Lương ở F1: Bức tranh ảm đạm

08:58 Thứ bảy 09/06/2012

Formula One luôn được mệnh danh là cuộc chơi của đồng tiền - nơi người ta đốt nhưng đồng thời cũng thu về những khoản tiền khổng lồ từ mỗi chặng đua (bản quyền truyền hình, quảng cáo…). Thế nhưng, không phải bất kỳ điều gì liên quan đến những chiếc xe F1 cũng hấp dẫn và hào nhoáng. Ít nhất thì vấn đề tiền lương của thế giới F1 đang tạo nên sự phân hóa cực lớn.

Thế giới riêng của Alonso

Người ta vẫn thường quan niệm, F1 là cuộc chơi với tính mạo hiểm cao, và tính mạng của những tay đua có thể bị đe dọa bất kỳ lúc nào. Đổi lại, mức đãi ngộ mà các tay lái nhận được từ các đội cũng phải tương xứng với công sức mà họ bỏ ra, cũng như sự khắc nghiệt của cuộc chơi (một tay đua bị sụt mất vài kg chỉ sau hai tiếng đồng hồ của một chặng đua là điều rất đỗi bình thường). Nhưng thực tế có như quan niệm của số đông? Không hẳn!

“Business Book GP”, vừa xuất bản đầu tuần này, đã làm dấy lên những tranh cãi về cuộc sống của các tay đua F1 khi rời khỏi khu điều khiển. Theo tài liệu mà “Business Book GP” công bố, xét riêng về mức lương thực nhận, mùa giải 2012 là cuộc chơi riêng của cá nhân Fernando Alonso. Hợp đồng mới giữa Alonso và đội Ferrari biến tay đua người Tây Ban Nha trở thành số 1 thế giới về tiền lương.

Tay đua Fernando Alosno - Ảnh Getty

Theo đó, Alonso được nhận 30 triệu euro mỗi năm. Đây mới chỉ là mức lương thực nhận từ Ferrari, chưa bao gồm các khoản thu nhập được chia tỷ lệ từ bản quyền hình ảnh. Con số này cũng chưa tính đến mức thu nhập riêng từ quảng cáo mà Alonso tham gia. Rất nhiều người đã bất ngờ với con số được “Business Book GP” đưa ra. Bởi vì, một năm trước, theo thông báo từ phía Ferrari thì lương sau thuế của Alonso là 14 triệu euro.

Vấn đề gây tranh cãi hơn nữa là Alonso chưa giành được danh hiệu kể từ ngày về Ferrari, nhưng vẫn lĩnh mức lương cao nhất thế giới F1.

Để có thể sánh được với Alonso về thu nhập từ tiền lương, McLaren phải cộng tổng thực nhận của Lewis Hamilton với Jenson Button. Đội đua hàng đầu nước Anh chi ra 16 triệu euro mỗi năm cho cả hai tay đua này. Có lẽ, vì “nóng mũi” trước cách làm của Ferrari mà McLaren đang soạn thoản sẵn hợp đồng mới cho Hamilton, với 150 triệu euro trong 5 năm. Khi hợp đồng mới này chính thức được ký kết, Hamilton chính thức “ngồi cùng mâm” với Alonso.

Trong khi đó, sau hai lần liên tiếp vô địch thế giới, Sebastian Vettel “chỉ” nhận được mức lương 10 triệu euro. Đây cũng là mức lương phổ biến trong số các tay đua cạnh tranh thứ hạng cao, gồm Mark Webber, Felipe Massa và Nico Rosberg. Cựu vô địch Kimi Raikkonen chỉ được trả 5 triệu euro, chưa bằng 1/3 mức lương trong mùa giải cuối cùng của anh với Ferrari (16 triệu euro).

Phân hóa khủng khiếp

Chỉ có 13 trong tổng số 24 tay đua chính thức của mùa giải 2012 nhận lương từ 1 triệu euro trở lên. Gần một nửa còn lại dao động từ 150.000 đến 500.000 euro. Điều này cho thấy những gì người ta nghĩ về F1 là không hoàn toàn chính xác. Rõ ràng, F1 không hoàn toàn là thiên đường như hình ảnh xuất hiện trước mỗi chặng đua, khi các tay đua được chăm sóc kỹ lưỡng và một đội ngũ “chân dài” hộ tống. 1 triệu euro cho cuộc chơi mạo hiểm là mức đãi ngộ quá thấp.

So với các môn thể thao khác, F1 đang tạo nên sự phân hóa rất lớn. Hãy hình dung thử điều này, các cầu thủ bóng đá giỏi nhận lương nhiều hơn 150.000 euro mỗi tuần. Nhưng đây là con số mà Charles Pic mất cả năm trời mới kiếm được. Về doanh thu từ các sự kiện bóng đá, chỉ có trận chung kết World Cup, hoặc ngày khai mạc Olympic, mới khả dĩ sánh được với một chặng F1. Pastor Maldonado, một trong số những người nhất chặng của mùa giải 2012 đầy kỳ lạ, cũng chỉ nhận 400.000 euro mỗi năm.

Tổng lương của 11 tay đua nhận mức dưới 1 triệu euro chỉ là 4,05 triệu. Nghĩa là chưa bằng 1/7 so với cá nhân Alonso. Cụ thể hơn nữa, trên bảng xếp hạng về mức lương, Alonso nhận nhiều hơn tổng số tiền mà 17 người từ vị trí thứ 8 đến 24 cộng lại.

Tất nhiên, điều gì cũng có giá của nó. Ferrari trả lương “khủng” cho Alonso nhưng đổi lại đội đua Italia sẽ thu về từ nhiều nguồn quan trọng khác. Hơn nữa, tài năng của Alonso rất xứng đáng được nhận mức đãi ngộ cao. Tuy vậy, vấn đề đáng chú ý ở đây là bức tranh F1 đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết, khi mà tính thương mại ngày một lớn. Và cứ đà này, sẽ còn có những đội đua phải sớm “đóng cửa” vì không thể cạnh tranh tiềm lực tài chính với các đối thủ giàu có.

Mà các đội từng “đóng cửa” trong quá khứ đâu có ít. Từ 1990 đến nay, đã có 28 đội F1 phải giải thế.

Kim Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục