Biết sai mà vẫn cố làm

02:12 Chủ nhật 26/10/2014

Những ngày qua, dư luận chỉ trích mạnh mẽ về quyết định khó hiểu của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) khi "làm sai luật", khiến đội bóng chuyền nữ U17 quốc gia bị xử thua "tức tưởi" ở Thái-lan.

Có thể nói, câu chuyện về sự hạn chế kiến thức chuyên môn hay "ngờ nghệch" đến thiếu trách nhiệm trong môi trường thể thao chuyên nghiệp đang góp phần làm suy giảm vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

Giải vô địch bóng chuyền nữ U17 châu Á 2014 được tổ chức tại tỉnh Na-khon Rát-cha-si-ma (Thái-lan) với sự góp mặt của đội bóng chuyền nữ U17 Việt Nam ở bảng B cùng đội Nhật Bản và đội Ca-dắc-xtan. Kết thúc vòng bảng, đội Việt Nam để thua đội Nhật Bản nhưng thắng đội Ca-dắc-xtan; lẽ ra có ngôi nhì bảng và lọt vào tốp tám nhưng cuối cùng lại nhận kết quả... xếp chót bảng. Tìm hiểu mới biết, việc đội Việt Nam bị xử thua (cùng tỷ số 0-3 cả hai trận) xuất phát từ nguyên nhân là vi phạm quy chế, điều lệ giải.

Cụ thể, giải dành cho các VĐV nữ trẻ U17 châu Á được tổ chức hai năm một lần với quy định: "Tất cả các VĐV dự giải năm 2014 phải sinh từ ngày 1-1-1998 trở về sau và chưa từng thi đấu giải trước đó".

Điều lệ giải đã quy định rõ ràng như vậy, nhưng không hiểu sao lãnh đạo VFV vẫn đưa hẳn ba VĐV từng tham gia giải năm 2012 là Mai Thị Bích, Trần Việt Hương và Dương Thị Hên vào thi đấu để rồi bị xử thua, mất suất tốp tám và đành xuống chơi các trận play-off tranh hạng từ thứ chín đến 13. Đó là chưa kể, nếu loại ba VĐV này, đội Việt Nam sẽ chỉ còn tám VĐV trong đội hình ở những trận còn lại, và như vậy, chúng ta tiếp tục vi phạm thêm một quy chế khác là danh sách thành viên không đủ chín VĐV - con số tối thiểu để thi đấu... (lỗi này bị phạt hành chính 2.000 USD cho một VĐV bị thiếu).

Vì sao các nhà quản lý bóng chuyền Việt Nam lại hành động tắc trách với cung cách thiếu chuyên nghiệp đến vậy ? Tổng Thư ký VFV Trần Đức Phấn giải thích cho quyết định "biết sai mà vẫn cố làm" với lý do đã thỏa thuận với Chủ tịch Ban tổ chức thi đấu thuộc Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) San-rít Uông-pra-xéc về việc đề nghị cho ba VĐV nêu trên được dự giải để có thêm điều kiện cọ xát vì họ vẫn nằm trong khung tuổi quy định. Tuy nhiên, không hiểu đây là thỏa thuận có tính pháp lý kiểu gì giữa lãnh đạo VFV và cá nhân ông Uôngpra-xéc khi AVC không hay biết và đã thẳng tay "xử" theo luật khi đội Việt
Nam bị tố cáo "gian lận". Lỗi của lãnh đạo VFV đã khiến những cố gắng không biết mệt mỏi, miệt mài luyện tập suốt thời gian dài của các vận động viên trẻ trở nên công cốc.

Điều đáng nói, đối với những VĐV "măng non", việc bị loại vì "ăn gian" sẽ là một cú sốc tâm lý. Nhưng hơn thế nữa, danh dự của đội tuyển đại diện cho một quốc gia, đã trở nên xấu đi về tinh thần thể thao trong mắt bạn bè quốc tế. Theo chúng tôi, các cấp quản lý cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những người vi phạm, để không bao giờ còn tái diễn những sự việc "không đầu, không đuôi" kiểu này.

Đan Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục