Giấc mơ học viện cầu lông

11:13 Chủ nhật 01/09/2013

Tay vợt cầu lông hàng đầu thế giới Nguyễn Tiến Minh đã từng nói về học viện cầu lông mang tên mình như mơ ước lớn nhất của sự nghiệp. Thế nhưng, ngay cả chính Tiến Minh cũng chẳng biết liệu có hoàn thành giấc mơ ấy được hay không.

Ước mơ học viện cầu lông để đào tạo lớp trẻ của Tiến Minh rất cần sự hỗ trợ của các nhà quản lý thể thao nước nhà. Ảnh: MINH HOÀNG

1. Lấy từ bản thân mình, Tiến Minh nghĩ rằng cầu lông Việt Nam cần có một học viện, nơi có thể nâng tầm những tài năng môn chơi này lên một đẳng cấp thế giới. Đấy là một mơ ước không quá lớn lao để khó lòng đạt được. Môn cầu lông không cần đầu tư quá nhiều và thành công của môn này cũng không phải là quá xa so với người Việt. Chính Nguyễn Tiến Minh là ví dụ. Anh được xem là một trường hợp đặc biệt và thú vị nhất của cầu lông thế giới khi không có tài năng bẩm sinh, không được đào tạo chuyên nghiệp, phải phát triển trong môi trường thiếu cạnh tranh, vậy mà vẫn lọt vào tốp 10 thế giới vốn là những tay vợt đến từ Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản - các quốc gia phát triển cầu lông chuyên nghiệp từ lâu.

Thế nhưng, một học viện thể thao không quá phức tạp như vậy là chưa từng có trong suy nghĩ của các nhà quản lý thể thao Việt Nam dù ai cũng biết, môn cầu lông có phong trào tốt như thế nào.

2. Thật ra, trước khi Tiến Minh mơ về học viện cầu lông, cũng đã từng có đơn vị đầu tư một khu chuyên biệt cho cầu lông với các trang thiết bị cao cấp. Cách đây hơn 10 năm, một trung tâm cầu lông được hình thành tại khuôn viên hồ bơi Phú Thọ. Nó được hình thành bởi ông Trần Văn Nghĩa - khi đó đang là giám đốc hồ bơi nhưng được biết đến nhiều với vai trò của một chuyên gia kinh tế thể thao. Ông Nghĩa cũng là người khai sinh ra hệ thống GrandPrix cho bóng chuyền Việt Nam theo hình thức tour thi đấu có tiền thưởng hồi giữa thập niên 90 thế kỷ trước. Cũng chính ông Nghĩa là người phát triển hệ thống cá cược đua ngựa tại Phú Thọ. Ông Nghĩa cũng được biết đến với vai trò nhà tổ chức giải đấu Heineken Star ở môn quần vợt với những tay vợt hàng đầu thế giới sang Việt Nam trình diễn. Thế nhưng, sau khi rời khỏi cơ quan nhà nước (Sở TDTT TPHCM cũ), những công trình của ông Nghĩa cũng dần biến mất.

Nhắc đến điều này để thấy vai trò của những nhà quản lý lớn như thế nào trong việc phát triển thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam. Những tư duy mới mẻ của một chuyên gia kinh tế thể thao như ông Nghĩa đã có lúc tạo nên đường đi mới mẻ, khai thông thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam từ rất sớm. Thế nhưng, những người như ông Nghĩa không nhiều nếu không nói là đếm trên đầu ngón tay. Đấy là lý do, đến bây giờ một học viện đơn giản như của Nguyễn Tiến Minh vẫn chỉ là giấc mơ.

3. Điều đáng tiếc là ngày càng ít đi những nhân vật có tư duy kinh tế hiện đại trong đội ngũ những nhà quản lý thể thao. Ngay như môn bóng đá, sức hấp dẫn và độ quảng bá rộng là thế, cũng chật vật trong việc tìm cách phát triển chuyên nghiệp, khó nhọc trong việc kiếm tiền tự nuôi sống mình. Ở những môn thể thao khác, các VĐV đỉnh cao vẫn phải tự thân vận động chứ chưa hề nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cơ quan quản lý. Trong một bối cảnh như vậy, với những cá nhân ít ỏi và đơn lẻ như vậy, khó mà nghĩ đến một tương lai xán lạn cho thể thao chuyên nghiệp Việt Nam.

Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục