Trầm cảm trong bóng đá: Sát thủ giấu mặt

11:46 Chủ nhật 27/07/2014

Cuối tuần trước, thế giới bóng đá chấn động bởi thông tin cầu thủ Andreas Biermann của CLB Spandauer Kickers đã tự tử ngay trong bệnh viện. Nước Đức vừa vui mừng sau chiến thắng tại World Cup đã phải đối mặt với câu chuyện buồn. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu bóng đá Đức có cầu thủ tự sát vì trầm cảm. Điều này cũng chỉ ra rằng trong thế giới bóng đá, trầm cảm chính là một sát thủ giấu mặt.

Trầm cảm và tự sát

Năm 2009, bóng đá Đức chìm trong đau thương, thủ môn Robert Enke, thủ môn từng khoác áo Barcelona và Benfica khiến làng bóng đá chấn động khi lao đầu vào tàu hỏa để tự sát. Thủ môn người Đức bắt đầu bị trầm cảm sau cái chết của con gái Lara 2 tuổi vào năm 2006, anh gần như không thể vượt qua nỗi đau này và đến thăm mộ con gái mỗi ngày.

Hai năm sau, vào tháng 11 năm 2011 cựu cầu thủ và HLV của xứ Wales, Gary Speed khiến làng bóng đá sốc nặng khi treo cổ tự tử tại nhà riêng. Điều đáng nói nhất là lúc ấy Speed đang rất thành công trong sự nghiệp HLV và có một gia đình êm ấm hạnh phúc, không ai hiểu tại sao cựu danh thủ người xứ Wales lại hành động dại dột như vậy. Sau này, nguyên nhân cái chết của Gary Speed mới được hé lộ từ chị gái của Speed rằng em trai đã mắc chứng trầm cảm từ lâu và từng có ý định tự sát nhiều lần.

Và gần nhất là câu chuyện của Andreas Biermann. Cầu thủ này từng thừa nhận về căn bệnh trầm cảm của mình. Vì thế Andreas Biermann từng 3 lần tự sát bất thành. Một trong những nguyên nhân là Andreas Biermann bị ám ảnh bởi chứng kiến cái chết của Robert Enke.

Andreas Biermann - cầu thủ Đức tự tử hôm 18.7.

Ngay sau cái chết của Gary Speed, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) đã ra mắt một cẩm nang chống trầm cảm. Trong cuốn cẩm nang này, Gary Lewin, chuyên gia vật lý trị liệu của đội tuyển Anh nói rằng: “Chúng ta chẳng được nghe nhiều về những tác động xấu về tâm lý nếu như họ không đủ thể lực thi đấu, sự lo lắng là mình không được gọi có thể khiến họ rơi vào tình trạng như vậy, rồi chứng trầm cảm, cảm giác trống rỗng khi họ giải nghệ. Đối với một số cầu thủ, sức ép như thế khiến họ không thể vượt qua được. Rượu, ma túy, sex, cờ bạc và nhiều tệ nạn khác xuất hiện và khiến họ xuống dốc. Họ rất cần giúp đỡ nhưng họ không biết làm như thế nào”.

Sát thủ giấu mặt

Chuyện cầu thủ phải đối mặt với stress không chỉ diễn ra ở những nước có nền bóng đá phát triển mà ngay tại Việt Nam đã từng có những trường hợp thương tâm.

Vào một ngày cuối tháng 2.2010, nhân viên tiếp tân khách sạn Sao Nam nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM, tiếp một vị khách quen thuộc tên là Molina Gaston Eduardo. Molina đăng ký thuê phòng 011, phòng VIP ngay quầy tiếp tân.

Cho đến khi một người bạn của Monila tìm đến khách sạn, đề nghị lễ tân cho gặp cầu thủ này, người lễ tân mới thay ca nên không biết Monila có trong phòng hay không, gọi điện không được, người lễ tân sang phòng 011 gõ cửa. Cánh cửa bật nhẹ vì không chốt trong đập vào mắt cảnh tượng kinh hãi: Molina nằm bất động dưới sàn với tư thế nằm sấp, đầu cúi về phía trước, mông nhô cao, trên người chỉ mặc chiếc quần đùi: Monila chết từ vài giờ trước đó. Theo kết luận của cơ quan công an, Molina chết vì sốc thuốc, tại hiện trường còn một túi nylon chứa chất bột trắng. Đó là ma túy. Thế nhưng những người bạn của Monila khẳng định anh này chết vì trầm cảm.

Năm ngoái, ở Quảng Ninh, cầu thủ mới bị Than Quảng Ninh cắt hợp đồng là Nguyễn Văn Đông chọn cái chết bằng thuốc diệt cỏ, đó là cái chết đau đớn. Theo gia đình và bạn bè thì Văn Đông có buồn vì chuyện tình cảm nên thấy cuộc sống bế tắc và tìm tới cái chết.

Cách đây không lâu, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) đã tiến hành một khảo sát với hàng trăm cầu thủ chuyên nghiệp và kết quả khiến nhiều người giật mình: Có tới 26% thừa nhận bị chứng trầm cảm. Vincent Gouttebarge, chuyên gia bộ phận y tế của FIFPro, cho rằng: “Áp lực cả trong lẫn ngoài sân cỏ đang đè nặng lên đôi vai của giới cầu thủ. Sự dồn nén đó phần nào đã khiến càng ngày càng có nhiều cầu thủ rơi vào chứng trầm cảm”.

Ngoài ra, kết quả cho biết có tới 19% cầu thủ thừa nhận thường xuyên lạm dụng đồ uống có cồn. 7% cầu thủ có thói quen hút thuốc lá. 5% gặp phải hội chứng kiệt sức.

Cái chết của Andreas Biermann thêm một lần cảnh tỉnh về sự khắc nghiệt của đời sống bóng đá cũng như yêu cầu phải có những biện pháp hỗ trợ các cầu thủ để trầm cảm không còn là một sát thủ vô hình.
Thành An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục