Hình ảnh Robben và trách nhiệm của cầu thủ Việt

22:35 Thứ hai 28/07/2014

(TinTheThao.com.vn) – World Cup 2014 đã qua, nhưng những ấn tượng về nó thì chắc sẽ còn đọng lại trong lòng người hâm mộ bóng đá rất lâu. Ấn tượng ấy có thể là kỷ lục mới của Klose, là những cái lắc đầu ngao ngán, bất lực của Ronaldo khi mình anh không thể vực dậy nổi một Bồ Đào Nha rệu rã; hoặc một Argentina từ sau thế hệ Maradona vẫn vật vã đi tìm ánh hào quang đã qua, dù là họ có một Messi tài hoa, dù khi cúp vàng tưởng như đã ở rất gần, vậy mà rồi lại rất xa…

Nhưng với tôi, ấn tượng và ám ảnh hơn cả, đó là hình ảnh của Robben và cậu con trai bé bỏng. Ngay khi Hà Lan của Robben bị Argentina loại ở bán kết sau loạt luân lưu, Robben đã tiến lại khán đài, nơi vợ con anh đang ngồi để an ủi họ. Thế nhưng, khi đưa tay ra đón cậu con trai vào lòng, Robben đã sững sờ bởi con trai anh không thèm nhìn mặt anh, cậu bé quay mặt đi hướng khác, gục đầu vào vai mẹ, khóc nức nở. Nhìn cảnh đó thì chắc ai cũng hiểu cậu con trai đang hờn dỗi bố mình.

Arjen Robben luôn thi đấu hết mình trong màu áo đội tuyển quốc gia

Có lẽ trước trận đấu Robben đã trót hứa với con rằng sẽ đánh bại Argentina để đưa Hà Lan vào chung kết. Vì thế, khi bị thất hứa, nhất là khi người thất hứa là cha mình, thì cậu bé có quyền giận dỗi và phản ứng mạnh như thế. Mặt Robben lúc ấy nhìn rất tội, bởi khi không thực hiện được lời hứa, dù đã cố gắng hết sức mình, thì hẳn anh vẫn cảm thấy dằn vặt, day dứt trong lòng nhiều, dẫu rằng đó chỉ là một lời hứa với một đứa trẻ ngây thơ.

Vậy còn những cầu thủ mà trước mỗi trận đấu vẫn ngửa mặt lên trời, đặt tay lên ngực hát quốc ca, liệu họ có hiểu khi họ làm vậy tức là họ đang hứa với tổ quốc, với đồng bào rằng sẽ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự và niềm tự hào của đất nước? Nếu đã hiểu thì tại sao họ vẫn cắm đầu sút bóng về lưới nhà, vẫn cố tình chuyền bóng cho đối phương, vẫn vừa đá vừa diễn kịch, vật vờ như bóng ma? Và rồi, chính những bàn tay vừa mới đặt lên ngực hát quốc ca ấy thì sau trận đấu lại ngửa ra để nhận những đồng tiền nhơ bẩn, kiếm được từ việc bán rẻ niềm tin của người hâm mộ, từ việc chà đạp lên danh dự của tổ quốc? Liệu họ có ngẩng đầu lên và nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng đang rung lên giận dữ, bay phần phật trên đầu?

Hẳn chúng ta còn nhớ vết nhơ của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 23, một vụ bán độ, dàn xếp tỉ số kinh hoàng đã chôn vùi hàng loạt những cầu thủ được hi vọng là thế hệ vàng tiếp theo của bóng đá Việt Nam; rồi gần đây là vụ bán độ tại Ninh Bình, và hiện tại là Đồng Nai. Bóng đá sẽ trở thành cái gì nếu lời hứa liên tục bị nuốt trôi và niềm tin thường xuyên bị phản bội?

Chúng ta tự ái và nổi giận khi Mourinho, khi Albiol, trong những bài phỏng vấn, phát biểu của họ, nhiều lần lấy bóng đá Việt Nam ra để đùa cợt, để ví von, để làm đại diện cho một thứ, cho một nền bóng đá mà họ nghĩ là kém cỏi và bệ rạc nhất. Tất nhiên, quan điểm ấy của họ có thể là phiến diện, chủ quan và không chính xác, nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi tại sao họ lại chọn Việt Nam mà không phải là một nền bóng đá khác?

Nếu đã là người dân Việt Nam và yêu bóng đá thì hẳn ai cũng mơ có ngày được thấy đội tuyển của chúng ta có mặt tại sân chơi World Cup. Giấc mơ đó có từ rất lâu rồi, từ bao giờ thì tôi không nhớ, chỉ nhớ là cách đây hai chục năm, tôi đã nghe bố tôi nhắc đến nó, rằng “hi vọng hai mươi năm nữa, Việt Nam sẽ được dự World Cup”. Và rồi cho đến bây giờ, khi mà hai chục năm đã trôi qua, thì giấc mơ ấy vẫn còn nguyên vẹn, và tôi lại được nghe bố tôi nhắc lại, rằng “hi vọng hai mươi năm nữa, Việt Nam sẽ được dự World Cup, và hi vọng lúc ấy bố vẫn còn sống!”.

Để được dự World Cup như Hà Lan, các cầu thủ của chúng ta hẳn sẽ phải cố gắng rất nhiều, bởi khoảng cách về trình độ giữa chúng ta với họ là rất lớn. Để có được thể lực bền bỉ, những bước chạy thần tốc, những cú ngoặt bóng, đảo chân biến ảo như của Robben thì e là sẽ rất lâu, và rất khó. Nhưng có một thứ dễ hơn mà các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là mấy cầu thủ bán độ, có thể học tập từ Robben, đó là học cách chịu trách nhiệm với lời hứa của chính mình, học cách biết xấu hổ khi mình đã phụ lòng tin yêu, phụ niềm hi vọng của người hâm mộ.

Bởi nếu ra sân mà cầu thủ chỉ nghĩ đến bán độ, nghĩ đến tiền thì biết bao giờ mới tiến bộ? Nếu không tiến bộ thì khi nào mới được dự World Cup? Mà kể cả có được dự World Cup nhưng khi niềm tim của người hâm mộ đã hết thì còn ai quan tâm, còn ai muốn xem họ đá? Người ta thà bỏ tiền vào rạp xem phim, xem kịch, như vậy còn vui hơn!

(Bạn đọc: Huỳnh Quốc Dũng)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục