Kình ngư Kiều Oanh: Từ chối nước Mỹ và trở thành “Nữ hoàng bơi lội” Việt Nam

15:42 Thứ bảy 02/05/2015

Mới 5 tuổi đã biết bơi cho vui khỏe, 10 tuổi được tuyển vào lứa năng khiếu đầu tiên của TPHCM mà chưa có dấu hiệu đặc biệt nào, thế nhưng chỉ sau đó đúng một năm, Nguyễn Kiều Oanh đã “lộ sáng” như gương mặt triển vọng nhất của bơi lội Việt Nam. Cô bé gầy gò và đen nhẻm đã khiến giới chuyên môn kinh ngạc với sức bền ưa khí và yếm khí đều cực tốt, khả năng tải khối lượng và cường độ tập luyện hiếm có, gắn với niềm đam mê và bền bỉ tuyệt vời.

Tổ ấm gia đình “Nữ hoàng” bơi lội Kiều Oanh. Ảnh: T.L

Năm 1982, Kiều Oanh chính thức thành “hiện tượng” khi phá hai kỷ lục quốc gia (một cá nhân và một tiếp sức), trong đó thật ngoạn mục kỷ lục đầu đời có được ở ngay một giải trẻ cấp khu vực, với cự ly 800m tự do.

Thế nhưng, cũng chính thời điểm ấy, Kiều Oanh cũng đã đứng trước một ngã rẽ định mệnh, và suýt nữa bơi Việt Nam đã mất đi kình ngư hay nhất của mình. Khi tài năng của Kiều Oanh bắt đầu nở rộ, gia đình chị quyết định xuất cảnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Cả nhà chị đã thống nhất, đồng thời xúc tiến các thủ tục cần thiết trước khi thông báo tới cô con gái rượu. Ngay sau khi biết tin, tay bơi 13 tuổi đã khóc như mưa, rồi nằng nặc “đòi” và “xin” cả nhà ở lại Việt Nam, vì chị chỉ yêu và thích ở quê nhà, lại đang mê mải đường bơi xanh.

Cuối cùng, chiều theo ý của con gái cưng, cả nhà Kiều Oanh đã quyết định hủy bỏ hành trình, ở lại gắn bó với quê hương đến tận bây giờ. Và bơi lội Việt Nam mới có được một tên tuổi Kiều Oanh lẫy lừng như thế. Hồi đó, hành động của gia đình, cùng ý thức của Oanh đã được hoan nghênh nhiệt liệt, và có tác động xã hội lớn.

Ở lại trong sự yên tâm và phấn khởi cao độ, Kiều Oanh lao vào luyện tập để vươn lên như Phù Đổng. Mới 14 tuổi, Oanh đã chinh phục hoàn toàn “đỉnh cao” đường bơi bướm, với kỷ lục quốc gia (KLQG) 100m bướm. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của một “độc cô cầu bại” đích thực của làng bơi, mà thuật ngữ “xuống nước là có vàng” khởi phát chính từ cô thiếu nữ mảnh khảnh này. Tính ra, tuyển thủ TPHCM đã “độc diễn” suốt cả chục năm trời, riêng số KLQG mà chị sở hữu đã lên tới 26 lượt - một kỳ tích độc nhất vô nhị của môn bơi, trong đó có những kỷ lục tồn tại gần 20 năm.

Kiều Oanh đi vào lịch sử bơi lội nước nhà với những “kỷ lục” mang tính chất… bất hủ. Đáng nể nhất, tại ĐH TDTT toàn quốc năm 1990, một mình chị đã “ẵm” tới 14 HCV (3 tiếp sức), cùng 5 thông số phá KLQG. Quá khâm phục, nhưng cả làng bơi cũng “sợ” Oanh, vì cứ tình trạng này thì quá căng cho cả môn bơi. Từ đây mà có một sự kiện hy hữu: Ngành thể thao phải sửa cả điều lệ thi đấu môn bơi, giới hạn mỗi VĐV chỉ được dự tối đa 3 nội dung cá nhân (thực chất là hạn chế chính sự áp đảo của Kiều Oanh). Oanh cũng là kình ngư “nắm” nhiều kỷ lục quốc gia nhất trong 1 năm, đỉnh nhất là năm 1992 với 13 kỷ lục). Đến năm 1995, ở giải đấu cuối, Oanh vẫn còn đủ sức đoạt đến 3 HCV.

Trải qua một tình yêu đầy lãng mạn và cả sóng gió, năm 1996, Kiều Oanh bước lên xe hoa với ông thầy Đỗ Trọng Thịnh. Họ đã cùng nhau xây dựng nên một tổ ấm hạnh phúc điển hình của dân thể thao, đều là 2 HLV gắn bó trọn vẹn với môn bơi TPHCM, và có 2 cậu con trai ngoan khỏe, học giỏi.

Chị từng giành tới 14 HCV trong một giải đấu - Đại hội TDTT toàn quốc 1994 khiến cho ngành thể thao phải thay đổi cả điều lệ thi đấu của môn bơi. Trong nghiệp đấu và cả cuộc đời của nữ hoàng bơi lội Việt Nam, có một cột mốc khi chị và cả gia đình đã quyết định không sang Mỹ theo diện đoàn tụ.

Việt Cường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục