Kết thúc Giải Bóng chuyền nữ VTV Cup 2013: Bài học nào cho chủ nhà?

12:55 Thứ hai 22/07/2013

Giải Bóng chuyền quốc tế VTV Cup 2013 vừa khép lại với danh hiệu vô địch dành cho CLB nữ Giang Tô (Trung Quốc), các thứ hạng tiếp theo lần lượt là Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN), CLB Sơn Đông (Trung Quốc), Kazakhstan, tuyển Úc và CLB trẻ Thái Lan. Giải được xem là thành công và những vấn đề về chuyên môn cũng đã được nhận thấy từ sân chơi này.

Cho dù rất cố gắng nhưng các nữ tuyển thủ Việt Nam chỉ có được vị trí á quân

Nhiều đối thủ trẻ, trừ Việt Nam

Như báo chí đã đề cập, vì là một giải mời nên đại đa số các đối thủ đều tranh thủ đưa tới Việt Nam những CLB gồm nhiều cầu thủ trẻ để tạo điều kiện cọ xát. Điển hình là 2 CLB bóng chuyền nữ đến từ Trung Quốc có nhiều gương mặt trẻ có tuổi đời chỉ là 18, 19, thậm chí 17 tuổi. Tuy thế, được tung vào nhiều sân chơi nên các cầu thủ trẻ đã nhanh chóng trưởng thành và có kỹ năng cùng bản lĩnh rất đáng nể.

Cuối năm nay, các VĐV bóng chuyền của chúng ta sẽ phải đặt mục tiêu bảo vệ cho được tấm HCB tại SEA Games 27. Cùng với tiến bộ về chuyên môn thì yêu cầu trẻ hóa rất bức thiết. Tiếc là ĐTVN lại thể hiện một gương mặt quá ư "già” khi có tới 3 - 4 vị trí thi đấu thường xuyên đang ở độ tuổi trên dưới 30. Đó là dấu hiệu rất bất cập. Một số cầu thủ trẻ của chúng ta cũng có danh sách trên ĐTVN nhưng cơ hội ra sân của họ lại quá ít, bởi thế hầu như chưa có thêm được bài học gì cho tương lai.

Những nét chuyên môn

Bóng chuyền là môn chơi có tính phổ biến, đang ngày càng có những VĐV cao to đủ sức hoạt động có hiệu quả trên khắp mặt sân. Với xu thế ấy, ĐTVN đã có được một số gương mặt có tố chất tốt, chẳng hạn Bùi Thị Ngà (1m87), Nguyễn Thị Xuân (1m80), Hà Ngọc Diễm (1m77), bên cạnh 2 lão tướng Nguyễn Ngọc Hoa (1m80) và Phạm Kim Huệ (1m80).

Về lối đánh, đại đa số các đối thủ dự giải chơi na ná nhau: tất cả đều là sơ đồ 5-1, kết hợp lối đánh nhanh với các mũi chủ công hoạt động bằng tầm bóng cao ở 2 mép lưới. Tuy nhiên hiệu suất của mỗi đội chưa đồng đều. Non yếu nhất là đội Úc, hầu như họ vẫn chỉ là những khách tham quan là chính, thậm chí kỹ thuật đỡ bước 1 cũng còn yếu kém. Thái Lan trẻ gồm nhiều cầu thủ ở đội U20, khá linh hoạt song kinh nghiệm thi đấu còn non. Kazakhstan trẻ và có thể hình tốt song cũng non về chuyên môn.

Vì thế, chơi bóng với kỹ năng hiện đại là điều chỉ thấy ở ĐTVN và 2 CLB đến từ Trung Quốc. Một số trận đấu được xem là có chỉ số chuyên môn tốt như trận Giang Tô - ĐTVN ở lần thứ 1. Tại đó, hỏa lực đôi bên khá đồng đều và sự vay - trả sòng phẳng trên lưới đã làm người hâm mộ hứng khởi. Tiếc là điều này lại không có ở trận chung kết.

3 đội xếp trên cùng biết đánh nhanh, chồng, thi thoảng có quả lao ngắn. Hiệu suất cao hơn hết là Giang Tô. Họ có dàn cầu thủ đồng đều, tổ chức bám chắn khá hiệu quả ở khu giữa lưới, thay vì tập trung vào hai biên như 2 đội còn lại. Giang Tô cũng có nhiều cầu thủ phát bóng tốt, xứng đáng là nhà vô địch.

Bài học gì?

Như đã nói, đầu tiên phải là quyết tâm trẻ hóa nếu các nhà quản lí BCVN muốn phát triển về chất của đội tuyển. Một số cầu thủ trẻ được tham dự giải song ngồi ngoài là chính, từ đó câu hỏi về chủ nghĩa thành tích vẫn còn nguyên tính thời sự. Thử nghĩ, nếu một trong mấy lão tướng của ĐTVN mà vướng chấn thương hay lý do nào khác, việc sử dụng kế cận không hề dễ dàng cho chúng ta, trong khi đó hầu như các nước khu vực luôn tồn tại những đội trẻ sẵn sàng thay thế lớp trước.

Giải đã kết thúc, dư âm việc sử dụng người của Ban huấn luyện ĐTVN đã âm ỉ diễn ra những phản ứng khá gay gắt, đòi hỏi Liên đoàn BCVN nhanh chóng giải quyết, trước hết về mặt tư tưởng. ĐTVN không phải là một đội của CLB nào đó và tại đấy, sự công bằng cần coi là yêu cầu hàng đầu trong phương thức quản lí và huấn luyện, sử dụng cầu thủ. Chặng đường sắp tới luôn tiềm ẩn những thách thức khôn lường.

Trần Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục