Lăng kính: Châu Âu thời… khủng hoảng

15:28 Thứ tư 11/11/2015

(TinTheThao.com.vn) - Trước thềm loạt trận play-off vòng loại EURO 2016 diễn ra vào cuối tuần này, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên nhiều phương diện.

1. Kể từ nhiều tháng trở lại đây, vấn đề người tị nạn nhập cư vào châu Âu đang thực sự trở thành chủ đề nóng gây tranh cãi trên toàn cầu. Từ một lục địa “giàu có và thịnh vượng”, các nước EU bây giờ đã chính thức rơi vào một cuộc đụng độ theo đúng nghĩa, sẵn sàng đùn đẩy mọi trách nhiệm và những tổn thất cho nhau, khiến châu Âu ngày càng trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.

Trong một diễn biến mới nhất, chính phủ Hungary - một đất nước giữ vai trò luân chuyển người tị nạn từ Balkan sang Đức và khu vực Bắc Âu, vừa quyết định xây dựng hệ thống hàng rào dây thép gai ở biên giới phía Đông Nam với mục đích… bảo đảm an ninh quốc gia. Lý do thì hết sức đơn giản thôi, Hungary không thể tiếp tục một mình gồng gách sức ép từ làn sống người di cư khi mà các đối tác xung quanh đang có phần “thờ ơ” trước vấn đề chung của cả lục địa.

Vấn đề người tị nạn đang trở thành cuộc khủng hoảng đối với nhiều nước châu Âu. Ảnh: Internet.

Hệ quả, quy định đi lại tự do không cần hộ chiếu theo Hiệp định Schengen cũng đang đứng trước nguy cơ tan vỡ. Điều này đồng nghĩa rằng châu Âu sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nặng nề trên nhiều phương diện, từ kinh tế, thương mại, sản xuất, cung ứng cho đến văn hóa, du lịch hay… thậm chí cả bóng đá.

2. Điều trớ trêu là mọi thứ lại diễn ra đúng vào thời điểm chỉ còn hơn 6 tháng nữa là tới VCK EURO 2016, ngày hội bóng đá lớn nhất lục địa già. Bản thân kỳ EURO lần này, với sự thay đáng kể chính là việc xuất hiện 24 đội bóng tham dự thay vì chỉ 16 như trước đây cũng mang tính chất xây dựng nên một cộng đồng châu Âu gắn bó hơn.

Mặc dù vậy, xét trong bối cảnh EU đang bị cuốn vào một vòng xoáy không lối thoát, thật khó tin rằng mục đích của Chủ tịch UEFA, Michel Platini sẽ nhận được những phản ứng tích cực. Cuối tuần này, Hungary sẽ bước vào cuộc đối đầu với Na Uy, một đất nước ở Bắc Âu mà lẽ ra phải có trách nhiệm giúp họ trong vấn đề giảm tải áp lực từ dòng người tị nạn.

Đằng sau bóng đá cùng tấm vé đến nước Pháp vào mùa Hè năm sau, dường như vẫn còn tồn tại cả một cuộc đấu tranh ngầm liên quan đến chính trị hay… chuẩn mực đạo đức.

3. Khi mà khối thống nhất chung châu Âu có thể “vỡ vụn” bất kỳ lúc nào, các nhà lãnh đạo đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau ở lục địa già cũng cần phải tự vấn về thái độ ích kỷ và hẹp hòi của mình. Tất cả đều thừa nhận rằng EU lẽ ra đã hoàn toàn đủ sức giải quyết tốt hơn tình hình hiện tại. Mặc dù vậy, việc thiếu đi một phản ứng chung đồng nhất đã khiến cho châu Âu trở nên suy sụp như bây giờ.

Nguy cơ về sự chia rẽ và tan vỡ giữa nhiều nước EU. Ảnh: Internet.

Sẽ là hơi thái quá nếu như chúng ta nghĩ đến một kỳ EURO 2016 ảm đạm trên nước Pháp. Thế nhưng, trước những vấn đề hết sức nan giải chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm mà cả châu Âu đang phải gánh chịu, bóng đá rõ ràng có nguy cơ trở thành “nạn nhân” sau cùng.

Chẳng ai muốn chứng kiến kịch bản về việc một ĐTQG sang thi đấu tại nước ngoài lân cận nhưng lại phải đi... vòng vèo qua vài ba nước khác. Tuy nhiên, nếu như châu Âu rơi vào một cuộc mâu thuẫn về mặt chính trị xã hội, điều này cũng không thể loại trừ.

Bạch Dương | 13:00 11/11/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục