Hướng tới Roland Garros: Borg hay Nadal, ai vĩ đại hơn?

09:19 Chủ nhật 27/05/2012

Năm ngoái, Bjorn Borg đã không có mặt trên hàng ghế danh dự dành cho các tay vợt vô địch qua từng thập kỷ ở Paris để chứng kiến Rafael Nadal cân bằng kỷ lục sáu lần vô địch Roland Garros mà ông đã thiết lập được cách nay chừng ba mươi năm.

Cho tới hôm nay, nói về danh vị vua sân đất nện hay ông hoàng ở giải Roland Garros, chỉ có Nadal mới đáng mặt để so bì với Borg, hay cũng chỉ có Borg mới xứng tầm để Nadal nhìn như là thách thức để vượt qua.

Bjorn Borg (trái) và Rafael Nadal, ai mới xứng là vua sân đất nện? - Ảnh Getty

Vượt ra ngoài con số sáu danh hiệu kỳ vĩ của mỗi tay vợt ấy, có hàng loạt những tiểu thành tích cũng rất đáng ngưỡng mộ, từ đó chúng ta có thể phân định được sự hơn thua của mỗi người khi đặt cạnh nhau.

Borg đã mất tám giải đấu trong chín năm (năm 1977 ông không tham dự vì ràng buộc hợp đồng với đối tác) để có sáu lần lên ngôi với thành tích 49 trận thắng và chỉ có hai trận thua. Nadal thần tốc hơn khi chỉ mất đúng bảy năm để có sáu chiếc cúp Roland Garros và có thành tích thắng thua tại đây là 45-1.

Thậm chí, thành tích của Nadal được hun đúc từ một kỷ lục đặc biệt là thắng liền 31 trận (nằm trong kỷ lục vĩ đại nhất của mọi thời đại là 81 trận thắng liên tiếp trên mặt sân đất nện) kể từ khi anh bắt đầu ra mắt ở Roland Garros. Borg chỉ đạt tới hơn một nửa số trận thắng liên tiếp trên mặt sân đất nện của Nadal, khi ông có chuỗi 46 trận không thua liên tiếp. Nhưng Borg lại vô địch lần đầu tiên khi ông mới chỉ 18 tuổi (sinh 1956, vô địch 1974) còn Nadal đăng quang khi đã 19 tuổi (1986, 2005).

Danh hiệu vô địch Roland Garros năm 1978 của Borg đạt được sau khi ông không để thua một set nào, chỉ mất tổng cộng 32 game trong cả giải (kỷ lục này giờ vẫn đứng vững trong hệ thống Grand Slam). Năm 1980, một lần nữa ông vô địch mà không thua một set. Và đến năm 81, ông suýt chút nữa đã giành thắng lợi ở một trận đấu vòng bốn mà không để mất một game nào nếu như không phạm vài lỗi đánh hỏng khi đã dẫn 6-0, 6-0 và 5-0 trước một đối thủ người Mỹ là Terry Moor. Sau khi tận dụng thành công cơ hội ấy để có được game duy nhất, Moor đã quỳ gối xuống mặt sân, buông vợt và hai tay hướng lên trời, ăn mừng cứ như thể ông vừa vô địch một giải Grand Slam. Chưa hết, chính năm 1978, Borg đã vô địch sau khi thắng một tên tuổi lớn của sân đất nện người Argentina là Guillermo Vilas trong trận chung kết mà chỉ mất đúng 4 game.

Nadal cũng chẳng kém. Đúng 30 năm sau ngày Borg làm nên vinh quang tột đỉnh ấy, Roland Garros 2008, Nadal đã đánh bại huyền thoại người Thụy Sĩ Roger Federer trong một trận chung kết một chiều nhất xưa nay trong số những lần họ gặp nhau: tỉ số là 6-1, 6-3, 6-0. Giải này Nadal cũng đã vô địch mà không mất set nào - một thành tích được chính anh tái lập vào năm 2010.

Cho tới hôm nay, Nadal cũng mới chỉ thua đúng một người ở Roland Garros, giống như suốt sự nghiệp của mình tại sân đất nện Paris. Trớ trêu là người Nadal để thua ấy chính là đồng hương của Borg, Robin Soderling. Còn Borg, cả đời tại đây, ông chỉ thua đúng một đối thủ (dù là hai lần), khi bị tay vợt có phong cách bụi bặm và rất giỏi săn lưới người Italy, Adriano Panatta đánh bại các năm 1973 và 1976.

Cơ hội vĩ đại của Nadal

Borg từng bảo, ngay khi ông nhìn thấy Nadal lúc anh mới 17 tuổi trong một trận đấu với Lapenti (Italy), với những bước di chuyển, khát vọng và các cú đánh với sức mạnh khó tin, ông đoan chắc rằng đây sẽ là một trong những ngôi sao xuất sắc trong tương lai ở thế hệ của anh.

Lời tiên đoán của Borg không sai. Nadal, cũng giống như chính ông, đã trở thành một trong những tác nhân làm thay đổi diện mạo của tennis với lối đánh xoáy thiên về phòng thủ từ cuối sân lên ngôi. Nếu như tất cả các sách giáo khoa tennis chỉ mô tả cú thuận tay với cách kết thúc vắt vợt lên vai hoặc vòng qua thân người, thì Nadal lại vắt vợt qua đầu, tạo nên một độ xoáy chưa từng có cho các cú thuận tay của anh. Và Nadal còn đẩy giới hạn về thể lực của cuộc chơi lên một tầm mức mới mà trận chung kết với Djokovic chỉ còn kém 7 phút là tròn 6 tiếng ở Australian Open 2012 là đỉnh cao.

Còn Borg từng hạ gục những đối thủ chuyên giao bóng lên lưới của những năm 70 và đầu 80 nhờ khả năng chơi bóng cuối sân phát huy cú thuận tay mà ông là một trong số những người đầu tiên cầm vợt ở vị trí "western grip" (kiểu cầm vợt miền Tây nước Mỹ, số 4) trong khi tuyệt đại đa số vẫn còn cầm vợt ở vị trí "eastern grip" (kiểu miền Đông nước Mỹ). Đây chính là phương cách khai thác được những đặc điểm của sân đất nện ở Roland Garros, mà rõ nhất là bóng nảy cao.

Mấy năm qua, Borg vẫn thường bỏ Paris để chọn London như một điểm dừng chân trong những chuyến du ngoạn mùa Hè của ông. Nhưng có thể năm nay, ông sẽ thay đổi, một khi Nadal có cơ hội để lần thứ bảy vô địch. Đó cũng là lúc chúng ta có câu trả lời rằng ai là người vĩ đại nhất trong số hai huyền thoại bất tử của giải Grand Slam được cho là gian khó nhất: Roland Garros.

Roland Garros 2012 tăng tiền thưởng

+ Giải năm nay sẽ khai mạc từ ngày 28/5 tại Paris. Roland Garros là tên của một phi công được ghi nhận có công đầu trong việc phát triển máy bay chiến đấu, hy sinh ở tuổi 30 trong Thế chiến I. Roland Garros lúc tuổi thơ từng ở Sài Gòn, và tên của ông được đặt cho giải Pháp mở rộng, sân đấu tennis, sân bay...

+ Dù nhà vô địch ở Roland Garros sẽ chỉ nhận hơn 1,6 triệu USD, tăng khoảng 700 ngàn USD so với năm 2011, nhưng giải đấu này lại được ghi nhận ở việc dồn tiền thưởng cho các tay vợt thi đấu ở vòng ngoài. Kể từ vòng 3 cho tới ngược trở ra vòng 1, tiền thưởng ở Roland Garros đều nhiều hơn so với Australian Open. Cụ thể, vòng 1 đến vòng 3 nhận tương ứng 23.000, 36.000, 60.000 USD. Đây là sự thay đổi mang hướng công bằng hơn, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa top 10 với phần còn lại.

+ Roland Garros có kế hoạch nâng cấp giải đấu nếu chuyển tới địa điểm thi đấu ở ngoại ô Paris với diện tích tăng lên gấp rưỡi, từ khoảng 10 ha lên tới gần 15 ha. Và sân đấu có thể sẽ được lắp mái che giống ở Wimbledon và Australian Open.

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục