình.

“Dù trong thời gian qua lãnh đạo V.Ninh Bình quyết tâm chống tiêu cực và có giải pháp khá mạnh, nhưng chừng đó chưa đủ. Bản thân CLB có cầu thủ (đặc biệt là với số lượng lớn) tham gia cá cược thì chắc chắn CLB đó phải có trách nhiệm, không thể vô can.

Việc đánh tụt hạng và phạt tiền đã có trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, theo tôi CLB bỏ giải còn phải bồi thường chi phí tổ chức và các chi phí khác liên quan đến trận đấu. Việc này cần áp dụng triệt để, có thể số tiền sẽ không quá lớn nhưng việc “đền bù” này sẽ giúp các lãnh đạo CLB có trách nhiệm hơn trong việc quản lý điều hành đội bóng. Vì xưa nay chưa thấy VFF áp dụng khoản “đền bù” này, từ các trường hợp của XMXT Sài Gòn đến K.Kiên Giang...”,
ông Chóng cho hay.

B.Bình Dương (áo đỏ) mất ngôi đầu bảng sau khi V.Ninh Bình bỏ giải

Cũng theo ông Chóng, điều quan trọng nhất là lòng tin của người hâm mộ - những người đã bỏ không ít tiền bạc mua vé, công sức và tâm huyết khi đến sân cổ vũ các đội bóng dường như đã bị phản bội. Vì vậy khi đưa ra quyết định bỏ giải, chính người hâm mộ là những người cần được “đền bù” nhiều nhất.

"Các ông bầu ít nhiều gì cũng đại gia, rất không thích chữ “đền bù”, dù số tiền có thể không quá lớn. Khi anh bỏ giải nghĩa là anh không tuân thủ luật chơi, thế thì anh phải đền bù. Phạt là khác, còn “đền bù” là khác.

Xưa giờ phạt thì có, chứ đền bù thì chưa thấy. Quy định đã có, vấn đề là áp dụng cho triệt để vào mới có tính răn đe, phải bắt “đền bù” bên cạnh việc phạt. Bên cạnh chi phí ăn uống đi lại, bay tới bay lui, chi phí trọng tài giám sát…thì khán giả bỏ tiền ra mua vé vào sân..., tất cả các chi phí này đều là chi phí hợp lý và hoàn toàn có thể tính toán để đền bù. Đặc biệt là chi phí đền bù cho khán giả cần phải thực hiện ngay lập tức”.


Vị lãnh đạo trẻ này của đội bóng đất Thủ Dầu Một còn cho biết, VFF cũng như VPF cần có những hình thức kỷ luật nghiêm đối với những đội bóng như V.Ninh Bình sao cho có tính răn đe, tránh trường hợp các đội bóng khác lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” như thế này khi mùa bóng này cũng có đội bỏ giải.

Với B.Bình Dương, quy chế bóng đá chuyên nghiệp đã quy định thế thì chúng tôi cũng đành chịu thôi. Chúng tôi sẵn sàng mất 3 điểm vì V.Ninh Bình bỏ giải nhưng đề nghị BTC phải xử lý nghiêm minh để tránh gặp lại các mùa sau. Chứ thế này vừa hao tiền của để thi đấu, khán giả thì mất tiền và thời gian đến xem, rồi chi phí di chuyển, ăn ở đủ thứ...

B.Bình Dương cũng cần thành tích, nhưng trước tiên là đá hay đá cống hiến để phục vụ khán giả. Khi làm được chuyện đó rồi thì thành tích sẽ tự tới. B.Bình Dương đang “máu me” để theo đuổi triết lý đó, nhưng thật tình là năm nào cũng gặp chuyện bỏ giải kiểu này thì lãnh đạo của chúng tôi cũng giảm nhiệt huyết đi…”,
ông Chóng nói tiếp.

Sau cùng, ông Chóng đưa ra góp ý: “Dứt khoát phải có đội xuống hạng để đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn của giải. Theo tôi, tốt nhất là nên có 2 suất xuống hạng (hoặc 1 suất xuống hạng trực tiếp và 1 suất play-off). Nếu không có đội xuống hạng, vừa mất tính cạnh tranh vừa không kiểm soát được tiêu cực (dễ dàng buông cho đội khác vô địch mà không gặp trở ngại gì, lúc đó giải sẽ không khác gì giải phong trào).”

Điều 69 trong Quy định kỷ luật của VFF: Bỏ trận đấu, giải đấu

1. Nếu một CLB, đội bóng từ chối thi đấu một trận đấu không phải vì lý do bất khả kháng hoặc tự ý bỏ cuộc không tiếp tục trận đấu với bất cứ lý do nào sẽ bị phạt tiền tối thiểu 100.000.000 đồng, bị loại khỏi giải và phải chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Ba Quốc gia từ mùa giải sau. Toàn bộ kết quả thi đấu (nếu có) của đội bóng khác đối với đội bóng này đều bị huỷ bỏ. Người chủ mưu bị phạt tiền 10.000.000 đồng và bị cấm 05 năm tham gia các hoạt động bóng đá do LĐBĐVN, Đơn vị tổ chức giải tổ chức. Trường hợp không phát hiện được người nào chủ mưu thì Trưởng đoàn (hoặc người có trách nhiệm cao nhất của CLB, đội bóng tại trận đấu đó), huấn luyện viên trưởng, Đội trưởng sẽ bị phạt như người chủ mưu.

2. Nếu một CLB, đội bóng có hành vi dẫn tới việc trận đấu không thể diễn ra hoặc không thể thi đấu đủ thời gian thì CLB, đội bóng đó sẽ bị phạt tiền tối thiểu 100.000.000 đồng và bị xử thua 0-3 hoặc trận đấu sẽ phải tổ chức thi đấu lại.

Trong trường hợp nghiêm trọng, CLB, đội bóng có thể phải chịu thêm hình thức kỷ luật tại Điều 5 của Quy định về Kỷ luật này.

3. Nếu một CLB, đội bóng không tiếp tục tham dự giải trong khi giải đấu đang diễn ra, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 12 Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, sẽ bị xử lý như sau:

- Phạt tiền tối thiểu 300.000.000 đồng và phải chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Ba Quốc gia từ mùa giải sau.

- Toàn bộ kết quả thi đấu của đội bóng này đối với đội bóng khác (nếu có) đều bị huỷ bỏ.

- Đền bù các thiệt hại đối với đơn vị tổ chức giải, BTC trận đấu, CLB, đội bóng và các chi phí hợp lý khác có liên quan đến công tác tổ chức, tham gia các trận đấu bị hủy bỏ đến thời điểm bỏ giải.

- Người đứng đầu CLB, đội bóng sẽ bị cấm tối thiểu 05 năm tham gia các hoạt động bóng đá do LĐBĐVN, đơn vị tổ chức giải tổ chức. Nếu xác minh được các đối tượng khác có liên quan đến vụ việc, thì đối tượng đó cũng sẽ bị xử lý tương tự quy định đối với người đứng đầu CLB, đội bóng.
Phạm Tuấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục