Một câu chuyện nhỏ đáng suy nghĩ

10:13 Thứ tư 28/01/2015

Mới đây, trên facebook của tay vợt trẻ hàng đầu của làng cầu lông Việt Nam hiện nay - Phạm Cao Cường - anh đã viết như thế này: Mình vừa được thi đấu giao hữu với anh Tommy Sugiarto và hỏi anh ấy làm thế nào có thể có một thể lực bền bỉ khi thi đấu. Anh ấy cho biết đó là nhờ mỗi ngày chạy 20km, nhảy dây đôi 16 phút không vấp cùng nhiều bài tập khác. Nghe mà muốn khóc!

Tommy Sugiarto sinh năm 1988, cao 1,75m hiện đang xếp hạng 11 thế giới (vị trí cao nhất là hạng 3 thế giới hồi đầu năm 2014). Nghĩa là Tommy đang trên đường đi xuống.

Trong khi đó, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem tay vợt Phạm Cao Cường của Việt Nam như thế nào. Cường sinh tháng 5-1996. Cách đây hai năm, thể hình của tay vợt trẻ này được công bố là cao 1m81, nặng 77kg. Vị trí hiện tại của Cường trên bảng xếp hạng thế giới là 220.

Tay vợt Tommy Sugiarto.

Rõ ràng, xét về thể hình, Cao Cường trội hơn Tommy. Thế nhưng, Cường lại “lè lưỡi” khi đánh giao hữu với đàn anh người Indonesia, và ngưỡng mộ chuyện Tommy chạy 20km, nhảy dây đôi 16 phút không vấp.

Muốn thành công trong thể thao, ngoài năng khiếu là chuyện thiên bẩm, thì vấn đề còn lại là thể lực. Thể lực ở đây bao gồm nhiều yếu tố: Tố chất, thể hình, sức khỏe (mạnh và bền bỉ).

Xét về tố chất, chúng tôi nghĩ có sự khác biệt giữa châu Á với châu Âu, châu Mỹ, châu Phi; có sự khác biệt giữa Tây Á, Đông Á với Đông Nam Á. Nhưng trong khu vực Đông Nam Á với nhau thì tố chất người Indonesia với người Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu về y sinh học thì tương đương. Về hình thể, Phạm Cao Cường ăn đứt Tommy. Vậy thì tại sao Cường lại nể phục sức khỏe và sự bền bỉ của Tommy?

Câu chuyện còn lại đó là vấn đề ý chí, lòng đam mê, nghị lực vươn lên.

Về chuyện này, một tay vợt từng rất nổi tiếng ở Việt Nam đã nói với chúng tôi như thế này (ông đề nghị không nêu tên, vì như thế sẽ dễ bị cho rằng phê phán hậu sinh): Lớp vận động viên trẻ của hôm nay thua xa các đàn anh về ý chí phấn đấu. Thời của chúng tôi, thua kém là rõ vì thiếu thốn đủ thứ, từ dinh dưỡng cho đến điều kiện thi đấu tập luyện (làm gì có vợt, dây vợt, sân trải thảm hiện đại như ngày nay). Nhưng bây giờ, chúng ta có kém gì quốc tế đâu. Nhiều vận động viên trẻ còn được gia đình đầu tư rất mạnh, thậm chí cho sang cả Indonesia ăn tập dài hạn để nâng cao trình độ, nhưng vẫn phát triển rất chậm. Lý do là vì thiếu ý chí phấn đấu, ngại khó, ngại khổ. Xin cứ lấy trường hợp Tiến Minh để làm ví dụ là rõ. Tay vợt này là một tấm gương sáng trong việc rèn luyện bền bỉ. Thời của Minh, điều kiện không được tốt như hôm nay, nhưng bằng ý chí sắt đá, bằng tình yêu cầu lông lớn lao, anh đã bền bỉ rèn luyện để được như hôm nay.

Một nhân vật khác, rất gắn bó, chơi thân với nhiều tay vợt trong làng cầu lông Việt Nam thì bật mí với chúng tôi: “Các em vận động viên trẻ bây giờ thờ ơ với nghề lắm. Tôi thấy các em không siêng tập như Tiến Minh, ngại những bài tập nặng. Nhiều em có vẻ mê game hơn là cầu lông. Có lẽ hồi nhỏ các em chơi vì ba mẹ định hướng, rồi bây giờ đã lỡ thì đành theo vậy. Ở nhiều giải quốc tế tại TPHCM, tôi thấy các em thua xong rồi mất dạng, chẳng hề có mặt ở những buổi thi đấu khác để xem, để học tập các đối thủ”.

Một câu chuyện nhỏ nhưng rất đáng suy nghĩ...

Nhất Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục