Nhà vô địch cờ tướng Ngô Lan Hương lăn lộn kiếm sống

11:10 Thứ hai 16/01/2012

Tiếng là một kỳ thủ hàng đầu nhưng thu nhập của nhà vô địch châu Á không thật sự cao. Vì thế, Lan Hương đã từng làm rất nhiều việc, từ kế toán quán ăn, phục vụ khách sạn, đến tiếp thị tận nhà cho các nhãn hàng để kiếm tiền.

Bỏ qua năm 2010 với nỗi buồn khó giãi bày hết sau thất bại tại Asiad 16, nữ kỳ thủ Ngô Lan Hương đã có một năm 2011 thi đấu rất thành công, khẳng định vị thế của bản thân trong làng cờ tướng Việt Nam.

Vang danh trí tuệ Việt

Ở môn cờ vua, Lê Quang Liêm là cái tên nổi bật nhất trong 1 năm qua với những thành tích đáng nể thì ở cờ tướng, thành tích của Ngô Lan Hương thậm chí có phần trội hơn, xét trong cái khó của môn này. Trong năm qua, chị đã cùng với kỳ thủ nam Nguyễn Hoàng Lâm vô địch cá nhân tại giải vô địch Châu Á tại Macau. Nên biết rằng, cờ tướng gần như được xem là địa hạt “bất khả xâm phạm” của Trung Quốc, nơi khởi sinh ra môn này. Từ 30 năm nay chưa có quốc gia nào phá vỡ được vị thế thống trị của họ. Nhưng Việt Nam đã làm được ở cả hai nội dung nam và nữ.

Lan Hương và tấm HCV tại giải vô địch châu Á

Sau chiến công này hơn 1 tháng, Ngô Lan Hương lại xuất sắc đoạt tấm HCB tại giải Đại hội thể thao trí tuệ thế giới được tổ chức tại Bắc Kinh, trong lúc Lê Quang Liêm thi đấu không thành công. Cái khó là cờ tướng ở Việt Nam chưa bao giờ được xem là “bằng vai phải lứa” với cờ vua, đặc biệt là về thu nhập hay sự thừa nhận. Nhưng Ngô Lan Hương đã quá quen với điều đó, một phần do trót mang phận nữ nhi lại mê chơi cờ…

Sinh ra trong một gia đình gốc Hoa 3 đời, niềm say mê cờ đã ngấm vào chị từ khi còn là một cô bé học lớp 7. Song môn thể thao trí tuệ vốn có xuất xứ từ Trung Quốc này dường như vẫn bị mặc định dành cho nam giới. “Ra kỳ đài đánh toàn đàn ông con trai, nhìn cũng kỳ kỳ…”, Ngô Lan Hương đã có lần tâm sự như thế. Vì vậy, cô chỉ dành thời gian để tập chơi cờ trên mạng và nhờ “sư phụ” là Diệp Khai Nguyên chỉ giáo thêm.. Điều đáng vui là gia đình rất ủng hộ việc Lan Hương chơi cờ, đến mức cô chỉ biết đến các quân cờ mà quên luôn việc nữ công gia chánh. Trên kỳ đài, Lan Hương chẳng sợ ai nhưng về nhà lại có rất sợ…lửa bếp. “Từ nhỏ đến lớn tôi chẳng phụ gì được cho mẹ cả, chỉ biết đi học, đi chơi cờ về là ngồi vào bàn ăn đồ ăn mẹ nấu”, nữ kỳ thủ cười xòa thú nhận.

Không làm nội tướng bếp núc, Ngô Lan Hương đóng vai trò như một người đàn ông trong gia đình. Không có cô căn chung cư nhỏ tại khu phố người Hoa với ông bà nội, bố mẹ và 2 cháu nhỏ không biết xoay sở thế nào. Bình thường, một ngày của Ngô Lan Hương chỉ có chơi cờ, học tiếng Anh và tiếng Hoa. Nhìn vào đó, ai cũng tưởng chị rảnh rỗi, nhưng ít ai biết mục đích đằng sau của chị.

Vốn có chuyên môn là kế toán, nhưng Lan Hương không có nhiều thời gian để có một việc làm cố định bởi chị hay phải thi đấu xa nhà. Tiếng là một kỳ thủ hàng đầu nhưng thu nhập của chị không thật sự cao. Vì thế, Lan Hương đã từng làm rất nhiều việc, từ kế toán quán ăn, phục vụ khách sạn, đến tiếp thị tận nhà cho các nhãn hàng để kiếm tiền. Đôi lúc chị còn làm phiên dịch cho các “sếp” trong những cuộc gặp gỡ của các công ty nước ngoài, hay làm sổ sách tại nhà nhờ biết tiếng Hoa

Tôn thờ chủ nghĩa xê dịch

Ở cái tuổi 33, khi bạn bè đã con bồng con bế, Ngô Lan Hương vẫn được xem là “kẻ rong chơi”. Cô thừa nhận mình tôn thờ chủ nghĩa “xê dịch” ngay từ lúc nhỏ với niềm “vui sướng không gì tả nổi” khi được đi xa thăm thú các quốc gia. Đến giờ, cô vẫn giữ thói quen tập cờ xong lúc chiều là xách xe chạy vài vòng xung quanh thành phố. Đó là lý do chính đưa cô đến với cờ tướng chứ không phải do được ấn định bởi gốc gác hay sự thúc ép của người lớn.

Nhờ cờ tướng, Ngô Lan Hương đã tìm được “nửa kia” của cuộc đời mình. Gặp nhau khi là đối thủ tại những kỳ đài, cả hai đã phải lòng nhau từ cuộc chiến giữa những quân cờ. Trầm mặc, không tỏ ra hồ hởi khi nhắc đến “người đó”, cũng không có một cột mốc cụ thể về chuyện góp gạo thổi cơm chung, nhưng trong ánh mặt của chị, niềm hạnh phúc ngập tràn. Say mê và nghiêm túc là những yếu tố chính giúp Ngô Lan Hương đứng vững trong làng cờ trong gần 20 năm nay.

Vững vàng là thế nhưng cũng có lúc, cô như muốn quỵ ngã khi bị quy trách nhiệm cho một thất bại đơn thuần trong thể thao. Đó là tại ASIAD 16 năm 2010, Ngô Lan Hương được kỳ vọng sẽ đem về chiếc HCV cờ tướng đầu tiên cho Việt Nam ở đấu trường Asian Games. Tuy nhiên, cuối cùng chị đã thất bại. Từ chỗ là người được tung hô, Ngô Lan Hương chỉ nhận được nhưng cái nhìn lạnh nhạt, không một lời an ủi, động viên, không một cái xoa đầu như những VĐV nước ngoài vẫn thường hay nhận được từ những người thầy sau thất bại của họ. Dễ hiểu vì sao năm 2010 là năm đáng buồn nhất trong sự nghiệp chơi cờ của chị. “ Thật cay đắng khi tôi chính là người đã đập vỡ giấc mơ HCV Asian Games cho môn cờ tướng”, Lan Hương nói trong xúc động.

Ôm mộng làm bà chủ

Ngô Lan Hương chỉ xem cờ tướng là cái “duyên” nhưng không phải cái “nghiệp” để có thể gắn bó với nó suốt đời. Cờ tướng nói riêng và thể thao nói chung có những đặc thù riêng mà hệ số an toàn không bao giờ cao. Cô còn có những thứ khác đáng để quan tâm hơn những quân cờ, là gia đình, là hạnh phúc của bản thân. Dự định lớn nhất của chị trong năm nay là sẽ làm một bà chủ.

Đạt được nhiều thành tích cao và tiền thưởng tại những giải đấu cũng khá cao giúp Ngô Lan Hương tích lũy được một số vốn để tính đường kinh doanh. Cô cho biết sẽ hùm vốn cùng 3-4 người bạn để mở một quán café dành cho những người yêu cờ tướng. Tại đây, cô vừa đóng vai nhà quản lý và cũng là “kỳ chủ” thách đấu cho mọi người. So ra chị vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều VĐV khác, gần như mông lung về tương lai sau khi đã cống hiến hết tuổi xuân cho nghiệp thể thao. Ở cái tuổi của Lan Hương bây giờ, người ta đủ chín chắn để suy nghĩ về một cuộc sống gia đình ổn định, hơn là những vinh quang hào nhoáng của một thời tuổi trẻ.

Vài nét về Ngô Lan Hương

Sinh ngày 12/1/1979.

Bắt đầu tập cờ tại đội năng khiếu Q5 từ năm 1993 cùng lứa các kỳ thủ Trương Lê Hoàng, Vũ Thị Thu, Mai Xuân Cường...

Thành tích quốc gia: VĐQG cá nhân: 2001, 2002, 2005, 2006, 2007, 2010, 2011. HCV cá nhân và đồng đội tại Đại hội TDTT 2006.

Thành tích quốc tế: HCĐ châu Á 2002 và 2006, HCV châu Á 2011. Hạng nhì giải VĐ thế giới 2007 và HCV Asian Indoor Games 2. Hạng nhì giải VĐ thế giới 2009. Á quân cờ tướng Đại hội thể thao trí tuệ thế giới 2011

Hoàng Tâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục