Liệu vô địch AFF Cup đã là đủ?

09:06 Thứ bảy 15/12/2018

Năm 2018 đang là năm thực sự bùng nổ của bóng đá Việt Nam khi các đoàn quân do HLV Park Hang Seo dẫn dắt liên tiếp vào đến chung kết và bán kết của hai giải đấu lớn là VCK U23 châu Á và ASIAD. Mới đây nhất, những chiến binh áo đỏ cũng tạo cho mình lợi thế khá lớn trước trận chung kết lượt về AFF Cup với trận hòa 2-2 trên sân Bukit Jalil của Malaysia. Thế nhưng, liệu nhiêu đó đã là đủ để khẳng định bóng đá Việt Nam đã thực sự vươn tầm châu lục.

Bùng nổ nhưng đừng vội vụt tắt

Người ta vẫn nói “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” Vậy nên, trong bóng đá, cái gọi là “đẳng cấp” của một đội bóng không thể đo đếm bằng những thành tích nhất thời trong ngắn hạn, nó phải được thể hiện ở thành công lâu dài có tính bền vững.

Nhìn sang bóng đá Thái Lan, sau thất bại trong giai đoạn 2009-2013, họ đã vùng lên mạnh mẽ với thành công ở Seagames năm 2013. Nhưng điều đáng sợ hơn đó chính là đoàn quân của HLV Kiatisuk có thể duy trì sự thống trị gần như tuyệt đối ở khu vực Đông Nam Á khi giành huy chương vàng môn bóng đá nam 2 kì Seagames sau đó, cũng như lên ngôi vương ở AFF 2014 và 2016.

 - Bóng Đá

 Việt Nam cần chứng tỏ được nhiều hơn nếu muốn khẳng định vị thế của mình.

Trèo lên đỉnh cao đã khó, tồn tại trên đỉnh cao đó lại là điều khó hơn. Thầy trò Park Hang-seo đã có được một năm 2018 thực sự vĩ đại. Tất nhiên, việc lặp lại điều đó gần như là điều không tưởng, nhưng duy trì những thành tích ở mức độ thấp hơn một chút như lọt qua vòng bảng của VCK U23 châu Á hay thường xuyên có vé dự Asian Cup cũng là một thử thách không hề dễ dàng đối với bóng đá Việt Nam trong chặng đường sắp tới.

 - Bóng Đá

 Thầy trò HLV Park Hang-seo cần phải giữ được sự ổn định trong thời gian sắp tới.

Hơn thế nữa, thước đo đánh giá một nền bóng đá thường nằm ở thành tích của ĐTQG. Nhưng có lẽ, việc vô địch AFF Cup khi đối trọng Thái Lan không tung ra đội hình mạnh nhất cũng chưa thể nói lên quá nhiều điều. Nếu muốn chứng minh cho những thành tích vừa qua không phải chỉ là nhất thời, bóng đá Việt Nam cần thể hiện khả năng của mình ở những giải đấu quan trọng cấp ĐTQG của châu lục như Asian Cup sắp tới hoặc xa hơn nữa là chiến dịch vòng loại World Cup 2022.

Làm sao để duy trì thành công?

Cần phải rõ ràng rằng, sẽ có một ngày, người nắm quyền ở ĐT Việt Nam sẽ không còn là HLV Park Hang-seo. Giống như Calisto năm 2011, dù luyến tiếc ra sao thì cũng đến thời điểm chúng ta phải chia tay với nhà cầm quân người Hàn Quốc. Nhưng cái cốt lõi của một nền bóng đá đâu phải nằm ở một người HLV. Nó nằm ở giải vô địch quốc gia và công tác đào tạo trẻ cũng như định hướng chiến lược của các CLB và Liên đoàn bóng đá.

 - Bóng Đá

 Những lò đào tạo bóng đá trẻ như HAGL chính là tương lai của bóng đá Việt Nam.

Tại sao Thái Lan có thể duy trì sức mạng của mình lâu đến như vậy. Đó chính là bởi họ xây dựng được cho mình một giải VĐQG chuyên nghiệp, một định hướng chiến lược dài hơi và hiệu quả cho cả nền bóng đá. Bằng chứng là, dù chỉ sử dụng đội hình hai, nhưng chất lượng của các cầu thủ thường xuyên thi đấu trong môi trường cạnh tranh như Thai League cũng đủ giúp Thái Lan vào đến bán kết AFF Cup. Đó là chưa kể đến việc, những con bài quan trọng nhất của họ như Chanathip hay Bunmathan đã có thể chứng minh được bản thân ở giải đấu hàng đầu châu lục là J-League và AFC Champions League.

 - Bóng Đá

 Thái Lan thành công vì họ có một giải VĐGG nội địa rất chất lượng.

Không nhất thiết phải đi theo con đường của Thái Lan, nhưng việc tận dụng thành tích hiện tại làm bàn đạp đưa cả nền bóng đá phát triển sẽ là nhiệm vụ của những người làm bóng đá Việt Nam trong chặng đường sắp tới.

(Bạn đọc: Hoàng Việt)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

08:38 15/12/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục