Câu chuyện bóng đá: Cầu thủ nhập tịch thời toàn cầu hóa

20:18 Thứ sáu 27/03/2015

(TinTheThao.com.vn) - Để chuẩn bị cho loạt trận giao hữu và vòng loại Euro 2016 sắp tới, huấn luyện viên đội tuyển Ý, Ông Conte đã gọi hai tân binh là Franco Vazquez và Citadin Eder lên tuyển. Đáng chú ý đây đều là hai cầu thủ nhập tịch. Điều đó đã lại dậy lên những luống ý kiến trái chiều về vấn đề nhạy cảm này.

Từ câu chuyện của ở Xứ mỳ ống

Người Ý thậm chí đã đặt ra một danh từ để chỉ những cầu thủ nhập tịch là “Oriundi”. Và ngay tại quốc gia này liên tục có những ý kiến trái chiều về vấn đề này, nổi bật nhất là tuyên bố của hai huyến luyện viên lão làng là Roberto Mancini và Marcello Lipi đại diện cho hai phía khác nhau.

Mancini thì cho rằng: “ Đội tuyển quốc gia Italia chỉ xứng đáng cho những cầu thủ là người Italia từ khi sinh ra. Theo tôi những người ở Italia mà mang quốc tịch Italia là không nên”. Vị HLV của Inter Milan tuyên bố như vậy bởi Eder và Vazquez không phải người Ý thuần chủng.Ngay từ cái tên của hai người đã nói lên điều đó. Varquez đến từ Cordorba, Argentina nhưng có mẹ là ngưới Ý và bà nội anh cũng là người Ý. Còn Eder là người Brazil, anh có ông bà cố là người Ý, chuyển đến nước này năm 16 tuổi và thi đấu ở đây từ 2007, do vậy Eder có đủ điều kiện để chuyển đổi và nhận quốc tịch là Italia cho mình.

HLV Conte gọi bộ đôi này lên tuyển bởi ấn tượng về phong độ cực cao trong màu áo hai câu lạc bộ Sampdoria và Palermo. Nhưng chính ông đang mắc kẹt trong những cuộc tranh luận nảy lửa về các “Oriundi” này. Người đứng về quan điểm của Mancini thì cho rằng Azzurri đang bị lai hóa quá nhiều. Họ muốn thấy một đội tuyển Ý mang đậm chất Ý, nếu như mang cầu thủ nhập tịch lên tuyển sẽ làm mất bản sắc và niềm tự hào về màu cờ sắc áo sẽ bị phai nhạt.

Nhưng hành động của Conte thì lại được chiếc lược gia lão làng Lippi ủng hộ. HLV từng đưa Italia lên ngôi vô địch thế giới năm 2006 nói “Tôi đã từng giành chức vô địch World Cup với Camoranesi – một cầu thủ nhập tịch đấy thôi. Nếu như C.Ronaldo và Messi có bố hoặc mẹ là người Ý thì các người có gọi anh ta lên tuyển quốc gia Ý hay không?. Chắc chắn sẽ không ai phản đối việc này, miễn sao nó phù hợp và tuân theo mọi điều luật. Nếu ĐTQG toàn những cầu thủ sinh ra tại đây, đó là điều tốt nhất. Tuy nhiên, nếu những cầu thủ khác cũng hợp lệ đá cho tuyển Italia, thì tại sao họ lại không được trao cơ hội lên tuyển?”

Quả thật đã từng có rất nhiều cầu thủ chơi cho đội tuyển Ý mà không phải người Ý chính gốc, ngoài Camoranesi còn có rất nhiều cái tên quen thuộc với những người hâm mộ đội bóng áo thiên thanh gần đây như Thiago Motta, Amauri, Pablo Osvaldo, Mario Balotelli... Họ ít nhiều đều có những đóng góp quan trọng cho Azzurri. Conte gọi hai tân binh này bởi vì họ là một trong số ít những cầu thủ đang có phong độ ấn tượng ở Serie A.

Eder đang là cây săn bàn số 1 của Sampdoria ở Serie A 2014/15 với 9 bàn thắng sau 28 vòng đấu. Ưu điểm của Eder là khả năng chớp thời cơ, sút phạt đa dạng và kiến tạo tốt (4 đường chuyền thành bàn/28 trận). Vazquez (Palermo) gây ấn tượng mạnh mạnh khi được xếp đá ở vị trí tiền vệ tấn công và khi cần anh cũng có thể sắm vai trò của 1 trung phong. Tính ra, anh chàng 26 tuổi này đã có 9 pha kiến tạo và ghi được 7 bàn/28 trận ở Serie A 2014/15.

Việc Vazquez được Conte triệu tập lần này được cho là để làm quen với vai trò dẫn dắt lối chơi của Azzurri trong tương lai. Với 9 pha kiến tạo ở mùa giải năm nay - điều không ai khác ở Serie A làm được, Vazquez xứng đáng với vai trò của "số 10" ở ĐTQG nếu so với các trụ cột như Claudio Marchisio (Juventus - 5 pha kiến tạo), Antonio Candreva (Lazio - 7 pha kiến tạo).

Ông Conte đã gọi 2 cầu thủ nhập tịch là Franco Vazquez và Citadin Eder lên tuyển Ý. Ảnh Internet

Những thống kê trên đã cho thấy hai “Oriundi” này hoàn toàn xứng đáng được góp mặt trong màu áo thiên thanh. Và Conte chắc chắn sẽ không giấu giếm ý định sẽ khai thác và sử dụng họ cả trong tương lai.

Đến chuyện không hiếm ở làng bóng đá thế giới

Việc một cầu thủ chuyển đổi quốc tịch để chơi cho một đội tuyển quốc gia khác là điều đã không hiếm gặp ở bóng đá thế giới. Trong lịch sử, việc thay đổi ĐTQG được chấp nhận như việc đổi CLB. Những trường hợp điển hình nhất là huyền thoại Alfredo di Stefano của Real từng thi đấu cho cả ĐT Argentina (1947) và ĐT Tây Ban Nha (1957-1961). Argentina và Tây Ban Nha là quê hương của bố mẹ ông. Đồng đội của Di Stefano ở Real là Ferenc Puskas cũng đã chọn thi đấu cho ĐT Tây Ban Nha sau 85 khoác áo ĐT Hungary.

Dễ thấy rằng quan điểm của Roberto Mancini về việc xác định nơi sinh để chọn đội tuyển quốc gia là không phù hợp. Đơn cử như trong trường hợp Thiago Alacantara, cầu thủ đang chơi cho Bayern Munich là một ví dụ. Anh được sinh ra ở Ý khi bởi vì khi đó, cha anh – ông Mazinho đang chơi bóng cho Lecce. Theo như Mancini thì Thiago cần phải chơi cho đội tuyển Ý. Nhưng không, anh chọn Tây Ban Nha là tuyển quốc gia của mình chứ không phải là tuyển Brazil như cha anh bởi vì Thiago từ năm một tuổi đã sinh sống và lớn lên ở Barcelona.

Theo thống kê của FIFA, kể từ năm 2007 ( thời điểm tổ chức này chính thức ban hành Luật Xin đổi quốc tịch ) đã có 174 thay đổi đội tuyển quốc gia được chấp thuận. Luật này ghi rõ: Cầu thủ nào vừa có quốc tịch mới mà chưa thi đấu quốc tế (trong một trận đấu ở một giải đấu chính thức) cho ĐTQG khác sẽ được phép đăng kí thi đấu cho ĐTQG ở nước mà anh ta vừa nhập tịch nếu đáp ứng được 1 trong các tiêu chí sau:

- Được sinh ra trên vùng lãnh thổ của quốc gia có LĐBĐ tương ứng

- Bố ruột hoặc mẹ ruột của anh ta được sinh ra trên vùng lãnh thổ của quốc gia có LĐBĐ tương ứng

- Ông hoặc bà (nội hoặc ngoại) của cầu thủ đó được sinh ra trên vùng lãnh thổ của quốc gia có LĐBĐ tương ứng

- Anh ta sống trong quãng thời gian ít nhất là 5 năm sau khi tròn 18 tuổi trên vùng lãnh thổ của quốc gia có LĐBĐ tương ứng.

Đến tháng 9/2009, FIFA tiếp tục có sửa đổi khi gỡ bỏ hạn chế về mặt tuổi tác với những cầu thủ có nhu cầu chuyển ĐTQG khi có nhiều quốc tịch.

Nhờ các quy định rõ của FIFA về vấn đề này nên ngày càng có nhiều các cầu thủ được nhập tịch và chơi cho đội tuyển quốc gia khác. Nổi bật nhất gần đây là trường hợp của tiền đạo Diego Costa. Anh sinh ra và lớn lên ở Brazil nhưng lại chọn thi đấu cho đội tuyển Tây Ban Nha mặc dù không hề có gốc gác Tây Ban Nha nào.

Costa được chấp thuận vì anh đã nhập tịch vào Tây Ban Nha và đáp ứng được một trong các tiêu chí của Luật đổi quốc tịch kể trên là đã sống ở Tây Ban Nha liên tục trong vòng 6 năm (quãng thời gian thi đấu cho Atl Madrid). Trước đây, Diego Costa từng góp mặt trong 2 trận giao hữu của ĐT Brazil, nhưng đó chỉ là những trận đấu giao hữu không được FIFA thừa nhận là chính thức, nên tiền đạo này vẫn được chập nhận trở thành cầu thủ của ĐT Tây Ban Nha.

Một ví dụ rắc rối hơn những cũng được giải quyết dựa vào các tiêu chí của Luật chuyển đổi quốc tịch của FIFA. Đó là trường hợp của tài năng trẻ Adnan Januzaj. Anh sinh ra ở Bỉ nhưng có bố là người Kosovo gốc Albani và có ông bà ngoại là người Thổ Nhĩ Kỳ. Januzaj chuyển đến Manchester United năm 16 tuổi và hiện vẫn đang thi đấu ở đó.

Theo như các tiêu chí của FIFA thì Januzaj có thể chơi bóng cho tuyển quốc gia Bỉ-nơi anh sinh ra và đang mang hộ chiếu, hoặc cho tuyển Albani, do nguồn gốc Albani của anh, hoặc cho Kosovo-quê hương của cha anh mặc dù đội tuyển của quốc gia này chưa được FIFA công nhận, hoặc cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua ông bà ngoại của Januzaj. Thêm một đội tuyển quốc gia cho Januzaj lựa chọn đó là tuyển Anh, tuy nhiên anh sẽ thi đấu theo diện nhập cư và để thực hiện điều đó, Januzaj cần có 5 năm làm việc tại Anh sau tuổi 18. Và như chúng ta đã biết, Januzaj đã lựa chọn Bỉ là đội tuyển quốc gia của mình qua đó được tham dự Vòng chung kết World Cup 2014.

Cầu thủ nhập tịch sẽ tăng thêm sức mạnh cho đội tuyển quốc gia của họ

Thực tế đã có rất nhiều cầu thủ đã xin chuyển đổi thành công và thi đấu cho đổi tuyển quốc gia mới. Nếu đặt ngoài yếu tố màu cờ sắc áo mà chỉ đề cập vấn đề hiệu quả, liệu những cầu thủ nhập tịch có đóng góp lớn cho đội tuyển quốc gia của họ không. Hãy điểm qua một vài ví dụ trong thời gian qua sau đây:

Jurgen Klinsmann dẫn dắt ĐT Mỹ chưa đầy 1 năm và ông nhận ra rằng những cầu thủ bản địa ở đây không nhiều tài năng nổi trội.Vì thế, Klinsmann quyết định đưa những cầu thủ Mỹ từ nước ngoài về khoác áo đội tuyển. Đó là những cái tên đậm chất Đức – Mỹ như Jermaine Jones, Fabian Johnson, John Brooks… Chính họ đã góp phần quan trọng trong màn trình diễn ấn tưởng của tuyển Mỹ trên đất Brazil hè 2014.

Hay như trường hợp Diego Costa đã nhắc đến ở trên. Khi đã nổi danh là một tiền đạo giỏi và dễ dàng được chọn Brazil là tuyển quốc gia của mình nhưng Costa lại chọn Tây Ban Nha là màu áo thi đấu của mình. Vấn đề là ở đây, Tây Ban Nha và Costa tìm đến nhau đều vì lợi ích chung của hai bên dù La Roja không thiếu tài năng.

Diego Costa, cầu thủ nhập tịch của Tây Ban Nha. Ảnh Internet

Vicente Del Bosque cần một chân sút đã thi đấu ở Tây Ban Nha trong năm năm và có quốc tịch nước này để giải quyết cuộc khủng hoảng hàng công, Costa chọn La Roja để có cơ hội ra sân nhiều hơn sau khi anh bị Brazil bỏ quên. Và trước Costa, Tây Ban Nha đã rất thành công với trường hợp của một cầu thủ người Brazil khác là Marcos Senna, nhân tố quan trọng của đội hình vô địch Euro 2008.

Một nền bóng đá mà các cầu thủ nhập tịch đem lại thành công rất lớn là bóng đá Pháp. Phần lớn những cầu thủ đem về chức vô địch thế giới năm 1998 không phải là người Pháp chính công, trong đó phải kể đến Zinedine Zidane có gốc gác Algeria, Patrick Vieira cũng mang dòng máu của đất nước Bắc Phi này, ngoài ra còn có đội trưởng Marcel Desailly được sinh ra ở Ghana…Truyền thống này còn được tiếp diễn cho đến ngày nay khi có rất nhiều tuyển thủ Pháp không phải là người Pháp “ chính hiệu” như Samir Nasri, Karim Benzema, Patrick Evra…

Một lần nữa, nhờ những thay đổi thoáng hơn từ các quy định của FIFA, việc cầu thủ thay đổi đội tuyển và các đội tuyển có được cầu thủ nhập tịch đã trở nên dễ dàng hơn miễn là họ đáp ứng được một số yêu cầu. Một ví dụ khác và cụ thể hơn là Algeria, đội tuyển đã tham dự hai World Cup gần đây là 2010 và 2014. Năm 2010, trong 23 cầu thủ Algeria đưa tới Nam Phi có 17 người sinh ra ở Pháp và một nửa trong số này khoác áo các đội trẻ của Pháp. Năm 2014, trong 23 cầu thủ Algeria tới Brazil, con số này là 16.

Ở đây, chính sách của Algeria là họ sẵn sàng tìm kiếm những cầu thủ tài năng nhập cư sẵn sàng thi đấu cho đội tuyển hoặc có cha mẹ, ông bà là người Algeria. Nói như ông Mohammed Raouraoua, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Algeria thì điều này cho phép các đội tuyển cải thiện chất lượng thi đấu và có cơ hội thi đấu ở World Cup. Thử hỏi nếu Zidane không khoác áo Pháp, điều đó có giúp Algeria vô địch thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ nếu có Mesut Ozil sẽ mạnh hơn hay Ba Lan vô địch World Cup cùng Lukas Podolski và Miroslav Klose? Đừng quên là Gonzalo Higuain, Mauro Camoranesi thừa sức khoác áo Pháp và Argentina nhưng họ vẫn chọn Argentina và Italy. Zidane là huyền thoại bóng đá Pháp dù anh có gốc Algeria

Dù còn có rất nhiều người không thích việc có các cầu thủ nhập tịch trong đội hình đội tuyển quốc gia của họ nhưng không thể phủ nhận đây là một xu thế mới trong bóng đá hiện đại và chính những thay đổi trên đã giúp phát hiện ra những tài năng mới và giúp đội tuyển của họ gặt hái được những thành công mới. Sau cùng thì lý do khiến các cầu thủ từ bỏ nguồn gốc và chọn một đội tuyển mới vì họ cảm thấy họ có cơ hội, được trân trọng tài năng. Đây có lẽ là bản chất của quá trình chuyển đổi đội tuyển, cũng như cho thấy những hạn chế của một quốc gia khi không biết cách giữ chân tài năng hoặc đóng cửa đối với họ.

(Bạn đọc Anh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục