Lăng Kính: Khi cần nghiêm túc

08:13 Chủ nhật 29/07/2012

Hai ngày trước, ở thành phố Laval, Canada, một nhóm phụ huynh giận dữ lên tiếng phản đối khi con họ bị cảnh sát phạt vì tội… chơi bóng đá. Mỗi đứa trẻ nhận một vé phạt 68 đô-la Canada vì “dám” chơi bóng trong công viên ngoài giờ quy định. Luật chỉ cho phép chơi từ 4h30 đến 5h30 mỗi ngày.

1. “Đây là điều tồi tệ nhất đời tôi. Chúng tôi phải cảm thấy hối tiếc chỉ vì đã muốn chơi bóng” - Kevin Almeda, một cậu nhóc có mặt trong nhóm 12 cầu thủ nhận vé phạt bức xúc - “Người ta say xỉn đầy phố, còn chúng tôi chỉ chơi bóng và bị phạt”.

Chuyện tương tự đã hơn một lần diễn ra ở các quốc gia phát triển. Hồi tháng 4 vừa qua, diễn đàn Parendish.co.uk (Làm cha mẹ) của Anh cũng gây xôn xao khi đăng tin một cậu nhóc 8 tuổi ở Bolton bị cảnh sát “cho vào sổ” vì tội chơi bóng ngoài phố. Bà mẹ sốc, giận dữ, nhưng cũng không còn cách nào khác ngoài yêu cầu con trai thôi đá bóng: “Nó cứ hỏi tôi rằng con có thể ra ngoài chơi không. Nhưng họ bảo tôi phải giữ con ở trong vườn”.

Bóng đá, ở tầng nghĩa nguyên bản của nó, là một trò chơi hồn nhiên và bổ ích đến đáng trân trọng. Đặc biệt là khi nó được chơi bởi những đứa trẻ. Rất nhiều danh thủ đã đi lên từ những trận bóng đường phố, cho dù là ở Nam Mỹ, châu Phi hay các nước phương Tây giàu có (Ryan Giggs cũng được phát hiện trên đường phố Xứ Wales).

Nhưng “người lớn chẳng có gì”, chỉ có sự nghiêm túc. Và những đứa trẻ cùng trái bóng của chúng trở thành nạn nhân không đáng có của sự nghiêm túc.

2. Nhưng nếu những đứa trẻ chơi bóng ngoài phố cần sự “du di” của những người lớn để thực thi sự hồn nhiên, thì những chàng trai chuyên nghiệp đá trên sân lại cần sự nghiêm túc đến tận cùng.

BLV Jonathan Wilson của hãng ESPN đã mô tả hình ảnh Yuki Otsu của Olympic Nhật Bản gục xuống sân sau khi trận đấu với Tây Ban Nha kết thúc, nước mắt lăn dài trên má, kèm lời bình: “Nó khiến người ta thấy rõ rằng anh ấy đã nghiêm túc với Olympic thế nào”.

Đó có thể là sự khác biệt giữa Olympic Nhật Bản và Olympic Tây Ban Nha. Thế vận hội mùa Hè đã luôn chứng kiến những bất ngờ của môn bóng đá nam trong suốt lịch sử. Những đội tuyển đến từ các quốc gia có nền bóng đá kém phát triển giành huy chương, những quốc gia hùng mạnh như Brazil, Đức hay Italia đóng vai kẻ chầu rìa. Sự nghiêm túc có thể là yếu tố then chốt.

Với những nền bóng đá mạnh, nơi các cầu thủ có giá hàng chục triệu USD và có đầy rẫy những danh hiệu đắt giá hơn cần hướng tới, Olympic có dáng dấp của một giải đấu giao hữu mùa Hè. Họ không thể bung hết sức khi chỉ một tháng sau, Premeirship, La Liga hay Serie A đã vẫy gọi.

3. Bây giờ lật lại vấn đề: nếu những đứa trẻ bị cảnh sát phạt tiền vì thiếu nghiêm túc trong một hoạt động không cần tính nghiêm túc, thì những nền bóng đá hùng mạnh liệu có đáng bị phạt vì thiếu nghiêm túc khi… rất cần nghiêm túc?

Không ai có thể phạt được họ. Nếu có án phạt nào đó, thì nó chỉ có thể đánh vào danh dự. Nhưng tiếc rằng cũng chẳng ai phán xét tư cách những ngôi sao Tây Ban Nha thông qua kết quả ở Thế vận hội.

Đành tự an ủi rằng như thế cũng tốt. Sự hời hợt ấy sẽ tạo thành cơ hội của những nền bóng đá yếu hơn, người ta sẽ có thêm cơ hội chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc như của Otsu - một hình ảnh đầy tính nhân văn.

Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục