Đi tìm bản sắc võ Việt: Trong võ có văn

09:53 Thứ tư 25/07/2012

Phương pháp truyền dạy võ thuật Việt Nam không giống bất cứ môn võ nào trên thế giới. Võ sinh nhập môn phải học thuộc lời thiệu.

Thiệu là một bài văn vần với các thể loại lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn. Nắm được ý nghĩa lời thiệu mới học tới bài thảo (quyền). Khi đi quyền thuần thục mới được hướng dẫn phần phân thế.

Có lẽ ít dân tộc nào trên thế giới có tinh thần lạc quan, lãng mạn như dân tộc Việt. Ngay cả trong hoàn cảnh hiểm nghèo vẫn ung dung cầm gươm ra trận, tiếng thơ vẫn vang lên sang sảng. Như trong trận chiến với quân Tống tại phòng tuyến sông Như Nguyệt năm Bính Thìn (1076), trước thế giặc đang mạnh, quân Đại Việt vẫn không hề nao núng, hai bên giằng co quyết liệt.

Bất ngờ trong một đêm tiếng ngâm thơ vang lên hùng tráng: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư... Tiếng thơ như của thần nhân đã gieo vào lòng binh lính một sức mạnh ghê gớm, ai nấy đều nức lòng đánh giặc. Quân giặc buộc phải lùi bước và cuối cùng lui binh về nước, nuốt mối nhục bại trận ê chề.

Có thể nói tinh thần lạc quan đã ngấm sâu trong từng tế bào, trong từng huyết mạch của dân tộc. Cái nhân sinh quan sống đó đã cho người Việt có sự sáng tạo phi thường. Võ thuật là lĩnh vực người Việt có nhiều thành tựu, tạo nên sức chiến đấu bền bỉ từ đời này sang đời khác. Có hiểu như vậy thì mới lý giải được tại sao một đất nước không rộng, người không đông lại đánh bại những kẻ xâm lấn lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Chỉ cần tìm trong các bài võ cổ truyền, các nhà nghiên cứu có thể thấy tinh thần lấy mềm thắng cứng, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều. Sự kết hợp hài hòa giữa thi ca (lời thiệu) và các thế võ thể hiện nguyên lý âm dương tương hỗ. Kỹ thuật thể hiện trong các bài võ cổ truyền đều chú trọng đến thực chiến, không cần tạo dáng hoa mỹ. Đấy cũng là cách hành xử xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước, tạo nên sách lược và chiến lược quyền biến để nước Việt trường tồn đến ngày hôm nay.

Thử phân tích một vài câu thiệu trong bài Lão mai quyền. Đây là bài võ khá phổ biến, thuộc dòng võ Tây Sơn, mô phỏng hình tượng cây mai già vững chãi trước gió. Lão mai độc thọ nhứt chi vinh/Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành (Cây mai già riêng lẻ, một nhánh trổ hoa. Hai chân bước nhẹ, tiến lên tấn công rồi vòng về). Lời thiệu câu đầu có cách nói ẩn dụ, câu hai chỉ dẫn bước chân tấn và hoành bộ tạo nên thế đánh và dụ địch. Vừa đọc thơ (thiệu) vừa đi quyền là sự phối hợp tuyệt vời giữa tâm pháp và thân pháp. Khi điêu luyện đến độ tâm thân hợp nhất là đã đạt tới cảnh giới tối cao: tâm cùng ý hợp, ý cùng khí hợp, khí cùng lực hợp.

Các môn sinh nước ngoài theo học võ cổ truyền Việt Nam - Ảnh: C.T

Trở lại với bài roi Thần đồng: Chống roi đứng thủ thần đồng/Bước qua bên trái đánh càn lưỡng biên/Đánh rồi thì chống roi lên/Quay lưng đâm trái, phút liền đánh qua... Chỉ qua mấy câu thơ lục bát dễ hiểu, dễ nhớ làm môn sinh học võ rất dễ nhập tâm này, đã nói lên tính ưu việt của phương pháp dạy võ của người xưa. Cách học này khi đã thuộc rồi thì không có cách nào quên. Các thế võ càng điêu luyện thì tinh thần nhân văn càng thấm đẫm trong tâm hồn. Cho nên học võ mà không trở thành võ biền, biết cách hành xử với tha nhân là tâm thế của hành giả luyện võ xưa nay.

Một võ sinh cho dù đã thuộc làu các bài thảo (quyền) vẫn không thể ứng dụng nếu chưa được người thầy phân thế. Phân thế là cách giải mã những chiêu thức cài đặt trong bài quyền. Ngày xưa tùy theo đạo đức của người học trò mà thầy phân cho bao nhiêu thế. Có những thế võ hiểm chết người tuyệt đối không chỉ dạy cho những kẻ mang tâm tính bất trung bất nghĩa. Trong 18 bài võ thống nhất đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ban hành, ban chuyên môn đã tập họp các vị võ sư phân thế 10 bài quyền. Bộ sách phân thế sẽ được cho xuất bản trong một ngày gần đây.

Ở đây chúng ta nhận thấy cách dạy võ cổ truyền không giống các môn võ khác trong thiên hạ. Võ thuật các nước luôn đi từ phân tích đến tổng hợp, học thuộc từng động tác riêng lẻ rồi mới ráp lại thành quyền. Cách này có ưu điểm là rất dễ học. Võ cổ truyền Việt Nam đi ngược lại tổng hợp rồi mới phân tích. Nếu không nghiên cứu sâu xa sẽ có nhiều ý kiến cho rằng võ Việt thiếu tính khoa học. Về vấn đề này cũng đã có nhiều cuộc tranh luận.

Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt thuộc dòng võ Huỳnh Gia cho rằng: “Cư dân Việt cổ xưa đã phát kiến và làm chủ nhiều tri thức. Chính người Việt trong nền văn hóa phương Nam rộng lớn đã tìm ra cặp đối lập âm dương. Âm dương nằm trong chỉnh thể thái cực nhất nguyên. Nhất nguyên là cách nhìn toàn thể trước khi phân cực của mỗi sự vật. Chính các bài quyền võ cổ truyền đã thể hiện cách nhìn minh triết này”.

Như vậy triết lý và phương pháp dạy võ cùng cấu trúc quyền thuật Việt Nam hoàn toàn khác biệt với các nền võ học khác. Đây là một “nền võ học có hệ thống căn bản, quyền pháp, binh khí riêng. Có binh thư, binh pháp như Hổ trướng khu cơ, Vạn kiếp tông bí truyền, Binh thư yếu lược. Được nhiều binh gia nổi tiếng áp dụng thành công trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Ngày nay tuy cùng phát triển với những môn võ khác từ nước ngoài du nhập, nhưng võ cổ truyền Việt Nam vẫn giữ một bản sắc riêng, có ngôn ngữ riêng và đứng riêng một chân trời cùng tuyệt”.

Những dòng nhận định trên của võ sư Trương Văn Bảo, Phó ban Chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam như “thay lời muốn nói” của nhiều võ sư tâm huyết trong làng võ Việt Nam.

Cao Thụ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục