Bí mật đằng sau cuộc chia tay của Guardiola với Barca

08:59 Thứ ba 21/10/2014

“Ngày tôi nhận thấy tia sáng không còn trong mắt các cầu thủ của mình, tôi biết chắc đã tới lúc phải đi khỏi đó”, Pep Guardiola chia sẻ về lý do thực sự dẫn đến quyết định rời khỏi Barca trong cuốn sách Pep, Điều bí mật mới được xuất bản.

Cuốn sách chủ yếu viết về mùa giải đầu tiên của nhà cầm quân trẻ đầy tài năng này tại Bayern Munich. Trong đó, nhà báo Marti Perarnau có đoạn viết về nguyên nhân chính khiến Pep Guardiola nói lời giã biệt với CLB quê hương mà ông gắn bó suốt từ thời còn là một cầu thủ thiếu niên, vào mùa hè 2012 – tức là sau bốn mùa giải làm HLV trưởng CLB xứ Catalan, và trở thành chiến lược gia thành công nhất trong lịch sử CLB với tổng cộng 14 danh hiệu đủ loại.

Nhà báo Marti Perarnau, bạn thân của Pep, viết như sau:

“Hãy chuẩn bị cho mình đi, Manel. Tôi đã chọn Bayern!”. Pep Guardiola đã nói như vậy với người trợ lý riêng, Manel Estiarte, tại New York hồi tháng 10/2012. Đích đến tiếp theo của bộ đôi này hóa ra không phải là nước Anh như đồn đoán và như chính Pep cũng có lúc mong muốn, mà lại là nước Đức.

Cuộc trò chuyện đó giữa hai người diễn ra khoảng năm tháng sau khi Pep tạm biệt Barca. Đó là khoảng thời gian Pep quyết định nghỉ xả hơi một năm không bóng đá và cân nhắc các lời mời chào. Giai đoạn đó Pep như chìm trong đống những đề nghị từ Chelsea, Manchester City, AC Milan, và đương nhiên có cả Bayern. Nhưng trên thực tế, hầu hết không phải là những bức thư mời đàm phán hợp đồng làm HLV trưởng, mà chỉ đơn thuần là bày tỏ sự ngưỡng mộ hoặc các đề xuất hợp tác mang tính dự án với một trong những nhà cầm quân lừng danh hàng đầu thế giới bóng đá đương đại.

Trước đó, cuộc chia tay với Barca là một quyết định rất khó khăn đã được cân nhắc từ rất lâu, và Guardiola đã chia sẻ kế hoạch ra đi với người bạn cũng là trợ lý riêng, Estiarte, trước cả khi thông báo với CLB cũng như HLV phó và sau này thành người kế nhiệm ghế HLV trưởng Tito Vilanova. Lý do chính rất đơn giản và thẳng thắn. Sau bốn mùa giải thành công rực rỡ và cũng đã lao động với cường độ cao nhất, Pep cảm thấy đã khô cạn cảm hứng tại Barca. Anh ấy không còn gì để thể hiện, để cống hiến cho CLB tạo nên tên tuổi Pep vang danh thế giới.

Nhưng tất nhiên, đó không phải nguyên nhân duy nhất của cuộc chia ly tương đối bất ngờ với cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ lúc đó.

Guardiola ra đi vì cảm thấy không còn ý tưởng ở Barca. Ảnh: AP.

Trong bốn năm dẫn dắt CLB này, Pep được kỳ vọng sẽ hoạt động không chỉ với tư cách một HLV trưởng, mà còn như một phát ngôn viên của CLB, chủ tịch ảo của CLB và thậm chí là như cả một điều phối viên du đấu của đội. Cũng trong suốt thời gian đó, Pep phải cố gắng hết sức để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với hai đời chủ tịch liên tiếp.

Pep nhận thấy Joan Laporta là một người năng động nhưng cũng là một người tự cao và bốc đồng. Vị cựu chủ tịch này có thể vừa tỏ ý ủng hộ trong một phút nào đó, nhưng có thể phá hỏng bầu không khí ngay phút tiếp theo. Một nhà lãnh đạo sôi nổi tới mức máu lửa, nhưng cũng đầy mâu thuẫn, đôi khi tính khí rất thất thường. Sandro Rosell thì khác hẳn. Và Pep nhanh chóng nhận ra rằng đằng sau thái độ luôn tươi cười của vị chủ tịch mới nhiều khi chứa ẩn sự lạnh nhạt. Guardiola đã phải rất vất vả mới có thể cân bằng được mối quan hệ, khi luôn cố gắng giữ vẻ điềm tĩnh trước một Laporta dễ bị kích động. Còn trước dáng vẻ cao đạo của Rosell, Pep nhiều khi phải tỏ ra hào hứng hơn mức đáng có.

Pep luôn phải kìm nén để có thể giữ bình tĩnh hoặc im lặng trước những cơn giận bột phát của Laporta. Nhưng cho dù mối quan hệ giữa hai người chưa khi nào mật thiết, Pep vẫn phải thừa nhận và đánh giá cao những cơ hội mà vị chủ tịch này từng trao cho anh. Chính Laporta ban đầu đã bổ nhiệm Guardiola làm HLV đội Barcelona B, và Pep đã nhanh chóng gặt hái được thành công lớn tại đó, khi dẫn dắt đội trẻ thi đấu tốt ở giải hạng Ba Tây Ban Nha và giành quyền lên hạng. Đây là thành tích mà tới giờ Pep vẫn coi là một trong những thành công lớn nhất sự nghiệp huấn luyện của anh. Sự biết ơn của Pep dành cho Laporta hoàn toàn chân thành. Đó cũng là thái độ của anh đối với giám đốc thể thao của Barca thời đó, Txiki Begiristain, cũng chính là đồng đội cũ tại đội hình trong mơ dưới thời HLV Cruyff. Những danh hiệu mà Barca có được trong hai năm đầu Pep cầm quân, khi Laporta còn tại vị, cũng góp phần che đậy không ít cuộc đấu tranh và cãi vã giữa hai người khỏi con mắt của giới truyền thông và người hâm mộ.

Đôi khi Pep cảm thấy mình như một thuyền trưởng của con tàu tròng trành giữa đại dương, khi anh cố gắng lái đội theo một hướng còn lãnh đạo CLB lại muốn kéo sang nơi khác. Thời Laporta lãnh đạo, hầu như không có quyết định nào được đưa ra mà không gặp những vấn đề phức tạp, từ việc chuyển những buổi tập tới sân tập mới, đảm bảo các thành viên ban huấn luyện và đội bóng phải đi xe của cùng nhà tài trợ, cho tới việc bố trí chụp hình với người hâm mộ hay nơi công cộng. Tuy nhiên, khoảng đầu năm 2010, Guardiola dự cảm thấy mọi việc có nguy cơ còn trở nên tồi tệ hơn khi cuộc bầu cử chủ tịch mới sắp diễn ra vào mùa hè năm đó. Sandro Rosell là một ứng viên nặng ký, và cuối cùng ông đã trúng cử. Rosell trước đó từng là phó chủ tịch giai đoạn từ 2003 đến 2005 – năm ông này buộc phải từ chức phó vì bất đồng với Laporta.

Trong bốn năm ở Barca, Guardiola đã có tổng cộng 14 danh hiệu lớn bé cấp CLB. Ảnh: Internet.

Dưới thời Laporta, hai mùa giải, nhà cầm quân người xứ Catalan giành được tất cả sáu danh hiệu (trong tổng số 14 tại Barca): gồm La Liga, Cup nhà Vua, Champions League, Siêu Cup châu Âu, Siêu Cup Tây Ban Nha, và Cup các CLB thế giới. Nhưng thành công ngay trong hai năm đầu dẫn Barca đó không đủ giúp Pep và vị chủ tịch mới có mối quan hệ êm đẹp. Vì cho rằng Pep là một người thần tượng Laporta, Rosell phải rất lâu sau mới dần tin cậy HLV trưởng. Ông này thậm chí còn tỏ ra ghen tỵ khi Pep nỗ lực vươn tới đỉnh cao tại Barca quá sớm và giúp vị lãnh đạo tiền nhiệm có được tới sáu danh hiệu quý giá.

Trong suốt bốn năm dẫn dắt Barca, Pep luôn yêu cầu các cầu thủ phải nỗ lực hết sức. Nhưng đôi khi những tiêu chuẩn khắt khe mà anh đặt ra cũng gây mâu thuẫn. Nhiều cầu thủ dễ dàng chấp nhận khối lượng tập luyện nặng, nhưng cũng có một số cảm thấy họ có quyền được thư giãn một chút. Đa số các cầu thủ Barca là những ngôi sao của bóng đá thế giới, và họ cũng đã có những danh hiệu để khẳng định mình. Bởi thế từng có một vài cầu thủ dưới thời của Pep khi đó chỉ thực sự hứng thú và thi đấu hết mình ở các trận đấu quan trọng, những trận cầu được chú ý. Một số cầu thủ thậm chí còn tìm mọi cách, viện đủ lý do để tránh một vài trận đấu mùa đông diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ít người xem, và mặt sân xấu.

Đội bóng vẫn tiếp tục đạt được thành công, nhưng Pep cũng hiểu rằng thời của anh tại Barca sắp hết. “Ngày tôi nhận thấy tia sáng không còn trong mắt các cầu thủ của mình, tôi biết chắc đã tới lúc phải đi khỏi đó”, Pep nhớ lại. Đó là giai đoạn đầu năm 2012.

Nhiều người liên quan tới FC Barcelona từng nhiều lần cho rằng quyết định chia tay của Pep chủ yếu là do chủ tịch Sandro Rosell không ủng hộ một số kế hoạch thay đổi mạnh mẽ đội hình khi đó. Truyền thông từng đưa tin rằng Pep muốn CLB bán đi một số ngôi sao như Gerard Pique, Cesc Fabregas và Dani Alves để có chỗ cho những tân binh khác, nhưng không được Rosell đồng ý.

Cuốn sách tiết lộ nhiều bí mật của Guardiola.

Tuy nhiên Pep đã hoàn toàn phủ nhận điều này: “Điều đó hoàn toàn không phải sự thật. Tôi chia tay Barcelona chỉ bởi vì tôi đã cảm thấy mỏi mệt và gần như đã hết sức tại đây. Một ngày tháng 10/2011, tôi đã giải thích rõ tôi cảm thấy thế nào hồi đó khi gặp chủ tịch để trình bày lý do muốn rời đi. Trái tim và quyết tâm của tôi dành cho đội bóng không có gì thay đổi sau đó. Bởi vậy chẳng có lý do gì khiến tôi phải yêu cầu lãnh đạo tiến hành bằng được cuộc làm mới đội hình. Tôi đã sớm xác định mình sẽ nói câu giã từ CLB vào mùa hè năm sau”.

“Nguyên nhân thực sự là như sau. Chúng tôi mùa giải đó đã giành được tới bốn danh hiệu và vẫn đang thi đấu tốt hơn bất cứ khi nào trước đó. Barca của tôi hồi đó đã lấn át được Real Madrid bằng đội hình 3-4-3, và thành công với sơ đồ 3-7-0 tại Club World Cup. Chúng tôi khi đó vẫn đang chơi bóng với phong độ sáng chói, nhưng riêng tôi thì cảm thấy mệt mỏi như thể đã phải đi bằng đầu gối, và quan trọng là tôi không còn ý tưởng chiến thuật nào mới để áp dụng cho Barca. Đó là lý do vì sao tôi đi. Không còn nguyên nhân nào khác”, Pep nhấn mạnh.


Những điểm mốc đáng chú ý trong sự nghiệp HLV của Pep:

- Năm 2008, thay thế Frank Rijkaard làm HLV trưởng đội một Barca.
- Mùa hè 2012, chia tay Barca và nghỉ ngơi một năm.
- Đầu năm 2013 nhận lời dẫn dắt Bayern Munich từ hè 2013 đến hè 2016.

Pep giành được 14 danh hiệu trong bốn mùa dẫn dắt Barca – một kỷ lục của CLB.

• La Liga: 2008–2009, 2009–2010, 2010–2011
• Cup nhà Vua: 2008–2009, 2011–2012
• Siêu Cup TBN: 2009, 2010, 2011
• UEFA Champions League: 2008–2009, 2010–2011
• UEFA Super Cup: 2009, 2011
• FIFA Club World Cup: 2009, 2011

Danh hiệu tại Bayern Munich

• Bundesliga: 2013–2014
• DFB-Pokal: 2013–2014
• UEFA Super Cup: 2013
• FIFA Club World Cup: 2013

Xuân Lộc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục