Khi tiền dầu mỏ tràn ngập bóng đá châu Âu

18:32 Thứ bảy 04/08/2012

Mặt hàng: Một trong những câu lạc bộ giàu truyền thống bậc nhất ở châu Âu đang trong thời kỳ suy thoái nặng nề. Người mua: Một gia tộc giàu có ở Trung Đông. Mục tiêu: Tái sinh thời kỳ hoàng kim của đội bóng. Chúng ta đang nói về Nottingham Forest, hứa hẹn sẽ là một phiên bản tiếp theo của Manchester City và Paris Saint Germain (PSG).

Người tiếp quản đội bóng này là gia tộc Al-Hasawi của Kuwait, sở hữu hàng trăm giếng dầu ở Trung Đông và có khối tài sản ước tính lên đến 1,4 tỉ bảng. Báo chí Anh cho rằng những gì diễn ra tại Forest hiện tại không khác gì việc Roman Abramovich mua Chelsea vào năm 2003 hay Sheikh Mansour trở thành ông chủ của Manchester City cách đây ba năm, và đặt ra câu hỏi rằng liệu một biểu tượng cũ của bóng đá Anh, đội bóng từng hai lần vô địch Cúp C1 liên tiếp vào các năm 1979 và 1980, có thể thoát ra khỏi quãng thời gian thảm hại hiện nay nhờ những đồng tiền từ Trung Đông.

Gia tộc Al-Hasawi đã trả hết khoản nợ 75 triệu bảng tồn đọng từ thời vị chủ tịch quá cố Nigel Doughty, qua đời đột ngột vào tháng 2 năm nay. Ông Doughty tại vị 13 năm và đã đầu tư tổng cộng 100 triệu bảng vào Forest. Đó không phải là khoản tiền lớn với một đội bóng chơi ở Premier League, nhưng với một câu lạc bộ chỉ tránh phải xuống hạng Ba trong những vòng cuối cùng của mùa bóng trước, đó là một con số thực sự đáng kể, dù chỉ để duy trì hô hấp tối thiểu cho một biểu tượng hùng mạnh của quá khứ.

Nottingham Forest có truyền thống, một sân bóng lớn và đội ngũ cổ động viên đông đảo - Ảnh Internet

Khác với Manchester City và PSG, những đội bóng đã có nền tảng nhất định vào thời điểm được các ông chủ Trung Đông mua lại, Forest vẫn đang chờ một sự cứu rỗi, qua hơn một thập kỷ ngụp lặn ở các hạng đấu thấp của nước Anh. Giá trị lớn nhất của Forest là một lịch sử hào hùng và một thương hiệu đang phủ bụi thời gian, nhưng hạn chế của họ là nền tảng tài chính mục ruỗng và đẳng cấp sân cỏ từ lâu đã không tương xứng với tên tuổi từng gây dựng được.

Tiếp quản Forest và cứu sống nó là một canh bạc thậm chí còn khó khăn hơn biến Chelsea, Manchester City hay PSG thành những nhà vô địch quốc gia, và thậm chí xa hơn, là vô địch Champions League và trở thành những đế chế thực sự của bóng đá thế giới.

Bóng đá, công cụ kinh doanh

“Sự đầu tư từ Trung Đông giờ chỉ còn hai xu hướng: Hóa rồng và cứu vớt. Một mặt, bạn thấy Sheikh Mansour mua Manchester City, và chỉ trong vòng 4 năm đã biến nó thành một đội bóng cạnh tranh danh hiệu và tạo ra nỗi khiếp sợ bao trùm châu Âu”, chuyên gia bóng đá Trung Đông James Montague phân tích trên kênh CNN. “Mặt khác, chúng ta phải chứng kiến ng vụ đầu hữntư bất thành trong các trường hợp mà đồng tiền từ Trung Đông được kỳ vọng đóng vai trò một liều thuốc chữa bách bệnh. Nên nhớ là Portsmouth, đội bóng đã từng được tỉ phú người UAE Sulaiman al Fahim mua lại, thậm chí còn trở thành câu lạc bộ Premier League đầu tiên trong lịch sử phải xin bảo hộ phá sản”.

Con đường hóa rồng đang diễn ra suôn sẻ hơn là trục vớt. Chelsea đã giành đến 12 danh hiệu trong tám năm dưới triều đại Abramovich (bao gồm ba trong bốn chức vô địch quốc gia họ giành được trong lịch sử, cộng với chiếc cúp Champions League đầu tiên). Manchester City giải cơn khát danh hiệu kéo dài 35 năm và sau đó là cơn khát chức vô địch quốc gia kéo dài 44 năm. PSG chỉ về nhì mùa bóng trước ở Ligue 1, nhưng sự bạo tay của họ trên thị trường chuyển nhượng mùa hè báo hiệu một cơn giông tố thực sự cho phần còn lại của nước Pháp, và chức vô địch quốc nội có lẽ chỉ còn là chuyện thời gian.

Tham vọng thực sự của các ông chủ Qatar là biến PSG trở thành một thế lực có thể cạnh tranh danh hiệu châu Âu với Barcelona, AC Milan hay Manchester United. Vào giai đoạn một, họ đặt nền tảng cho thành công tương lại bằng các hợp đồng với những cầu thủ giỏi vừa tầm với, như Javier Pastore, Jeremy Menez hay Diego Lugano, và chỉ một vài tháng sau đó, đầu tư vào một huấn luyện viên có bản năng chiến thắng và lý lịch đã được khẳng định trên toàn châu Âu, Carlo Ancelotti. Sau thất bại tại Ligue 1 mùa bóng trước, khoản tiền khổng lồ bỏ ra mùa này cho Ezequiel Lavezzi, Thiago Silva và đặc biệt là Zlatan Ibrahimovic là giai đoạn tiếp theo của một cuộc cách mạng không chỉ về nhân sự, mà còn về mặt hình ảnh.

Zlatan Ibrahimovic dưới chân tháp Eiffel, biểu tượng mới của nhà giàu PSG - Ảnh Getty

Sau cầu thủ giỏi là những ngôi sao đẳng cấp thế giới gửi một thông điệp đến thế giới bóng đá rằng PSG là một thương vụ làm ăn và nó đã ở vào giai đoạn phủ sóng toàn cầu. Nasser al-Khelaifi, ông chủ của PSG, đang sở hữu kênh thể thao của đài Al-Jazeera, đơn vị đã giành được quyền phát sóng các trận đấu ở Ligue 1, Champions League, đang tấn công vào Premier League và trong tương lai sẽ nắm quyền phát sóng các trận đấu ở World Cup 2022, giải đấu mà Qatar đã giành được quyền đăng cai. Thành công của PSG sẽ là công cụ để tạo ra sự tăng trưởng về hình ảnh, uy tín và làm bàn đạp cho việc thu lại lợi nhuận trong tương lai.

PSG là ví dụ mới nhất chứng minh cho nhận định rằng các ông chủ Trung Đông không chỉ coi bóng đá là một cuộc chơi, như cách Roman Abramovich đối đãi với Chelsea, hay Massimo Moratti bỏ tiền ra một cách vô điều kiện cho Inter Milan. Manchester City không phải là câu lạc bộ đầu tiên được Sheikh Mansour bơm tiền. Tình yêu đầu tiên của ông là Al Jazira, một đội bóng ở Abu Dhabi. Tương tự, gia tộc Al-Hasawi, chủ sở hữu mới của Nottingham Forest, từng biến CLB địa phương Qasida trở thành một đội bóng hùng mạnh ở Kuwait.

Tiền chưa hẳn là tất cả…

Khác biệt chỉ nằm ở cách lựa chọn của họ: “Sheikh Mansour thường bắt đầu với một đội bóng bị đánh giá thấp về mặt lịch sử và danh tiếng”, Montague, tác giả của cuốn sách Khi thứ Sáu đến: Bóng đá trong tầm ngắm chiến tranh, phân tích. Man City hoàn toàn phù hợp, và có tiềm năng phát triển tốt. PSG mạnh hơn về mặt hình ảnh tại nước Pháp, là đội bóng duy nhất ở thủ đô chơi tại Ligue 1 và tháp Eiffel được coi như một biểu tượng đi kèm, có lợi thế hơn đôi chút để nâng tầm. Còn Nottingham Forest là một mỏ vàng tiềm năng thực sự với danh tiếng và truyền thống của mình, bất chấp xuất phát điểm cực thấp hiện tại.

“Việc một nhà đầu tư mua một đội bóng tầm cỡ Forest mang ý nghĩa rất lớn”, Simon Chadwick, giáo sư ngành chiến lược kinh doanh và tiếp thị thể thao tại Đại học Coventry, Anh, cho biết. “Họ sở hữu một thương hiệu trong lòng các cổ động viên và có tiềm năng thu hút thêm người hâm mộ nhờ thành công trong cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Giá trị thương hiệu này có thể cung cấp cho khách hàng và nhà đầu tư những thứ mà các đội bóng khác không thể đem đến. Đối với những người như gia tộc Al-Hasawi, thì quan điểm của họ về câu lạc bộ này sẽ quyết định cách họ đối xử với nó. Nếu họ nhìn thấy nó như một tài sản tạo ra doanh thu, thì họ sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức để tạo ra lợi nhuận”

Giá trị tiềm ẩn của Forest là không thể coi thường: “Lịch sử và giá trị thương hiệu của Forest có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực. Đội bóng này có thể tạo ra doanh thu lớn hơn so với đối thủ láng giềng của họ là Leicester nhờ các lợi thế ấy. Dân số đáng kể ở Nottingham có thể lấp đầy một sân vận động, và trong số đó có rất nhiều cổ động viên trung thành. Đó là điều rất quan trọng”, Chadwick nói tiếp. “Chúng ta đang phát điên lên vì các câu lạc bộ như Barcelona, Manchester United và Inter Milan, nhưng Forest đã giành hai chiếc Cúp C1 liên tiếp cách đây hơn 30 năm và từng được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên mang tính biểu tượng nhất là Brian Clough. Có cả một ngành công nghiệp ăn theo Clough, thông qua những cuốn tiểu sử, câu chuyện và cả phim nữa”.

Nhưng quản lý một đội bóng kiểu Nottingham Forest hiện tại không đơn thuần là câu chuyện của tiền bạc, giống như cách mà các ông chủ UAE và Qatar đang bơm tiền cho Manchester City và PSG: “Nếu gia tộc Al-Hasawi muốn phát triển dựa trên một nền tảng lâu dài, họ sẽ phải xem xét phát triển một mạng lưới tuyển mộ giỏi để có thể ký hợp đồng với các cầu thủ với khoản tiền tương đối nhỏ. Họ sẽ phải quản lý đội bóng theo một cách rất khôn ngoan để đảm bảo rằng nó không dính nợ theo cùng một cách như dưới thời của ông chủ cũ”.

Trục vớt một đội bóng khỏi bùn lầy là một canh bạc khó khăn hơn rất nhiều so với việc đầu tư vào một câu lạc bộ có nền tảng tốt để biến nó thành một thế lực. Hãy nhớ lại năm 2009, khi đội bóng lâu đời nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Anh, Notts County, được một tập đoàn tài chính có tên Munto mua lại khi đang bên bờ vực phá sản. Munto, tự nhận là được tài trợ bằng tiền từ Trung Đông, đã vời về đội cựu huấn luyện viên đội tuyển Anh Sven-Goran Eriksson và trung vệ kỳ cựu Sol Campbell theo những bản hợp đồng dài hạn, nhưng cả hai đều rời đội trước khi lời hứa trả hết các khoản nợ của Munto trở thành hiện thực. Notts County tiếp tục phải vật lộn để tồn tại, và cuối cùng bị bán với giá tượng trưng một bảng Anh chỉ vài tháng sau khi được Munto tiếp quản. Một ví dụ khác là Blackburn Rovers, phải xuống hạng chỉ một năm sau khi về tay tập đoàn gia cầm Venky của Ấn Độ với những lời hứa hẹn hão huyền về các siêu sao và một tương lai rực rỡ.

Đó là những minh chứng rõ rệt cho thấy việc thiếu kinh nghiệm có thể gây ra vấn đề lớn thế nào. Điều quan trọng chưa chắc đã là ý định của người chủ mới và hầu bao của ông ta, mà sự từng trải và tư duy quản lý sẽ định đoạt số phận của đội bóng. Điều hành một câu lạc bộ đòi hỏi sự kết hợp rất phức tạp giữa nhiều phẩm chất quản lý, vì nó là một dạng công việc kinh doanh đặc thù bậc nhất. Các ông chủ Trung Đông đã tỏ ra rất nhạy bén và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành tựu, như những gì đã diễn ra ở Manchester City và có thể là PSG sau này, nhưng như đã nói, khá nhiều trong số đó đã phải trải qua việc quản lý các đội bóng cấp địa phương, trước khi tấn công vào thị trường châu Âu.

… Nhưng tiền xóa bỏ nhiều thứ

Bóng đá đang trở thành một lĩnh vực hứa hẹn sản sinh lợi nhuận và khuếch trương vị thế của những ông chủ dầu mỏ, đổi lại, một đội bóng có thể vươn lên thành một thế lực lớn, hoặc giản dị hơn, được cứu vớt bằng những đồng tiền từ Trung Đông. Nhưng mặt tiêu cực của việc đầu tư ồ ạt vào bóng đá là không phải lúc nào đồng tiền cũng được sử dụng một cách hiệu quả và không thể cứu sống được tất cả những cơ thể bệnh tật. Trên một khía cạnh khác, nó vật chất hóa mọi thứ và xóa bỏ những giá trị tinh thần làm nên những biểu tượng của bóng đá trong quá khứ.

Manchester City đã có chức vô địch Premier League nhờ tiền từ Abu Dhabi - Ảnh Getty

Chúng ta cần đặt ra câu hỏi rằng liệu một cầu thủ như Zlatan Ibrahimovic sẽ trở thành một tấm gương như thế nào ở Ligue 1, ngay cả khi đã nhận một khoản tiền lương lên đến 17 triệu USD/năm? Nên nhớ rằng đây là một cầu thủ đã từng chạy nhiều hơn thủ môn Victor Valdes chỉ có 400 mét trong một trận đấu Champions League giữa Barcelona và đội bóng cũ Inter của anh ta. Ibra sẽ thực sự chơi bóng với đầy đủ nhiệt huyết cho một giải đấu mà số khán giả trung bình thậm chí còn thấp hơn giải vô địch MLS của Mỹ? Rất khó để tin vào điều đó.

Việc bộ đôi ngôi sao chuyển từ một câu lạc bộ khổng lồ của Serie A sang chơi ở Ligue 1 cũng là một dấu hiệu bất thường và cho thấy sức mạnh khủng khiếp của đồng tiền Trung Đông thời điểm hiện tại. Đến cả một đội bóng hùng mạnh như AC Milan cũng không thể miễn nhiễm với suy thoái kinh tế toàn cầu (ông chủ Silvio Berlusconi thậm chí còn hồ hởi tuyên bố việc bán Ibra và Silva sẽ tiết kiệm cho Milan chừng 185 triệu USD trong hai năm) và cho thấy rằng trong bóng đá hiện đại, tiếng nói của đồng tiền có trọng lượng hơn bất kỳ một sự liên hệ về mặt cảm xúc nào giữa cầu thủ với đội bóng anh ta đang đầu quân và giải đấu mà anh ta đang hành nghề.

Sự vô cảm của tiền bạc đang tiêu diệt những giá trị tinh thần, như sự trung thành, niềm tự hào, những thứ tạo nên mẫu cầu thủ biểu tượng, những người ngày một hiếm hoi trong bóng đá hiện đại. Những giá trị cơ bản của thể thao bị xói mòn theo nhu cầu về đánh bóng hình ảnh và gia tăng lợi nhuận.

Chúng ta cũng chứng kiến nhiều hơn những ngôi sao sẵn sàng chuyển đến những đất nước không có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, nhưng lại là nơi trả lương cho họ cao nhất. Didier Drogba chuyển đến Trung Quốc, Asamoah Gyan sang UAE hành nghề, Samuel Eto’o thậm chí đến Nga chơi bóng ngay trong độ tuổi còn sung sức và giờ thì đến lượt Ibra chơi cho một đội bóng của Pháp.

Bóng đá đang ngày càng hoàn thiện dáng dấp một ngành công nghiệp lớn, mà trong đó, mỗi đội bóng đóng vai một doanh nghiệp chờ đầu tư và các trận đấu không còn giống một cuộc chơi thể thao đơn thuần, mà mang dáng dấp một canh bạc kinh tế. Sự xuất hiện ồ ạt của các ông chủ Trung Đông cho thấy xu thế tìm kiếm lợi nhuận và vật chất hóa đang lấn át mọi thứ, và những giá trị truyền thống, lịch sử của một đội bóng kiểu Nottingham Forest giờ được đưa ra cân nhắc dưới dạng một tiềm năng kinh tế trong con mắt các nhà đầu tư.

Sự đánh đổi ấy rõ ràng không phải là một viễn cảnh tươi đẹp cho bóng đá hiện đại.
Phạm An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục