HLV golf Nguyễn Đình Châu: “Niềm hạnh phúc của tôi là nhìn thấy sự tiến bộ của học viên!”

12:44 Thứ năm 20/08/2015

(TinTheThao.com.vn) - Được biết đến như một trong những golfer có thành tích thi đấu hàng đầu Việt Nam, anh Nguyễn Đình Châu đã quyết định rẽ hướng sang con đường đào tạo golf chuyên nghiệp. Là người dành nhiều đam mê và tâm huyết với sự phát triển của môn golf tại Việt Nam, anh đã có những chia sẻ thẳng thắn về việc đào tạo golf cũng như những trải nghiệm thú vị trong vai trò HLV của môn thể thao “quý tộc” này.

Golfer Nguyễn Đình Châu quyết định tập trung vào sự nghiệp giảng dạy và đào tạo golf.

* Phóng viên: Tại Việt Nam, nghề dạy golf chuyên nghiệp vẫn còn rất mới mẻ và có thể nói là khá hiếm. Anh có thể chia sẻ thêm về công việc hiện tại của mình?

- Golfer Nguyễn Đình Châu: Thực ra, việc huấn luyện và đào tạo golf tại Việt Nam không còn quá mới, nhưng chưa thực sự chuyên nghiệp thì đúng hơn. Từng học golf và có nhiều trải nghiệm golf tại Việt Nam, tôi nhận thấy đa phần việc dạy golf thường tự phát, nghĩa là bất kỳ ai biết chơi golf, có số handicap thấp là có thể đi dạy cho người khác mà không hề có chứng chỉ HLV chuyên nghiệp.

Bản thân tôi dù đã đạt được nhiều thành tích trong thi đấu golf nhưng sau hai năm tham gia đào tạo chuyên môn tại Thái Lan, tôi mới nhận ra mình còn nhiều sai sót và ngộ nhận về kỹ thuật bởi chưa từng được học tập golf bài bản. Hiện tại, văn phòng Châu PGA của tôi chuyên dạy golf và hướng dẫn golf cho những người đam mê môn thể thao này. Khóa đào tạo golf chuyên nghiệp với 60 học viên tại TP. HCM cũng vừa được khai giảng. Nói chung, đây là công việc khá bận rộn nhưng vô cùng thú vị.

* Được biết, anh từng là doanh nhân thành công và nằm trong top 5 golfer hàng đầu Việt Nam, vì sao anh quyết định đi theo con đường trở thành giáo viên dạy golf?

- Tôi từng đam mê golf tới mức mỗi ngày có thể dành 8-10 tiếng để ra sân, thậm chí lúc nào cũng nghĩ về nó (cười). Khi sang Thái Lan học thêm về golf, tôi cũng không hề lên kế hoạch sẽ trở thành HLV golf chuyên nghiệp. Nhưng quá trình được học tập và đào tạo bài bản tại đây đã khiến tôi nhận ra rằng, chính mình và nhiều golfer trong nước dù đạt thành tích tốt nhưng vẫn chưa có nhiều kiến thức, kỹ thuật chuyên nghiệp, như vậy thì làng golf Việt Nam sẽ mãi mại là sân chơi nghiệp dư chứ không thể ngang bằng với khu vực, chứ chưa nói đến thế giới. Vì thế, tôi đã theo học chứng chỉ dạy golf chuyên nghiệp với hy vọng sẽ mang đến những nền tảng kiến thức và kỹ thuật bài bản để góp phần thay đổi mặt bằng chung đó.

Anh cho biết, nhiều golfer lâu năm vẫn bị sai sót về kỹ thuật swing nếu không được học tập bài bản.

* Trong hai vai trò người chơi và người hướng dẫn, anh thích vai trò nào hơn? Và điểm thú vị cũng như thách thức lớn nhất của mỗi vai trò là gì?

- Thật khó so sánh, vì bản thân tôi cũng đã từng nghiện golf và hết mình vì sự nghiệp thi đấu cá nhân. Nhưng hiện tại, niềm hạnh phúc của tôi lại là nhìn thấy sự tiến bộ của học viên qua từng động tác kỹ thuật hay qua cách họ chiến thắng chính mình. Niềm vui golf mang lại không còn ở góc độ cá nhân nữa, mà là sự chia sẻ với người khác. Mỗi vai trò đều có những thử thách riêng, là golfer, bạn phải vượt qua bản thân mình. Là HLV, bạn phải giúp học viên của mình vượt qua chính họ.

* Mỗi golfer thường có một phong cách khác nhau, anh có cách nào để giúp các học trò của mình luôn tìm ra được thế mạnh riêng của họ để phát huy?

- Chắc chắn, tôi luôn quan sát và nắm bắt cá tính, thế mạnh cũng như năng khiếu bẩm sinh, đặc điểm thể trạng của mỗi người để có phương pháp phù hợp, giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình. Tuy nhiên, tất cả đều phải dựa trên và tuân thủ theo những đòi hỏi, quy tắc chung bất biến của môn thể thao này.

HLV Nguyễn Đình Châu hướng dẫn học viên cách thoát khỏi bunker.

* Làng golf thế giới trong hai năm qua đã có những bước dịch chuyển mạnh mẽ khi những golfer trẻ như Rory McIlroy hay Jordan Speith đang nắm giữ các vị trí đế vương thay cho những tên tuổi lớn quen thuộc, anh cảm nhận gì về điều này? Bản thân anh có nhìn thấy những tài năng trẻ nào nổi bật trong quá trình dạy và đào tạo các em không?

- Tôi thấy đây là một quy luật tất yếu của cuộc sống, đặc biệt là trong thể thao đỉnh cao. Những cái tên gạo cội rồi cũng sẽ qua thời kỳ hoàng kim và nhường chỗ đứng cho lớp trẻ - những người có nhiều năng lượng cũng như được đào tạo tốt hơn. Hiện nay, ngành đào tạo golf của thế giới đã phát triển vượt bậc với sự hỗ trợ của rất nhiều thiết bị tiên tiến, thậm chí đo được cả sức mạnh riêng của từng phần trong cơ thể. Thành tích trong thể thao luôn phát triển theo thời gian là vì thế.

Tại Việt Nam, theo cảm nhận của tôi thì việc đào tạo golf cho lớp trẻ vẫn chưa có sự đầu tư bài bản, đa phần ở phạm vi cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, cũng khó dự đoán trước, vì môn golf rất đặc biệt, cần nhiều thời gian, thậm chí cả 10 năm miệt mài và khổ luyện mới có thể hình thành một nhân tài. Tôi vẫn hy vọng vào những tài năng trẻ của Việt Nam, chẳng hạn như golfer chuyên nghiệp Trần Lê Duy Nhất đã từng làm được.

Anh Châu chụp cùng các học viên và cũng là những người bạn của mình.

* Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm vui của mình khi dạy golf?

- Có một học viên đã tìm đến với tôi trong tình trạng gần như bế tắc khi thực hiện kỹ thuật, thậm chí nản chí vì trong vòng nửa năm không thể làm chủ được các động tác của mình. Nhưng sau khi được tôi hướng dẫn 20 phút, anh ta đã thực hiện được động tác này và hét to lên sung sướng, khiến cả sân tập golf hôm đó phải hướng mắt nhìn. Đó là khoảnh khắc rất vui và ý nghĩa đối với một người làm công việc huấn luyện như tôi.

* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị!

PV | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục