Kính nể những VĐV khuyết tật

10:02 Thứ năm 23/10/2014

Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ nước ngoài vào chiều tối 21-10. Đầu máy bên kia là tiếng của anh Vũ Công Lập, một nhà khoa học kiêm nghề tay trái viết thể thao. Tiếng anh Lập như reo: “Tuyệt vời lắm, có 6 HCV rồi. Trong đó chỉ một mình Võ Thanh Tùng có đến 3 HCV”. Anh Lập đang ở Hàn Quốc, đi theo Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2014, một sự kiện nối tiếp sau Asiad.

Nếu tại Asiad Incheon, Đoàn thể thao Việt Nam “dài cổ” vì chờ HCV, và cuối cùng chỉ có vỏn vẹn một chiếc nhờ Thúy Vi mang về từ môn wushu, thì các VĐV khuyết tật của Đoàn Việt Nam đang tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á - Incheon lại liên tục gặt hái HCV, ngay ngày đầu tiên nhờ hai cái tên Lê Văn Công và Nguyễn Bình An ở môn cử tạ. Độc đáo hơn, Công còn phá kỷ lục thế giới, còn An phá kỷ lục châu Á.

Tiếp đến, trong ngày thi thứ hai và ba của đại hội, môn bơi đã mang về đến 4 HCV, trong đó Nguyễn Thành Trung đoạt một chiếc và Võ Thanh Tùng lập hattrick với 3 HCV. Chỉ mới ba ngày thi đấu, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu 6 HCV, và dự báo chắc chắn sẽ vượt qua chỉ tiêu.

VĐV Võ Thanh Tùng.

Trong bốn chủ nhân của 6 HCV đầu tiên, đáng nể nhất là Võ Thanh Tùng, người đã 29 tuổi sống ở Cần Thơ. Hồi nhỏ, Tùng bị sốt bại liệt khiến cuộc đời anh phải gắn bó với chiếc xe lăn. Thế tại sao Tùng lại biết bơi? Tùng từng tâm sự với báo chí rằng, chính ba của Tùng đã dạy cho con biết bơi, nhằm tránh rủi ro cho cậu con trai bị bại liệt. Nào ngờ, chính cái lớp vỡ lòng trên sông nước đó đã khiến Tùng mê bơi, dần dà trở thành một tay bơi khuyết tật khét tiếng ngày nay.

Bốn năm trước, Tùng đoạt được 1 HCV và 1 HCB tại Đại hội thể thao người khuyết tật ở Quảng Châu. Khi ấy, trả lời phỏng vấn báo chí, Thanh Tùng có một ước mơ thật là dễ thương: “Kiếm tiền xây lại căn nhà cho mẹ già”. Có lẽ ước mơ ấy lần này sẽ thực hiện được với người đàn ông giàu nghị lực, sống nhờ bằng nghề chính là sửa chữa điện thoại di động này.

Trở lại với câu chuyện của ông Vũ Công Lập, người đã tuyên bố rằng bây giờ còn mê thể thao người khuyết tật hơn cả bóng đá, bởi ở đây ông đã tìm thấy những giá trị lớn lao của con người, hơn cả thú vui thưởng thức một đường bóng đẹp, một bàn thắng hay như xưa nay. Ông điện thoại cho tôi và hỏi, không biết người hâm mộ thể thao ở nhà có quan tâm gì đến đoàn thể thao người khuyết tật không nhỉ? Tôi không muốn làm ông buồn, khi kịp ngăn câu nói tính bật ra: Mọi người đang sốt với U-19 chứ có ai quan tâm đến thể thao người khuyết tật!

Đây là một sự thật không được vui ở Việt Nam ta. Phần lớn chúng ta cứ chăm chăm chú ý vào bóng đá, quần vợt, bóng chuyền... dành cho người bình thường. Ít ai biết rằng thể thao người khuyết tật ăn đứt thể thao bình thường ở khía cạnh: Mang lại những bài học về ý chí, về tình thương và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lập kết thúc cuộc nói chuyện bằng một tiếng chép miệng và nói: Mấy hôm nay thời tiết Hàn Quốc trở lạnh khiến các em VĐV mắc bệnh nhiều. Tôi đi ngang qua căn phòng mà Đoàn Singapore dùng làm trạm y tế dã chiến cho các VĐV khuyết tật mà buồn cho đoàn mình...

Nhất Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục