Cầu lông TPHCM năm 2013: Tăng cường cọ xát

10:18 Thứ tư 20/02/2013

Trong kế hoạch phát triển cầu lông năm 2013 của Liên đoàn cầu lông TPHCM, các tay vợt thành phố mang tên Bác sẽ được tham dự các giải trong nước và quốc tế nhiều hơn trước nhằm tăng cường cọ xát. Không những thế, bản thân các tay vợt TPHCM cũng phải thi đấu nội bộ với nhau, trước tiên để khẳng định mình, sau đó là giành vị trí trong đội hình chính tham dự các giải trong và ngoài nước.

Các tay vợt TPHCM sẽ có thêm nhiều giải đấu để rèn luyện. Ảnh: Dũng Phương

Quyết đấu nội bộ

Bên cạnh các nhà chuyên môn sẵn có, năm nay, TPHCM còn có sự hỗ trợ từ chuyên gia Bùi Mai Quyên - Việt kiều Mỹ. Bà Bùi Mai Quyên không xa lạ gì với giới cầu lông TPHCM. Hai mươi năm trước, bà Quyên từng là trưởng bộ môn cầu lông của Sở TDTT TPHCM. Theo tư vấn của bà Quyên, cách chọn lựa VĐV và chọn đội hình thi đấu của đội TPHCM sẽ được công bằng hơn.

Theo đó, ở cầu lông đỉnh cao hệ đội tuyển, TPHCM sẽ chia thành 2 đội: đội tuyển 1 gồm: Tiến Minh, Hoàng Nam, Bảo Đức, Nguyên Khang, Bảo Minh, Hồng Gấm và đội tuyển 2 gồm 9 tay vợt trẻ như Cao Cường, Bảo Thiện… Ngoài ra, TPHCM còn có 2 đội năng khiếu tập trung và năng khiếu dự bị tập trung để tham dự các giải U. Nhưng tất cả các đội tuyển trên đều là mở, không có ai là chính thức cả. Bởi các tay vợt TPHCM phải thi đấu nội bộ, người nào có thành tích tốt nhất, phong độ hiện thời cao sẽ vào đội 1.

Đây có thể xem là một phương pháp hợp lý, nó tránh trường hợp thiên vị, mất đoàn kết, gà anh anh nuôi đã từng xảy ra trong nội bộ cầu lông TPHCM trong những năm vừa qua. Ngoài ra, đây sẽ là liều thuốc khích thích tinh thần tập luyện, ý chí vươn lên của từng tay vợt. Tránh tình trạng một số tay vợt có một ít thành tích rồi tự mãn, chểnh mãng trong việc tập luyện. Tuy nhiên, việc cạnh tranh khốc liệt cũng dễ xảy ra một số tình trạng ganh tị, thường xảy ra đối với những người trẻ tuổi. Do đó, BHL cần phải có liệu pháp tâm lý phù hợp, để tránh tình trạng “huynh đệ tương tàn” mà thù ghét lẫn nhau.

Tổ chức thêm các giải trong nước

Ngoài các giải đấu thường niên do Liên đoàn cầu lông cầu lông Việt Nam tổ chức, nhằm tăng cường cọ xát cho VĐV mình, TPHCM trong năm nay sẽ tổ chức thêm nhiều giải giao hữu. Theo đó, họ sẽ mời một số đội mạnh của các tỉnh, thành đánh giao hữu hoặc có thể mời một số đội nước ngoài giao lưu với các tay vợt TPHCM.

Về kế hoạch thi đấu nước ngoài, tay vợt Nguyễn Tiến Minh vẫn được duy trì thi đấu 17 giải quốc tế trong năm với mục tiêu trụ lại trong tốp 10 bảng xếp hạng thế giới. Trong khi đó, các tay vợt còn lại từ tuyến trẻ cho đến đội tuyển sẽ tham dự 16 giải phù hợp với trình độ của mình. Đây là con số khá lớn. Vì ngoại trừ Tiến Minh, các tay vợt TPHCM trước đây được đi nước ngoài rất ít. Bên cạnh đó, TPHCM còn gởi một số tay vợt đi tập huấn ở nước ngoài như trường hợp Phạm Cao Cường tập luyện tại Indonesia cùng chuyên gia Asep - thầy cũ của Nguyễn Tiến Minh.

Xem ra, kế hoạch năm 2013 của cầu lông TPHCM bước đầu có sự khởi sắc. Dù chưa biết thành công đến đâu, nhưng phải thừa nhận sự nỗ lực của các thành viên trong Liên đoàn cầu lông TPHCM. Bởi trong tình hình kinh tế khó khăn, các lãnh đạo trong tổ chức xã hội này cũng tìm được nguồn tài trợ để thực hiện kế hoạch, tạo nên chất xúc tác phát triển cầu lông thành phố.

Được biết, ngoài kinh phí của Sở cho cầu lông Thành phố, Liên đoàn dự định phải chi khoảng 1,6 tỷ đồng trong năm nay – cao hơn 600 triệu đồng so với năm trước. Số tiền này chủ yếu cho các tay vợt đi cọ xát và phần thưởng riêng của Liên đoàn. Họ sẽ dành ra 150 triệu đồng hỗ trợ cho 7 tay vợt có thành tích tốt nhất cho TPHCM ngoài các tiền thưởng của Tổng cục và Sở. Ngoài ra, phụ huynh các tay vợt cũng đóng góp không nhỏ cho kế hoạch tương lai sắp tới. Vì họ không chỉ đầu tư cho con em mình, mà một số phụ huynh còn bỏ tiền, chung sức với Liên đoàn tổ chức một số giải giao hữu trong nước.

Hy vọng, với cách làm mới này, cầu lông TPHCM sẽ bảo vệ được những thành quả đạt được và từng bước lấy lại vị thế độc tôn như những năm trước đây.

Quang Trực | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục