Vì sao cầu thủ Học viện HAGL-Arsenal JMG đã lùn lại còn yếu?

17:52 Thứ tư 22/10/2014

“Thể lực, thể lực và thể lực” là vấn đề mà HLV Guillaume Greachen luôn phải đối diện trong những cuộc phỏng vấn báo chí. Dường như thể lực đang trở thành bài toán chưa có lời giải cho ông thầy người Pháp của Học viện HAGL Arsenal JMG.

Thể lực của cầu thủ Học viện HAGL JMG cũng "nổi bật" như kỹ thuật, kỹ năng kiểm soát quả bóng của họ (ảnh: Ngọc Quỳnh)

Sau trận thắng U.21 Malaysia, HLV Guillaume Greachen thừa nhận thể lực đang là tồn tại lớn nhất của tuyển U.19 HAGL và hạn chế này đã khiến các học trò của ông không phát huy điểm mạnh nhất về kỹ thuật. Thầy “Giôm” hứa sẽ khắc phục “trong thời gian sớm nhất” vì sắp tới cầu thủ Học viện HAGL JMG sẽ lên đá V.League 2015.

Gặp đối thủ nào cũng bị hụt hơi

Chuyện thể lực của tuyển U.19 Việt Nam với nòng cốt là dàn cầu thủ Học viện HAGL JMG đã được phơi bày qua một loạt giải đấu từ đầu năm 2014 đến nay, bắt đầu ở giải Tứ Hùng U.19 TPHCM, giải Hassanal Bolkiah Trophy, giải U.19 ĐNÁ mở rộng, VCK U.19 châu Á và mới nhất là trận đấu với U.21 Malaysia ở giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2014 hôm qua.

Tính ra các cầu thủ Học viện HAGL JMG như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Sơn… đã trải qua gần 40 trận đấu giao hữu đến chính thức nhằm tích lũy thể lực tuy nhiên gần như trước mọi đối thủ cùng trang lứa, các cầu thủ Học viện HAGL JMG đều kém hơn đối thủ về thể hình, sức mạnh lẫn sức bền.

HLV Guillaume Greachen lúc nào cũng bị báo chí "quay như chong chóng" về các câu hỏi liên quan đến thể lực của cầu thủ Học viện HAGL JMG (ảnh Ngọc Quỳnh)

Tuyển U.21 Malaysia dự giải U.21 quốc tế thực chất chỉ là U.19 tăng cường vì trong đội hình 20 người có đến 13 cầu thủ mới 18 tuổi (sinh năm 1996), 3 cầu thủ sinh 19 tuổi (sinh năm 1995) và chỉ có 4 cầu thủ là 20 tuổi. Như vậy so về tuổi, đa số cầu thủ U.21 Malaysia nhỏ tuổi hơn U.19 HAGL JMG (hầu hết sinh năm 1995).

Một yếu tố cho thấy sự thua sút hẳn về thể lực của U.19 HAGL JMG ở chỗ họ là đội chủ động về lối chơi, bắt U.21 Malaysia phải đuổi theo quả bóng nhưng đến khoảng 15 phút cuối trận trong khi U.21 Malaysia vẫn duy trì được sức bền tốt, U.19 HAGL JMG lại “xịt hơi”. U.21 Malaysia trước đó 2 ngày đã “cày” với U.21 Sydney FC trong khi U.19 HAGL JMG chỉ mới đá trận đầu tiên ở giải.

U.19 HAGL JMG thường được biện giải rằng các cầu thủ đang hoàn thiện về kỹ thuật nên chưa chú trọng đến vấn đề thể lực.

Tất nhiên, mỗi phương pháp huấn luyện đều có cách riêng nhưng khó hiểu khi U.19 HAGL JMG đá với các đội cùng trang lứa, họ đều yếu hơn. Nhật, Hàn, Trung Quốc thua đã đành, kém cả Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Indonesia thì không rõ cầu thủ Học viện HAGL JMG sẽ khỏe hơn ai?

Cầu thủ chuẩn bị bước vào tuổi 20, độ tuổi bắt đầu đạt đến độ sung mãn thể chất mà ngày này qua tháng khác vẫn bị kêu ca về thể lực thì không biết nên hiểu như thế nào đây mới “phải lẽ”. Chỉ trong 3 tháng nữa, cầu thủ U.19 HAGL JMG sẽ khắc phục “thần tốc” ra sao để đá ở V.League trước các cầu thủ đàn anh và cả ngoại binh to khỏe hơn mình rất nhiều?

Ăn kiểu gì để thấp đẹt như Học viện HAGL JMG?

Khi lập nên Học viện HAGL JMG vào năm 2007, bầu Đức đã ý thức chuyện hạn chế thể hình, thể lực khiến cầu thủ Việt Nam khó tiến xa nên ông đã không tiếc tiền chăm lo dinh dưỡng cho các cầu thủ nhí.

Ngay từ khi bước vào Học viện HAGL JMG ở tuổi 13, các cầu thủ nhí đã được chăm sóc dinh dưỡng cực tốt, ăn ngày 4 bữa và được cung cấp đủ sữa, yaourt trong cả ngày. So với các lò đào tạo trẻ khác như SLNA, Đồng Tháp, Nam Định, Thanh Hóa… dinh dưỡng của cầu thủ HAGL JMG nhận được là “một trời một vực”. Nhiều lò đào tạo khác chỉ mong cơm ăn đủ no chứ lấy tiền đâu mà cho cầu thủ uống cả lít sữa, 3-4 hũ yourt/ngày.

Chăm lo về dinh dưỡng, y tế, sức khỏe quá tốt. Giáo án huấn luyện đến từ Arsenal JMG nhưng điều lạ lùng là cầu thủ Học viện HAGL JMG luôn thấp bé hơn cầu thủ trẻ địa phương khác.

Thực đơn một ngày của cầu thủ Học viện HAGL JMG. Cứ mỗi ngày thực đơn lại thay đổi để giúp các cầu thủ ăn ngon miệng

Ở Học viện HAGL JMG, cầu thủ cao nhất là Lương Xuân Trường (1,76m) trong khi các cầu thủ còn lại không người nào cao hơn 1,73m. Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn chỉ cao 1,68m và nặng 58kg. Tiền vệ Phan Thanh Hậu cao 1,70m và nặng 54kg nên người “mỏng lét”.

Công Phượng chỉ cao 1,68m dù bố Công Phượng cao 1,71m và ba anh trai của Công Phượng ở Nghệ An cao đến 1,78m. Chính bố Công Phượng kể rằng ngày trước khi Công Phượng lên Pleiku thi tuyển vào Học viện HAGL JMG đã thể hiện năng khiếu tuyệt vời song thể trạng thấp bé nên HLV Guillaume Greachen có phần e ngại. Tuy nhiên sau khi gặp mặt bố Công Phượng thì HLV Greachen đồng ý nhận Công Phượng vì thấy “gien tốt”.

Trong cuộc khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe hồi tháng Hai của Trung tâm dinh dưỡng TPHCM tại Học viện HAGL JMG ở Hàm Rồng với toàn bộ 78 cầu thủ thì 100% cầu thủ có chiều cao dưới chuẩn trung bình của WHO, có đến 3 cầu thủ bị suy dinh dưỡng, còi đẹt.

Sự phát triển về thể chất của cầu thủ Học viện HAGL JMG có điều gì đó “rất không bình thường”. Hàng thủ của tuyển U.19 HAGL JMG các hậu vệ không có người nào cao được 1,75m, chẳng hạn trung vệ Đông Triều chỉ cao 1,72m. Trong khi đó các trung vệ Lục Xuân Hưng (Thanh Hóa), Bùi Tiến Dũng (Viettel), Hoàng Văn Khánh (SLNA)… là những cầu thủ lên tuyển U.19 VN đều cao 1,80m.

Thể hình thấp nhỏ được thấy rõ ở cầu thủ Học viện HAGL JMG và hạn chế về sức bền, sức mạnh cũng lần lượt phơi lộ qua thời gian đã để lại nhiều quan ngại về thể lực dàn “gà nòi” của bầu Đức

Lẽ nào do cây cao su?

Trung tâm Hàm Rồng được xây từ giữa rừng cao su và giờ vẫn trồng cây cao su làm bóng mát

Trung tâm thể thao Hàm Rồng vốn nằm giữa rừng cao su bạt ngàn của bầu Đức đang được cho là tác nhân ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về thể trạng, thể lực của cầu thủ Học viện HAGL JMG.

Cây cao su là loại thực vật được chứng minh có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Theo Wikipedia: “Cao su là một loại cây độc, mủ của cây là một loại chất độc có thể gây ô nhiễm nguồn nước khu vực rừng đang khai thác, nó còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khai thác nó. Tuổi thọ của người khai thác mủ cao su thường giảm từ 3-5 năm nếu làm việc trong khoảng thời gian dài”.

Đối với việc sinh sống giữa rừng cao su Wikipedia khuyến cáo: “Cây cao su còn độc ngay cả trong việc trao đổi khí ngay cả ban ngày và ban đêm. Không bao giờ xây dựng nhà để ở gần rừng cao su, khả năng hiếm khí xảy rất cao”.

Đó chỉ mới là giả thiết được đặt ra nhưng cây cao su có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và động vật là thực tế khó chối cãi. Thể lực sút kém của cầu thủ Học viện HAGL JMG hẳn không phải là yếu tố mang tính ngẫu nhiên.
Nguyên An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục