Phía sau phiên tòa xử 9 cầu thủ Ninh Bình: Ai sẽ bị “tử hình” về mặt nghề nghiệp?

13:57 Thứ tư 27/08/2014

Phiên tòa xét xử 7 cầu thủ V.Ninh Bình với tội danh đánh bạc đã kết thúc chóng vánh. Trần Mạnh Dũng nhận án nặng nhất là 30 tháng tù, 8 cầu thủ còn lại được hưởng án treo. Người hâm mộ hiện quan tâm là sau phiên tòa này thì “phiên tòa VFF” sẽ ra những bản án như thế nào với các cầu thủ và liệu họ có cơ hội trở lại với nghề?

Có thể cấm vĩnh viễn...

Điều 54, quy định về kỷ luật của VFF ghi rõ về hành vi dàn xếp tỉ số: “Người nào có hành vi nhằm làm sai lệch kết quả trận đấu thì bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ tối thiểu 4 trận và bị phạt tiền tối thiểu 15 triệu đồng. Trường hợp nghiêm trọng có thể cấm thi đấu, cấm làm nhiệm vụ vĩnh viễn”.

Điều 55, liên quan đến cá độ, bán độ, môi giới cá độ ghi: “Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng và đình chỉ hoặc cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với người có hành vi tham gia cá độ bóng đá, bán độ bóng đá, môi giới cá độ bóng đá; thông tin về cá độ, bán độ; lôi kéo người khác tham gia cá độ, bán độ bóng đá”.

Các cầu thủ của V.Ninh Bình tại phiên tòa.

Như vậy, VFF hoàn toàn có thể “cấm vĩnh viễn” hay còn gọi là “tử hình về mặt nghề nghiệp” những cầu thủ V.Ninh Bình và coi như chặn mọi cửa để họ trở lại sân cỏ.

Trước phiên tòa, khi được hỏi, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng đã bày tỏ quan điểm rất kiên quyết: “Cần phải loại trừ vĩnh viễn các cầu thủ này khỏi đời sống bóng đá”. Theo ông Dũng, có thể tới đây VFF sẽ đưa ra thêm những quy định rằng không cần chờ kết quả cuối cùng của tòa án cũng có thể loại vĩnh viễn các cầu thủ tham gia cá độ, bán độ.

Còn theo ông Nguyễn Hải Hường, Ban kỷ luật VFF sẽ xin hồ sơ bên công an, tòa án để xem xét cấm vĩnh viễn hoặc có thời hạn với những cầu thủ nào.

Tính đến thời điểm này, văn bản mới nhất của Ban kỷ luật VFF mới là “Tạm đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức đối với những cầu thủ của V.Ninh Bình do bị Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố bị can về tội danh đánh bạc theo quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự". Hồi cuối tháng 7, Liên đoàn bóng đá Châu Á cũng thông báo gia hạn treo giò 9 cầu thủ của V.Ninh Bình tới thời hạn 20.11.2014.

Tòa xử nhẹ - VFF sẽ xử nặng?

Với các mức án mà TAND tỉnh Ninh Bình đã tuyên với 9 cầu thủ, dư luận cho rằng đó là những mức án chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh với những cầu thủ còn lại. Mức án với các cầu thủ là khá nhẹ, nếu so với phiên tòa xử nhóm cá độ ở SEA Games năm 2005.

Tổng số tiền huy động trong vụ cá độ ở V.Ninh Bình là 1,87 tỉ đồng, riêng tiền thắng độ là 800 triệu đồng. Trong khi đó, tổng số tiền thắng độ của nhóm 7 cầu thủ U.23 VN năm 2005 chỉ 250 triệu. Khi ra tòa, Quốc Vượng nhận án cao nhất 4 năm tù giam, những cầu thủ còn lại nhận án treo.

Thời điểm 2005, phiên tòa xử các cầu thủ U.23 VN nóng hơn vụ V.Ninh Bình rất nhiều. Sau đó, Ban kỷ luật VFF ký quyết định cấm Quốc Vượng 5 năm, cấm Văn Quyến, Văn Trương 4 năm, cấm Hải Lâm, Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh, Lê Bật Hiếu. Nhưng chỉ 2 năm sau, lần lượt các cầu thủ được giảm án, trong đó Quốc Vượng được trở lại thi đấu sớm hơn 2 năm. Đầu năm 2009, các cầu thủ tham gia cá độ ở SEA Games 2005 đã được trở lại sân cỏ. Trong đó nổi bật là Quốc Anh - đã trở lại đội tuyển và đoạt Qủa bóng Vàng.

Trong vụ bán độ ở V.Ninh Bình, ngoài Nguyễn Mạnh Dũng, Xuân Phú đã gần như giải nghệ và khó quay lại, thì Trần Mạnh Dũng, Gia Từ, Quang Hùng... là những cầu thủ trẻ, vẫn còn khả năng thi đấu sau khi thi hành án.

NHM trông chờ những án kỷ luật nghiêm khắc từ VFF, từ Ban kỷ luật với tới đây còn phiên tòa xử 6 cầu thủ Đồng Nai tham gia cá độ ở V.League. Thế nhưng, những án phạt cũng cần lưu ý rằng cầu thủ cũng là người lao động. Họ mắc lỗi và bị trừng phạt bởi pháp luật, nhưng khi được trả lại quyền công dân có được quyền lao động, quyền chọn nghề.

Trong nhiều vụ việc, từ vụ U.23 VN, vụ V.Ninh Bình và sắp tới là vụ Đồng Nai, chưa thấy luật sư nào lên tiếng về khái niệm “cấm vĩnh viễn” trong các quy định của VFF. Trong bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ coi đá bóng là một nghề. Câu hỏi là, khi VFF quyết định “cấm vĩnh viễn” một cầu thủ nào đó, liệu đã đúng với tinh thần của Bộ Luật Lao động?

Các cầu thủ trót "dính chàm nên được tạo cơ hội quay lại với nghề mà mình được đào tạo (bóng đá là nghề duy nhất của họ), có thể là một án treo giò nhiều năm. nhưng không thể có khái niệm vĩnh viễn.

Có thế VFF mới xứng vai trò là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của các thành viên tham gia, dù trong số đó có những cầu thủ đã và đang chịu án tù.

VFF sẽ không an thiệp vào quyết định của Ban kỷ luật

Ông Trần Quốc Tuấn - PCT VFF - cho biết: “Lãnh đạo VFF đã theo dõi sát vụ việc này. Tuy nhiên, những quyết định kỷ luật cầu thủ đều phải chờ Ban kỷ luật VFF căn cứ vào hồ sơ và những quy định của VFF để ra án treo giò. Tới đây, lãnh đạo VFF cũng sẽ có những buổi làm việc với Ban kỷ luật, nhưng sẽ không can thiệp vào các quyết định của ban này”.

Q.Minh
Nhật Thành | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục