Mặt trái của bóng đá hiện đại

08:33 Thứ hai 26/03/2012

Bức tranh bóng đá bây giờ đã khác rất nhiều so với nguyên thủy. Áp lực khủng khiếp trong bóng đá hiện đại đã tạo ra những tấn bi kịch, cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời.

Cầu nguyện cho Fabrice Muamba

Cuối hiệp một trận tứ kết FA Cup giữa Tottenham và Bolton, sân White Hart Lane không một tiếng hò hét cổ vũ như thường lệ, thay vào đó là những lời cầu nguyện. Dưới mặt cỏ, các cầu thủ chắp tay. Trên các khán đài, cổ động viên gọi tên Muamba. Sau khi ghi bàn mở tỷ số trong trận Chelsea thắng Leicester 5-2 ở tứ kết FA Cup, trung vệ Gary Cahill đã trưng ra một chiếc áo lót với dòng chữ “Pray 4 Muamba” (Cầu nguyện cho Muamba). Cầu thủ Wolves và Man Utd vỗ tay suốt 30 giây để cổ vũ cho Muamba trong cuộc chiến giành giật sự sống với tử thần.

Bên ngoài sân Reebok của Bolton, hoa và nến đã được cổ động viên mang đến, kèm theo những lời cầu nguyện. Từ Italia, tiền vệ Andrea Pirlo muốn dành tặng chiến thắng 5-0 của Juventus trước Fiorentina cho Muamba. Từ Tây Ban Nha, Cristiano Ronaldo không quên nhớ đến tiền vệ gốc Congo trong lúc cầu nguyện cho một cầu thủ khác, Eric Abidal - hậu vệ người Pháp chuẩn bị phẫu thuật ghép gan. Tất cả đang đứng về phía Muamba, người mà cơn đột quỵ đến chỉ ba tuần trước ngày sinh nhật lần thứ 24.

Fabrice Muamba đang vật lộn chiến đấu với tử thần- Ảnh Getty

Khi Muamba ngã xuống trên mặt cỏ sân White Hart Lane, thế giới bóng đá lại thêm một lần rúng động. Những năm qua, bóng đá đã vĩnh viên mất đi quá nhiều cầu thủ khi họ còn đang ở độ tuổi sung sức, thậm chí có những người còn rất trẻ. Muamba đã được sơ cứu và đưa vào bệnh viện kịp thời. Nhưng một cầu thủ ngã xuống như vậy là quá đủ để tạo ra một cú sốc, khiến trọng tài Howard Webb quyết định tạm dừng trận đấu khi hiệp một sắp kết thúc.

Muamba khiến nỗi ám ảnh những cái chết trong bóng đá lại quay về. Cách đây chưa lâu, cựu ngôi sao Gary Speed, huấn luyện viên của đội tuyển Wales, chọn cách giã từ cõi đời bằng sợi dây thừng. Trước đó nữa, thủ môn Robert Enke của đội tuyển Đức lao đầu vào đoàn tàu cao tốc đang lăn bánh trên đường ray. Bên cạnh đó là những cái chết đầy ám ảnh khác từ trên sân cỏ, của Marc-Vivien Foe, Phil O’Donnell, Antonio Puerta hay Dani Jarque.

Bóng đá không còn là trò chơi

Nguyên sơ, bóng đá là một trò chơi đúng nghĩa. Chơi để thoải mái về tinh thần, khỏe mạnh về thể chất. Nhưng theo sự phát triển của xã hội, bóng đá cũng bắt đầu biến đổi, dần đi xa bản chất nguyên thủy. Giờ đây, bóng đá đang là một ngành khinh doanh tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Các trận đấu diễn ra với mật độ ngày một dày đặc hơn, bất kể mùa Đông hay mùa Hè, trời nắng nóng hay mặt sân đóng băng. Chính điều đó đã tạo ra áp lực quá lớn lên giới cầu thủ.

Với những người như Marc-Vivien Foe, Antonio Puerta hay Fabrice Muamba, khối lượng vận động dường như đã vượt qua sức chịu đựng của cơ thể họ, vốn không thật sự hoàn hảo ở một vài điểm. Đôi chân di chuyển liên tục buộc trái tim phải đập nhanh và mạnh hơn để kịp cung cấp máu đến các bộ phận trên cơ thể. Khi trái tim bị quá tải, đột quỵ là điều khó tránh khỏi. Những khiếm khuyết ấy, hoặc không thể phát hiện qua các cuộc kiểm tra sức khỏe được tiến hành rất cẩn thận, hoặc cố tình bị bỏ qua vì một lý do nào đó, để rồi bi kịch xảy ra.

Không chỉ mệt mỏi về thể xác, bóng đá hiện đại còn tạo ra sự kiệt quệ về tinh thần, mà trong các trường hợp nặng có thể gây ra những cái chết như của Enke hay Speed, nhẹ hơn thì dẫn đến hành động khó lý giải như tự châm lửa đốt nhà mình của Breno, trung vệ người Brazil đang khoác áo Bayern, hay phải từ chức để nghỉ ngơi như huấn luyện viên Ralf Rangnick của Schalke. Tất cả đều bắt nguồn từ một trạng thái bệnh lý gọi là “burn out”, được hiểu liên quan đến “kiệt sức”, “mất điện” hay “hết pin”.

Bóng đá là một môn thể thao đầy sức mạnh, thường xuyên xảy ra va chạm và chấn thương là một phần tất yếu. Dẫu vậy, vẫn chưa ai phải bỏ mạng chỉ vì một cú vào bóng quá ác ý của đối phương, cùng lắm cũng chỉ hai lần... gãy gập xương ống chân như tiền đạo Djibril Cisse. Nhưng những cái chết vì áp lực quá lớn thì vẫn cứ đều đặn xảy ra. Đó chính là một mặt trái của bóng đá hiện đại, mà cứ với đà này thì dường như bi kịch sẽ không có hồi kết.

Những cái chết thương tâm

Marc-Vivien Foe

Trong trận bán kết Confederations Cup giữa Cameroon và Colombia diễn ra vào ngày 26/6/2003 trên sân vận động Gerland ở Pháp, tiền vệ 28 tuổi này đã đổ gục xuống sân ở phút 72. Anh bị đột quỵ vì cơn đau tim và qua đời không lâu sau đó, để lại một cú sốc lớn cho thế giới bóng đá. Tuyển thủ quốc gia Cameroon này từng khoác áo Lens, Lyon, West Ham và Man City.

Phil O’Donnell

Tại giải vô địch quốc gia Scotland, trong trận đấu với Dundee United, đội trưởng Phil O’Donnell của Motherwell đã ngã xuống sân ở phút 78. Anh được đưa vào bệnh viện nhưng không qua khỏi vì bệnh tim quá nặng. Cựu tuyển thủ Scotland này giã từ cõi đời ở tuổi 35, để lại vợ và bốn người con.

Antonio Puerta

La Liga mùa giải 2007-2008 đã mở màn bằng một cách không thể tang thương hơn: Phút 35 trong trận đấu với Getafe hôm 28/8/2007, Antonio Puerta của Sevilla đã bị đột quỵ. Sau ba ngày chữa trị bất thành, Puerta vĩnh viễn ra đi, để lại người vợ đang mang thai. Trước khi chết, Puerta là một tài năng đầy hứa hẹn của bóng đá Tây Ban Nha.

Dani Jarque

Khi cái chết của Puerta còn chưa hết ám ảnh thì Sevilla lại nhận một cú sốc khác: Đội trưởng của đội bóng này, Dani Jarque, đột quỵ khi đang nói chuyện điện thoại với bạn gái. Anh qua đời hôm 8/8/2009, không lâu sau khi nhận tấm băng đội trưởng của Sevilla từ Raul Tarmudo.

Robert Enke

Không đổ gục xuống sân cỏ, thủ môn của đội tuyển Đức và câu lạc bộ Hannover đã chọn cái chết bi thảm hơn. Sau một buổi tập vào ngày 10/11/2009, Enke đã lao đầu vào đoàn tàu cao tốc đang lăn bánh trên đường ray. Anh bị mắc chứng trầm cảm nặng sau cái chết vì căn bệnh tim của cô con gái Laila trước đó.

Gary Speed

Cũng tự kết liễu đời mình nhưng huấn luyện viên đội tuyển Wales chọn một cách khác. Cựu ngôi sao, cũng từng khoác áo Bolton trước khi Muamba đến với sân Reebok, đã treo cổ tại nhà riêng vào ngày 27/11/2011, chỉ một ngày sau khi anh lên hình trong chương trình Football Focus của kênh BBC One.
Hồng La | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục