Một mùa giải vứt đi của Barcelona

20:05 Thứ sáu 27/04/2012

Chỉ trong 1 tuần ngắn ngủi, Barcelona đã mất tất cả. Từ đỉnh cao của ánh hào quang và danh vọng, với một cú ăn ba lịch sử nữa vẫn ở trong tầm tay, Guardiola và các học trò đã rơi xuống vực sâu của tủi hổ. 2 danh hiệu lớn nhất của mùa giải Champions League và La Liga đã là ảo vọng. Hi vọng duy nhất của CLB xuất sắc nhất thế giới trong vài năm gần đây giờ chỉ là danh hiệu Cup nhà vua khiêm tốn. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất. Có thể những cú trượt ngã vừa qua chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình đi xuống của một đế chế…

Không chỉ trong bóng đá, bất cứ lĩnh vực gì cũng vậy: lúc thịnh ắt có lúc suy. Đấy là quy luật của cuộc sống, chẳng ai có thể chống lại nó. Điều mà người ta có thể làm chỉ là làm sao kéo dài được khoảng thời gian trên đỉnh của đồ thị hình Sin, đồng thời giảm độ dốc của phần đường cong đi xuống để nó không trở thành một đường thẳng tưng mà thôi.

Với Barcelona cũng vậy. Không kể mùa giải năm nay, họ đã có 3 mùa giải có thể gọi là hoàn hảo cùng Pep với tổng cộng 13 danh hiệu lớn nhỏ các loại. Gã khổng lồ xứ Catalan đã được cả thế giới thừa nhận như là đội bóng mạnh nhất hành tinh ở thời điểm này. Thậm chí, với nhiều người, Barca còn là một trong những đội bóng mạnh nhất trong lịch sử túc cầu. Như vậy, về cơ bản Pep và các học trò đã đạt đến cái điểm cực đại của đồ thị hình Sin. Và ở khía cạnh nào đó thất bại ở mùa giải này cũng chính là phần đi xuống bắt buộc phải có (chỉ có điều là sớm hay muộn) khi người ta đã đạt đỉnh.

Vấn đề ở đây là như đã nói ở trên thì 1 tuần ác mộng này chỉ là một nốt trầm tạm thời của Barca; sau đó họ lại nhanh chóng bắt đỉnh trở lại? Hay sẽ là một cuộc suy thoái, “dò đáy” triền miên?


Thực tế, điều này phần lớn phụ thuộc vào yếu tố nội tại của Barcelona. Theo dõi các trận đấu mà Barca thi đấu có thể thấy lối chơi tiqui-tacca của họ hiện thời vẫn chưa có phương án để khắc chế hữu hiệu. Thày trò Pep có thể thua, nhưng rõ ràng đó không phải là những chiến bại do đối phương đã làm triệt tiêu sức mạnh của gã khổng lồ xứ Catalan. Nhìn chung, những cú ngã của Barca ở vòng knock-out Champions League từ khi Pep lên nắm quyền hay ở trận CK Cup Nhà vua năm ngoái đều đòi hỏi hội tụ đủ các yếu tố: Các đối thủ phải chơi phòng ngự triệt để, đặc biệt là trong khoảng nửa cuối của phần sân nhà. Kết hợp với đó là việc Barca phải không có được trạng thái chơi bóng tốt nhất đồng thời bị may mắn ngoảnh mặt.

Trong bóng đá, chơi phòng ngự, phá lối chơi của đối phương bao giờ cũng dễ hơn phải đá tấn công, áp đặt thế trận. Song nếu phải phòng ngự liên tục trong cả trận đấu, trước sức ép kinh hoàng của đối thủ thì để bảo toàn được kết quả như ý lại là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bởi chẳng ai có thể duy trì sự tập trung và chắc chắn hoàn hảo trong quãng thời gian dài và chứa đựng đầy bất chắc như vậy.

Đây cũng chính là tình cảnh của các đối thủ khi phải đụng độ Barca, rất khó đảm bảo sự an toàn cho cầu môn trong suốt 90 phút, đặc biệt là trước những đợt lên bóng như sóng vỗ bờ cùng sự xuất sắc của các ngôi sao bên phía Barca. Chỉ cần một khoảnh khắc thiên tài của Messi, Fabregas, Xavi, Iniesta…mọi thứ sẽ thay đổi 180 độ. Bàn thắng gỡ hòa 1-1 của Iniesta ở phút bù giờ thứ 3 trong trận bán kết lượt về tại Stamford Bridge chính là minh chứng cho điều đấy. Chelsea đã chơi kín kẽ trong cả trận đấu, nhưng chỉnh một tích tắc lơi chân, họ đã phải trả giá rất đắt bằng cả tấm vé thông hành vào trận CK Champions League mùa đó.

Giống như Guardiola vẫn thường nói sau mỗi kết quả không như ý: “Đơn giản là Barca đã chơi không tốt để vượt qua mọi rào cản”. Nếu Barcelona đạt phong cộ cao nhất của mình thì quyền tự quyết vẫn hoàn toàn nằm trong tay họ.

Sự diệt vong của Tiqui-tacca chỉ đến khi đối thủ chia cắt được tuyến giữa của Barca, khiến cho đội bóng này không thể dễ dàng kiểm soát bóng vượt trội, tạo cơ sở cho những đọt tấn công tới tấp của đội bóng này. Nhưng tạm thời vẫn chưa ai kể cả cái đầu chiến thuật siêu hạng của Jose Mourinho cũng chưa tìm ra được phương án ấy. Tất cả đều mới dừng lại ở giải pháp tình thế: điều trị “triệu chứng” (tức là tử thủ để ngăn Barca ghi bàn) chứ không phải là giải quyết bản chất của căn bệnh: ngăn không cho Barca nhảy tiqui-tacca.

Nhưng đấy mới chỉ là lý thuyết, khi Barca luôn là chính họ. Còn hiện tại ở Nou Camp đã xuất hiện những dấu hiệu của sự rạn nứt. Trong những diễn biến mới nhất, gần như chắc chắn Pep sẽ ra đi vào cuối mùa. Và chính điều này mới là yếu tố nguy hiểm nhất đối với sự tồn vong của đế chế tiqui-tacca.

Sự ra đi của Pep hoàn toàn có thể kéo theo 1 vài cầu thủ theo chân ông rời khỏi Nou Camp, đi tìm những sự chinh phục mới. Chưa kể, một HLV mới đến Barca cũng chắc chắn tạo ra những thay đổi nhất định về nhân sự, thậm chí là chiến thuật. Chính những cuộc cách mạng (dù chưa biết là tốt hay xấu ấy) trong chính nội tại CLB như thế, mới sẽ là thứ khiến Barca khoác lên mình một bộ áo mới.

Một chiếc áo choàng lộng lẫy của nhà vua hay lại cả chục năm ngủ quên trước khi thức giấc bởi một Dream Team mới?

Tồn tại hay không tồn tại. Tất cả phụ thuộc vào chính họ…
Đức Phan | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục