HAGL: Khi người ta xây nhà từ móng

21:19 Thứ ba 30/06/2015

(TinTheThao.com.vn) - HAGL những ngày gần đây là tâm điểm của dư luận khi họ tiếp tục thất bại trước B.Bình Dương tại vòng đấu thứ 14 V-League. Nhiều nhà chuyên môn, HLV, cựu cầu thủ liên tiếp đưa ra các ý kiến mổ xẻ thất bại của các cầu thủ từng làm mưa làm gió một thời ở U19 Việt Nam.

Liệu lứa Công Phượng có vượt qua được khó khăn hiện tại. Ảnh: Đình Viên.

Nào là HAGL nên thay HLV trưởng, bầu Đức đã sai lầm khi đôn nguyên lứa Tuấn Anh, Công Phượng,… lên đá V-League hay HAGL cần phải thay đổi lối chơi. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai tất cả bầu Đức vẫn giữ nguyên lập trường của mình hòng xây dựng một lối chơi riêng, một bản sắc thực sự cho đội bóng từ những “viên gạch” nền móng do mình là ra.

Cụ thể là việc ông ký một bản hợp đồng dài hạn lên đến 10 năm với vị chiến lược gia người Pháp Guillaume Graechen. Vậy do đâu mà ông bầu nổi tiếng này vẫn kiên định với cách làm của mình như thế?

Trên thế giới có rất nhiều đội bóng đã xây dựng trường phái bóng đá giành riêng cho mình và đó là bản sắc, là lẽ sống của đội bóng và của CĐV. Với Barcelona, thế giới đã bị mê hoặc bởi lối chơi tiki-taka đẹp mắt và giàu cảm xúc. Tuy nhiên, để làm được như thế, thời gian họ xây dựng triết lý không phải là ngày một ngày hai.

Hoặc như Juventus nổi bật với lối đá phòng ngự Catenaccio khoa học hợp lý nhưng đầy tính hiệu quả cũng cần một quá trình dài. Và đấy cũng là lối chơi mà họ đeo đuổi để tạo nên thương hiệu mặc dù cũng có lúc họ phải xuống chơi ở Serie B.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia Hà Lan nổi tiếng với lối chơi tấn công tổng lực ở World Cup 1974 và từ đó họ theo đuổi phong cách của mình đến tận ngày nay. Mặc dù chưa một lần vô địch World Cup nhưng ai dám coi thường “ cơn lốc màu da cam”?. Một trường hợp khác là Brazil với những vũ công làm xiếc với bóng đá, lối chơi đậm chất nghệ sỹ mang lại vô số thành công mặc dù hiện tại họ đang gặp khó khăn nhưng không đội bóng nào gặp Brazil lại cho là dễ dàng cả.

Quay trở lại với BĐVN để tìm một CLB có lối đá riêng biệt thì hầu như chưa có. Hà Nội T&T cũng mới lờ mờ định hình lối chơi ban bật đoạn ngắn, sử dụng lối đá kỹ thuật. Vậy nhưng họ cũng không ít trận đấu sử dụng các pha nhồi bóng dài cho Samson hay Gonzalo. Các cầu thủ của họ hầu như không phải trưởng thành từ lò đào tạo của mình nên khó thấm nhuần lối chơi cũng là điều dễ hiểu.

B.Bình Dương được mệnh danh là Chelsea của Việt Nam nhưng có lẽ điều ví von đó chỉ đúng với việc các ông bầu chịu chi cả núi tiền để mang về các cầu thủ ngôi sao. Còn về lối chơi thì Bình Dương không cho thấy một lối chơi rõ ràng nào như đội bóng của tỉ phú Abramovich.

HAGL cần phải thay đổi lối chơi. Ảnh: Đình Viên.

Chelsea có lối chơi phòng ngự “dựng xe buýt” rõ ràng và họ vẫn đeo đuổi triết lý ấy trong nhiều năm qua, còn B.Bình Dương hầu như không có một bản sắc nào. Họ xây dựng lối chơi dựa vào cách chơi bóng của các ngôi sao, chứ không phải các ngôi sao phục vụ lối chơi của tập thể đội bóng. Bên cạnh đó, hầu như B.Bình Dương bỏ qua luôn công tác đào tạo trẻ điều căn bản khi làm bóng đá dài hạn.
Với HAGL, có lẽ từ ngày bắt tay với Arsenal để xây Học viện, bầu Đức đã ấp ủ xây dựng một lối đá mang đậm bản sắc cho mình dù phải mất nhiều thời gian và đôi lúc phải trả giá đắt cho triết lý đó. Chính vì thế khi lứa học viên khoá I ra trường, ông đã đôn nguyên cả đội lên đá V-League để tạo ra lối chơi cho đội.

Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một sai lầm vì các cầu thủ còn trẻ và cần các đàn anh dìu dắt, kèm cặp. Vậy nhưng không phải bầu Đức không có cái lý. Nếu chỉ đưa một vài cầu thủ trẻ lên rồi cấy vào tập thể trước, HAGL không thể chơi với lối chơi mà lứa cầu thủ đầy triển vọng này đã từng ăn tập suốt 7 năm trời và cuối cùng họ vẫn không tìm ra được bản sắc riêng.

Như đã nói, để xây dựng một lối chơi và theo đuổi nó cần một quá trình dài hạn và việc xây dựng lối chơi từ các cầu thủ trẻ là một điều hết sức đúng đắn. Nên nhớ Học viện HAGL-JMG còn được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao ở các lứa học viên khoá II, khoá III…

Thử tưởng tượng khi những học viên các khoá sau ra trường được chơi chung với các đàn anh Công Phương, Tuấn Anh, Xuân Trường,… lúc đấy đã trưởng thành thì HAGL sẽ nguy hiểm như thế nào với các đối thủ của họ? Mặc dù để giữ gìn bản sắc và triết lý của mình thì Công Phượng và các đồng đội có thể bắt đầu lại từ giải hạng Nhất sang năm.

BĐVN từ trước đến nay luôn xây nhà từ nóc, làm bóng đá một cách tức thời nóng vội nên hệ luỵ của nó đã ảnh hưởng đến ĐTVN không hề nhỏ. Suốt một thời gian dài chúng ta vẫn chưa thể khẳng định chỗ đứng của mình tại khu vực khi chỉ mới một lần vô địch AFF Suzuki Cup và chiếc HCV SEA Games thì mãi vẫn là giấc mơ.

Nên chăng với cách xây dựng bóng đá từ nền móng như bầu Đức cần được nhân rộng trong môi trường BĐVN. Lúc đấy, biết đâu những giấc mơ con như HCV Sea games hay vô địch AFF Cup không còn là điều quá xa vời?

(Bạn đọc: Tuấn Phan)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục