Schalke thảm bại: Điểm yếu chết người từ Di Matteo

22:46 Thứ sáu 28/11/2014

(TinTheThao.com.vn) - Việc Schalke sẽ gặp khó trong cuộc đón tiếp Chelsea là điều mà nhiều người có thể dự đoán được từ trước trận đấu, nhưng việc đại diện nước Đức thảm bại tới 5 bàn thì nằm ngoài mọi dự liệu của giới chuyên môn. Vậy nguyên nhân chính là do đâu?

Trước khi trận đấu này diễn ra, cục diện bảng F vẫn rất hấp dẫn bởi lẽ ngoài Chelsea (8 điểm) thì cả 3 đội bóng còn lại là Schalke (5 điểm), Sporting CP (4 điểm) và Maribor (3 điểm) cũng đang bám đuổi nhau quyết liệt cho một suất lọt vào vòng loại trực tiếp. Ngay cả đội đầu bảng Chelsea cũng chưa chắc là đội giành vé đi tiếp bởi nếu họ thất thủ trên đất Đức thì thế cục bảng F sẽ trở nên căng thẳng hơn rất nhiều trong loạt trận cuối cùng.

HLV Roberto Di Matteo. Ảnh Internet

Dù đang bay cao tại Premier League với chuỗi thành tích bất bại từ đầu mùa thế nhưng cũng đã có không ít người lo lắng cho thầy trò HLV Mourinho trước chuyến đi được dự báo “lành ít dữ nhiều” này bởi lẽ các đội bóng Đức luôn được coi là khắc tinh của các CLB nước Anh. Chẳng nói đâu xa, tại lượt đi bảng F, chính Chelsea đã bị Schalke cầm chân 1-1 ngay tại Stamford Bridge. Thế nhưng sau khi trận đấu diễn ra không ít người sẽ cảm thấy kinh ngạc khi nhìn vào kết quả của trận đấu với tỉ số 5-0 cho đội khách. Phải chăng Chelsea mạnh thế sao? Hay tại Schalke quá yếu? Hay do nguyên nhân gì khác?

Các cầu thủ Chelsea rõ ràng đang có được sự thoải mái về tâm lý sau chuỗi trận thi đấu cực kỳ thăng hoa từ đầu mùa giải cho đến giờ, thế nên không khó hiểu khi họ là những người áp đặt được lối chơi của mình lên đội chủ nhà. Còn Schalke thì ngược lại, họ vẫn đang trong giai đoạn hồi phục dưới triều đại của tân HLV Di Matteo, sau khi chiến lược gia người Italia được bổ nhiệm hồi đầu tháng 10 để thay thế cho HLV Jens Keller đã bị sa thải vì thành tích yếu kém của đội bóng. Nhưng đó không hẳn là nguyên nhân để giải thích cho việc Schalke thảm bại trong trận đấu vừa rồi, mà nguyên nhân chính có thể đến từ chiến thuật của Di Matteo.

Tiếp quản chiếc ghế nóng tại Veltins Arena, HLV Di Matteo tiếp tục sử dụng triết lý bóng đá của ông đã từng áp dụng cho Chelsea giai đoạn cuối mùa giải 2011/2012. Với Di Matteo, ông dường như không chú trọng một đội hình cụ thể nào, ấy thế mà rốt cục lại tạo nên một dấu ấn đặc biệt đó là giúp The Blues giành được danh hiệu Champions League đầu tiên trong lịch sử CLB. Còn với Schalke, sau một vài trận ra mắt có được kết quả khả quan, các chuyên gia bắt đầu đi sâu vào phân tích chiến thuật mà Di Matteo áp dụng. Nhìn Schalke đá, khó có thể nhìn ra được một bài bản nào cả. Thậm chí cứ như là cả đội đá lùi về phòng ngự và chỉ để duy nhất một tiền đạo là Huntelaar ở phía trên vậy.

Ấy thế nhưng chính cái thứ bóng đá có phần điên rồ ấy lại từng giúp Chelsea xưng vương tại Châu Âu. Còn nhớ trước đây Di Matteo đã dựng những chiếc “xe bus 2 tầng” trước khung thành của Petr Cech và cũng chỉ để mình Dorgba ở phía trên. Nhưng một mình không có nghĩa là đơn độc bởi một khi bóng được phất lên thì luôn có từ 2 đến 3 cầu thủ tốc độ sẵn sàng lao lên hỗ trợ đồng đội. Đó chính là cách mà Chelsea của 2011/2012 đã đánh bại Barcelona ở bán kết và tiếp tục hạ gục Bayern Munich trong trận chung kết ngay tại Đức.

Trong bóng đá đó gọi là phòng ngự phản công. Nhưng chiến thuật phòng ngự phản công của Di Matteo khác với Mourinho và cũng chẳng hề giống với Diego Simone. Lối chơi của Di Matteo có phần thụ động hơn. Đội bóng của Di Matteo thường xuyên chơi tốt mỗi khi được đánh giá là cửa dưới, tuy nhiên cái gì cũng có ngoại lệ của nó. Và trận đấu trước Chelsea đã là một minh chứng rõ ràng nhất.

Trước trận đấu, Di Matteo không hề giấu diếm ý định chơi phòng ngự phản công, thậm chí là tử thủ chờ cơ hội với việc bố trí một đội hình giàu cơ bắp. Ngoại trừ Uchida cao 1,76m, còn lại tất cả những cái tên có mặt trong đội hình xuất phát đều cao trên 1,84m. Nhìn vào sơ đồ xuất phát người ta tưởng chừng sắp được xem một trận bóng rổ hay bóng bầu dục. Di Matteo muốn bóp chết sự cơ động và sáng tạo của hàng tiền vệ Chelsea, nơi những Fabregas, Hazard và Oscar đều không phải mẫu tiền vệ giỏi tranh chấp bóng tay đôi, họ chỉ được đánh giá cao bởi tốc độ, kỹ thuật cũng như khả năng thi đấu sáng tạo.

Thế nhưng ý định ấy đã bị phá sản từ đầu với pha lập công ngay từ phút thứ 2 của đội trưởng John Terry. Chưa kịp định thần thì chỉ đến phút thứ 29, lưới của thủ thành Fahrmann đã phải rung lên lần thứ 2 sau bàn thắng của Willian từ pha bóng phối hợp cực kỳ bài bản của các cầu thủ Chelsea. Rõ ràng hàng tiền vệ của Schalke quá chậm chạp và thụ động trong việc hỗ trợ phòng ngự. Mọi chuyện gần như kết thúc sau khi Jan Kirchhoff đốt lưới nhà cũng từ một tình huống phạt góc bên hành lang cánh trái.

Với việc phải nhận 3 gáo nước lạnh từ hiệp 1 khiến cho mọi tính toán của Di Matteo hoàn toàn đổ vỡ. Schalke buộc phải đẩy cao đội hình lên để tìm kiếm bàn gỡ hòa chứ không thể tiếp tục phòng ngự để chấp nhận kết quả được. Và đó là lúc Di Matteo chết chính dưới sở trường của mình là phòng ngự phản công. Hai pha lập công còn lại của Drogba chỉ làm xát muối thêm vào thất bại bẽ bàng của Schalke ngay tại sân nhà.

Nên nhớ rằng Mourinho là bậc thầy trong bóng đá về phòng ngự phản công và cũng đừng quên rằng những học trò cũ của Di Matteo như Ivanovic, Terry, Cahill, Ramires, Dorgba đã quá hiểu phong cách chiến thuật của thầy cũ. Có lẽ trước trận đấu chiến lược gia Bồ Đào Nha đã yêu cầu các cầu thủ của mình tấn công phủ đầu đội chủ nhà để phá vỡ ý định của Di Matteo. Và Mourinho cùng các học trò đã thành công mỹ mãn của kết hoạch đó.

Rõ ràng nếu không có bàn thắng sớm của Terry và thì cục diện trận đấu chưa biết thế nào mà lần bởi lẽ khi thời gian càng trôi dần về cuối trận thì đó cũng là lúc Di Matteo thực hiện được toan tính của mình. Nhưng cuối cùng người chiến thắng chỉ có một và lần này vinh quang đó thuộc về HLV nhiều kinh nghiệm hơn là Mourinho.

Có lẽ Di Matteo cũng chỉ nên trách mình với chiến thuật phòng ngự khô khan có phần thụ động ấy!
Đức Thịnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục