“Bí mật của Pep”; Chương 5: Chữ ký cuối cùng

17:24 Thứ hai 02/03/2015

Nếu chương 4 là phát minh ra vị trí “pivote” của Pep thì trong phần này, bạn đọc được biết đến một vài nguyên tắc làm việc của Pep cũng như bản hợp đồng quan trọng nhất của Bayern trong mùa hè 2013.

Quyền riêng tư của Pep

Năm thứ 4 liên tiếp, Bayern cho đội sang tập huấn trước thềm mùa giải ở Trentino, Italia - một vùng quê yên bình với những căn nhà cổ kính, nơi tốc độ tối đa của các phương tiện giao thông chỉ là 40km/h. Trước khi Pep trở thành HLV trưởng, CLB đã dự định chuyển địa điểm để tránh gây sự nhàm chán với các cầu thủ nhưng Pep không đồng ý. Ông có lý do riêng của mình.

Từ thời dẫn dắt Barca, các buổi tập do Pep chỉ đạo luôn khép kín và không cho phép cánh báo giới vào quan sát. Ở Bayern, triết lý ấy không thay đổi. Trentino trầm lặng là nơi thích hợp nhất để Pep đưa ra các gợi ý chiến thuật hay ngón đòn chiến đấu cho các học trò. Ngay từ buổi tập đầu tiên vào ngày 06/07/13, sân Arco đóng cửa, hàng rào dây thép gai bên ngoài được dựng lên ngăn không cho NHM trèo tường vào sân, hơn 100 nhân viên an ninh túc trực bên ngoài. Chỉ duy nhất Marti Perarnau (tác giả của cuốn sách) được tiếp cận những buổi tập hay tình hình hậu trường của Bayern.

Đừng nghĩ rằng Pep bảo thủ hay giấu bài. Thực ra, ai cũng biết các CLB Pep dẫn dắt sẽ vận hành lối chơi ra sao. Nhưng điều tạo ra sự khác biệt của Barca trước đây và Bayern bây giờ là “nhân tố bí ẩn”. Chưa ai rõ “nhân tố bí ẩn” ấy là gì, chỉ biết đó chắc chắn là thứ vũ khí mà Pep sẽ tung ra kết liễu đối thủ trong một khoảnh khắc nhất định.

Nguyên tắc “4 giây”

Sau những bài tập kỳ dị, Pep bắt đầu đưa ra những điều chỉnh mang tính chiến thuật. Trước hết, Pep muốn Ribery và Robben thay đổi lối chơi. Thay vì lởn vởn suốt 80 phút bên phần sân đối phương, Pep muốn đôi cánh của mình chơi bóng đơn giản hơn và khép lại một đường lên bóng chỉ trong 4 giây.

Tất nhiên, không chỉ “Robbery” phải tuân thủ nguyên tắc “4 giây”. Toàn đội đều phải làm theo chỉ thị của Pep. Buổi chiều cùng ngày, bài tập “pressing” (tạm dịch: gây áp lực) được sử dụng.

Pep, Thiago và Marti Perarnau.

Trong phần này, một tiền vệ sẽ cầm bóng từ phần sân nhà và dốc bóng ở tốc độ cao nhất có thể. Phía bên kia đầu sân, một trung vệ sẽ lao ra với tốc độ cực đại và gây sức ép lớn nhất có thể để đoạt bóng nhưng không được phép phạm lỗi thô bạo. Ngoài ra, Pep cũng yêu cầu các cầu thủ cầm bóng không được phép chuyển hướng đi bóng. Họ bắt đầu theo hướng nào thì phải tiếp tục dẫn bóng theo hướng đó bởi “nguyên tắc 4 giây” không cho phép sự rườm rà trong tư duy.

Nhiều cầu thủ không hài lòng với bài tập này do độ khó của nó. Ribery và Robben liên tục bị nhắc nhở khi họ vẫn đi bóng theo bản năng bao năm qua. Ngược lại, thủ môn Neuer và tiền đạo Mandzukic là những người gây ấn tượng mạnh nhất. Pep giận dữ và quát to: “Nếu không thích, mời các cầu đi leo núi thì sẽ biết sự rườm rà có thể ảnh hưởng tới sinh mạng của mình”.

Giải thích cho “nguyên tắc 4 giây”, Pep chia sẻ cũng giống như chuyền bóng, đi bóng hay gây áp lực cho đối phương cũng liên quan tới độ trơn tru của một cỗ máy. Mất 4 giây cho một động tác, cầu thủ sẽ có thời gian để chuyển sang kèm “cầu thủ thứ 3” (người chuẩn bị nhận bóng) và như vậy, thế trận phòng ngự sẽ không bỏ sót bất kỳ mục tiêu nào.

Mảnh ghép còn thiếu

Pep liên tục nhấn mạnh vào sự nhất quán trong lối chơi của toàn đội. Ông nhắc lại “Hoặc các cầu dốc 100% sức lực như trong trò rondos, hoặc đừng làm gì cả”.

Về lâu dài, phong cách “luôn đi trước một bước” mà Pep muốn hình thành cho Bayern cần một tiền vệ điều phối thực thụ. Lahm chỉ là giải pháp tạm thời, Schweini không phải kiểu tiền vệ như vậy còn Kroos cũng mang hơi hướng của người đàn anh.

Thiago là cái tên được lựa chọn. Mọi việc diễn ra chóng vánh và suôn sẻ hơn Pep suy nghĩ. Ngày 07/07/13, Pep gọi Marti Perarnau và ghé nhỏ vào tai nhà báo này: “Thiago chuẩn bị đến. Chuẩn bị thêm vào cuốn sách của ông chi tiết ấy nhé”.

Đúng một tuần sau, ngày 14/07/13, Bayern thông báo họ đã giành được chữ ký của Thiago. Quá trình thương lượng rất đơn giản: Pep gọi điện cho Thiago, cha Thiago từ chối M.U dù đã ký hợp đồng ghi nhớ còn Barca sẵn lòng để Thiago ra đi nhằm giúp anh có cơ hội ra sân nhiều hơn.

Những nhân vật cốt cán ở Bayern hoàn toàn ủng hộ quyết định của Pep. Hai năm trước, suýt chút nữa Thiago đã cập bến Allianz Arena nếu Pep không can thiệp kịp thời. Bây giờ, thầy trò Pep - Thiago lại được tái ngộ trong màu áo đội bóng hùng mạnh nhất Đức.

Dẫu vậy, Thiago đến thì phải có người đi. Nhìn lướt qua đội hình của Bayern, Pep chọn Mario Gomez. Ông có hai trung phong cắm khá ổn định là Mandzukic và Pizarro, chưa kể tới Ribery và Goetze luôn sẵn sàng đảm nhận vai trò “số 9 ảo” mỗi khi được yêu cầu. Bayern thông báo tới Gomez và đề nghị tìm cho tiền đạo người Đức một bến đỗ phù hợp.

Fiorentina là đích đến tiếp theo của Gomez. Thật lạ là chân sút gốc Tây Ban Nha không tỏ ra thất vọng hay có hành động chống đối CLB. Anh vui vẻ đón nhận thông tin ấy và vẫn hoàn thành giáo án tập luyện theo cách không thể chăm chỉ hơn. Ngày cuối cùng của Gomez ở Bayern, Pep viết thư tay nói lời cảm ơn với Gomez và hẹn một ngày gần nhất hai người cùng thưởng thức loại bia tươi hảo hạng ở Munich.

Lại nói về bức thư tay, tiếng Đức là thứ ngôn ngữ được Pep sử dụng. Chỉ sau nửa năm “dùi mài kinh sử”, Pep đã đọc thông viết thạo một trong những ngôn ngữ hệ Ấn-Âu khó học nhất thế giới. Nhưng đâu là lý do khiến Pep tự tin viết thư bằng tiếng Đức? Câu trả lời là thầy dạy tiếng Đức của Pep ở New York nghỉ việc vì ông này là fan của… Dortmund.

(Còn tiếp... )

Thành Trần | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục