Italy - bản sao của Tây Ban Nha vô địch Euro 2008

08:42 Chủ nhật 01/07/2012

Hành trình của "binh đoàn thiên thanh" tại Euro 2012 có nhiều điểm tương đồng với chính đối thủ của họ trong trận chung kết lúc 1h45 sáng mai từng lên ngôi cách đây bốn năm.

Chơi bóng đẹp mắt, cống hiến

Euro 2012 ghi nhận một tuyển Italy chơi thứ bóng đá hấp dẫn, lôi cuốn người xem nhất trong vài thập niên trở lại đây. Với Pirlo - một bậc thầy kỹ thuật và sáng tạo - là hạt nhân, Italy luôn cố gắng đá một chạm và thể hiện tư duy tấn công rõ rệt, với hàng thủ dâng cao hỗ trợ tuyến giữa làm bàn đạp cho những nỗ lực ép sân không ngừng nghỉ. Cách chơi ấy là sự lặp lại gần như nguyên vẹn hình ảnh của tuyển Tây Ban Nha ở Áo - Thụy Sĩ năm 2008, nơi họ chinh phục tất cả người xem dù khó tính nhất bằng lối chơi giàu tính cống hiến, nhưng có hiệu quả hủy diệt.

Hiện tại, Tây Ban Nha vẫn vô đội ở khâu kiểm soát bóng - trung bình không dưới 60% trong năm trận đã đấu tại Euro 2012, nhưng tạo cảm giác buồn ngủ tẻ ngắt, khi họ sử dụng kỹ năng kiểm soát bóng siêu việt như một thứ vũ khí để phòng ngự, không cho đối phương có bóng để tấn công, hơn là hướng đến mục tiêu hủy diệt mọi chướng ngại phía trước.

Cách mạng về tư duy

Italy hiện tại không còn đá kiểu đuổi theo trái bóng, mà họ bắt đầu chơi bóng và tận hưởng - khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình tối thiểu 52% ở năm trận đấu đã qua tại Euro thật sự gây ấn tượng. Ngay cả khi vô địch World Cup 2006, Italy của Lippi cũng không giữ bóng tốt như thế, dù khi đó, với Pirlo, Totti, Del Piero, họ còn sở hữu nhiều bậc thầy về kỹ thuật hơn cả bây giờ. Italy năm 2012 rất tích cực tranh đoạt bóng và khi đã có bóng, họ luôn cố gắng phát triển bóng lên phía trên để tạo ra cơ hội.

Kiểm soát bóng ở giữa sân là một điểm mạnh mới của Italy. Ảnh: AFP.

Giống như Luis Aragones với phát kiến vĩ đại tiqui-tacca cho Tây Ban Nha ở Euro 2008, HLV Cesare Prandelli cũng đã làm một cuộc cách mạng thật sự trong tư duy chơi bóng của tuyển Italy trong hành trình kỳ thú tại Ba Lan - Ukraine. Nếu cần một ví dụ để minh họa cho tư duy tấn công mới mẻ ấy của Italy, trận tứ kết với Anh là một ví dụ hoàn hảo. Italy hôm đó giữ bóng tới 64%, tung ra cả thảy 35 cú sút, 20 trong số này đi đúng hướng cầu môn. Anh chỉ có 9 cú sút và bốn trong số đó đi trúng hướng cầu môn Italy.

Ý chí và khát khao chiến thắng

Ngay từ trận đấu đầu tiên tại Euro 2012, gặp chính Tây Ban Nha, đội ĐVKĐ Euro và World Cup, Italy đã thể hiện rất rõ sự tự tin rằng họ có thể đương đầu, đánh bại mọi đối thủ. Tinh thần ấy thể hiện qua cách cả đội chơi bóng tốc độ, luôn hướng lên phía trên bằng sự nhịp nhàng uyển chuyển của cả đội. Năm 2008, Tây Ban Nha cũng đã chơi bóng tới tinh thần như thế và đăng quang xứng đáng.

Thắng bằng loạt đá luân lưu ở tứ kết

Bước ngoặt mở ra chiến thắng cho Tây Ban Nha cách đây bốn năm chính là trận tứ kết mà họ loại chính Italy. Tây Ban Nha khi đó chơi tốt hơn hẳn, ép sân cả trận và dù đã phòng ngự kiên cường suốt 120 phút giao đấu, Italy vẫn phải chấp nhận thất bại sau loạt đá luân lưu. Fabregas là người thực hiện thành công quả luân lưu quyết định bằng sự tự tin, thần kinh thép. Tây Ban Nha sau đó dễ dàng hạ Nga 3-0 để vào chung kết rồi lên ngôi.

Câu chuyện tương tự đang lặp lại với Italy tại Euro 2012. Họ chơi trên cơ tuyển Anh và đánh bại đối thủ này bằng loạt đá luân lưu. Pirlo xua đi tất cả những ngờ vực về sự tự tin, bản lĩnh của Italy bằng cú xúc thìa tuyệt hảo trên chấm 11 mét. Trên đà hưng phấn, Italy đánh bại ứng cử viên vô địch Đức ở bán kết.

Vai trò thủ lĩnh

Buffon tức giận mắng đồng đội sa sả trong phòng thay đồ sau trận vì một loạt vị trí đã chơi chủ quan khiến Italy chịu sức ép lớn cuối trận bán kết. Pirlo đăng đàn nhắc nhở đồng đội vẫn chưa thể tự mãn vì chưa có bất kỳ danh hiệu nào. De Rossi chiến đấu như một cảm tử quân trong mọi pha bóng. Những gì họ làm gợi lại hình ảnh của Casillas, Xavi và Iniesta ở Áo - Thụy Sĩ 2008. Kinh nghiệm, sự tự tin được hun đúc từ những thành công của các thủ lĩnh này truyền cảm hứng, niềm tin cho phần còn lại, nâng bước cả tập thể đi trên con đường chiến thắng.

Kinh nghiệm, sự lăn xả của De Rossi và Buffon đem lại niềm tin cho cả đội. Ảnh: AFP.

Khát khao của những cầu thủ kém tiếng tăm

Bên cạnh số ít trụ cột đã thành danh, tuyển Italy vẫn còn rất nhiều gương mặt đang khát khao ghi dấu ấn ở một giải đấu quốc tế lớn, như Bonucci, Balzaretti, Abate, Marchisio, Montolivo và Cassano. Ở Euro 2008, Tây Ban Nha cũng được hưởng lợi từ động lực to lớn của những cầu thủ tương tự như Capdevilla, Marcos Senna, Cazorla, Villa và David Silva.

Sự quyết đoán của HLV

Năm 2008, Luis Aragones đi ngược lại quan điểm của đông đảo dư luận Tây Ban Nha, kiên quyết gạt Raul Gonzales khỏi đội tuyển dự Euro, bất chấp anh này giữ kỷ lục ghi bàn ở cả ĐTQG lẫn CLB Real Madrid. Quyết định can đảm đó của Aragones là hoàn toàn đúng đắn khi Tây Ban Nha trở thành một khối thống nhất và mở ra cơ hội cho David Silva, David Villa và Torres tỏa sáng trên tuyến đầu.

Đến với Euro 2012, HLV Prandelli cũng đi ngược lại quan điểm của số đông khi kiên quyết đặt niềm tin vào cặp tiền đạo bị chỉ trích, nghi ngờ rất nhiều về tính cách, phong độ là Casano - Balotelli. Niềm tin đó được đền đáp xứng đáng khi cả hai bắt đầu nổ súng từ lượt cuối vòng bảng và chói sáng trong trận bán kết loại Đức.

Ở mức độ thấp hơn, việc Prandelli gọi lại Di Natale mà bỏ qua những tiền đạo trẻ hơn khỏe hơn như Boriello, Matri, Pazzini hay Osvaldo cũng cho kết quả tích cực. Di Natal rất lợi hại trong vai trò một dự bị chiến lược và là chủ nhân tình huống mở tỷ số trận ra quân vòng bảng hòa Tây Ban Nha 1-1.

Cặp tiền đạo lợi hại

Năm 2008, Tây Ban Nha sở hữu hai cầu thủ tấn công nhỏ con, nhưng chơi rất khéo léo, đặc biệt trong việc quấy rối hàng thủ đối phương, tạo khoảng trống là David Villa và David Silva. Năm 2012, với Cassano, Italy cũng có một cầu thủ lợi hại tương tự. Tình huống Cassano di chuyển ra biên, xử lý khéo léo vặn sườn ba cầu thủ Đức kiến tạo bàn mở tỷ số trận bán kết là một ví dụ.

Niềm tin mà HLV Prandelli đặt vào cặp Cassano - Balotelli được đền đáp xứng đáng, khi cả hai ngày càng chơi ăn ý, trở thành cặp tấn công lợi hại của Italy. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Balotelli lại là bản copy của một Fernando Torres, chủ nhân bàn duy nhất hạ Đức trong trận chung kết giúp Tây Ban Nha đăng quang 2008. Tiền đạo gốc Ghana rất vô duyên ở những trận trước đó, nhưng lại bùng nổ với cú đúp quyết định hạ Đức

Tuyến giữa toàn các tiền vệ trung tâm

Tây Ban Nha năm 2008 trình hàng hàng tiền vệ không có cầu thủ chạy cánh nào, với Marcos Senna, Xavi, Iniesta và Silva. Sức mạnh cơ bắp, khả năng tổ chức và đột biến mà họ mang lại là chất xúc tác để Tây Ban Nha lần lượt chinh phục mọi trở ngại. Hiện tại, Italy cũng chơi với một tiền vệ như thế khi Marchisio, Pirlo, De Rossi và Montolivo đều sở trường đá bó vào giữa. Nhưng họ không hề dẫm chân, mà bổ khuyết và hỗ trợ nhau tuyệt vời, biến tuyến giữa thành điểm mạnh nhất trong lối chơi của Italy.

Tinh thần đoàn kết

Nội bộ Tây Ban Nha từng bị chia rẻ nghiêm trọng vì tình trạng bè phái, tư tưởng vùng miền giữa các cầu thủ xứ Catalan, Basque, Castilia. Nhưng cách đây bốn năm, nhờ Aragones siết chặt kỷ luật, tất cả được quy về một mối, chiến đấu vì màu cờ sắc áo của Tây Ban Nha. Tuyển Italy hiện tại cũng trên dưới một lòng đoàn kết thành một khối thống nhất, không hề có mâu thuẫn, bất đồng nào. Balotelli từng gây tranh cãi dữ dội ở cấp CLB, nhưng khi Prandelli gọi anh lên tuyển dự Euro 2012, mọi cầu thủ đều tin tưởng, ủng hộ quyết định đó. Họ còn thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ Balotelli khi tuyên bố cả đội sẽ rời sân, nếu đồng đội da màu bị kỳ thị chủng tộc.

Phương My | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục