Hai cho Djokovic, và kỷ lục mới cho Federer?

18:56 Thứ ba 03/01/2012

Ngôi vị số 1 ATP sẽ vẫn thuộc về Djokovic nhưng anh khó lòng tái lập cú ăn ba và có thể anh sẽ sụp đổ ở nửa cuối mùa giải 2012. Trong khi Federer có thể có danh hiệu Grand Slam thứ 17.

Federer và cơ hội ở US Open

Có thể Federer sẽ khởi đầu một năm được xác định là cơ hội cuối cùng để anh vô địch thêm một Grand Slam nữa trước khi quá già bằng một thất bại ở Australian Open. Mặt sân cứng Plexicushion, bóng nảy chậm hơn các sân cứng khác, không phải là đất diễn lý tưởng với một người đang già như anh, dù cho lần gần nhất anh vô địch Grand Slam lại chính là ở đó (2010). Một khi Djokovic và Nadal chơi đúng phong độ, thậm chí cả Tsonga hay Berdych chơi xuất thần, Federer chưa chắc đã vào tới bán kết.

Lịch thi đấu Federer năm 2012

Cơ hội của Federer cũng không cao ở Roland Garros và Wimbledon. Mặt sân cỏ ở London đã chậm đi so với trước và có một thực tế hiển hiện là khi vào tới tứ kết trở đi là mặt sân trung tâm ở đó còn chậm hơn cả đất nện vì cỏ bị gót giày các tay vợt xéo trụi.

Nếu lịch sử là một cỗ xe có bánh và cả "số lùi", hay sự trùng lặp vẫn mang màu sắc huyền bí, thì câu chuyện năm 2002 của Sampras có thể được viết lại bởi Federer: sau quãng thời gian chờ đợi dài dằng dặc, anh sẽ vô địch ở US Open, nhờ mặt sân quen thuộc lẫn khả năng các đối thủ gặp vấn đề, và đó có thể là danh hiệu lớn cuối cùng của sự nghiệp lẫy lừng của một huyền thoại.

Nadal chờ mùa đất nện

Nadal đã đi nước cờ đầu tiên cho năm 2012 ngay từ khi lịch của năm 2011 vẫn còn trên tường: "Tôi bị chấn thương vai từ tháng 11/2011, và tôi sẽ nghỉ ngơi ngay sau khi Australian Open 2012 kết thúc". Có thể tin rằng tuyên bố đó chỉ một phần nhỏ từ chuyện chấn thương (hãy nhớ là anh vẫn còn đánh rầm rầm ở chung kết Davis Cup), mà lý do chính là anh muốn mình chỉ là cửa dưới (với thông tin bất lợi), để giảm sức ép.

Nước cờ thứ hai mà Nadal đã đi, đó là tránh gặp Djokovic từ quá sớm. Hãy tin là Nadal đã chủ thua David Ferrer ở giải biểu diễn Abu Dhabi mới đây, để không phải vào chung kết với tay vợt người Serbia. Sau khi tránh đuợc rồi, Nadal đã đè bẹp Federer ở trận tranh hạng ba.

Nadal cao cờ? Có vẻ là thế. Nếu tự nâng cao "thành tích" thua thêm trận chung kết thứ bảy liên tiếp trước một đối thủ rõ ràng không phải là một tiền đề tốt. Nhưng như thế, Nadal không che giấu nổi một điều rằng anh vẫn còn bị ám ảnh bởi những thất bại trước Djokovic. Một khi Nadal chưa thể lấy lại được sự tự tin trong hoàn cảnh anh lối chơi đã bị hóa giải, thì anh lại phải chờ tới mùa đất nện để có thể tìm lại niềm vui chiến thắng.

Djokovic sẽ không sụp đổ sớm

Có quá nhiều mục tiêu, kỳ vọng đặt ra cho Djokovic trong năm 2012: Bảo vệ ngôi số 1 và tiếp tục nâng cao số lần vô địch Grand Slam (hiện là bốn). Ước tính, Djokovic phải vô địch ít nhất hai Grand Slam, vào tới tứ kết hai giải còn lại, bảo vệ thành công 3/5 chức vô địch Masters 1000, anh mới không mất ngôi Vua.

Djokovic sẽ còn thành công hơn nữa?

Tay vợt người Serbia đã có một cơ hội tốt để chuẩn bị cho mùa giải 2012, dài hơi hơn so với năm 2011, và nhiều ngày hơn so với Nadal hay Federer, do Serbia không có mặt ở CK Davis Cup và anh bị loại sớm ATP World Tour Finals. Đó là lợi thế để anh sung sức trong những giải đầu năm, trong đó có Australian Open.

Nhưng những nỗ lực liên tục (buộc phải thế) sẽ dẫn tới một nguy cơ, là sẽ sụp đổ vì quá tải, chấn thương ở thời điểm nào đó, dù cho Djokovic rất chủ động điều tiết lịch tham dự giải. Đó là còn chưa kể tới những ngáng trở bởi các hoạt động quảng cáo cũng tăng lên trong năm 2012.

Nếu chỉ sụp đổ sau Wimbledon, Djokovic sẽ bảo vệ được ngôi vị số 1 thế giới, vì khoảng cách điểm vẫn còn quá lớn, khoảng 4100 điểm so với Nadal, trong khi Nadal năm ngoái cũng đã vô địch 3 giải và đã vào tới 7 trận chung kết khác.

Những thách thức truyền thống

Murray vừa thuê HLV mới là Ivan Lendl, một huyền thoại, một hình mẫu của thứ tennis khổ luyện thành tài, một trong những người mở ra thành công cho lối đánh cuối sân. Nếu có gạt sang một bên những băn khoăn rằng Lendl còn thiếu kinh nghiệm huấn luyện, thì vẫn phải hỏi tại sao Murray lại bắt đầu một sự thay đổi chỉ chưa đầy ba tuần tính cho tới ngày khai mạc giải Grand Slam mà anh đã vào tới chung kết năm ngoái? Là gì nếu không phải là "bệnh" của một tay vợt có vấn đề về tâm lý, thiếu khả năng hoạch định và thiếu quyết đoán. Thật tiếc, đó lại là những phẩm chất mà một nhà vô địch lớn cần có.

Trong số những tay vợt ngoài top 4, Ferrer đã cho thấy anh có thể vào sâu ở những giải lớn với thứ tennis ổn định. Thế nhưng sự xuất sắc và bùng nổ là những thứ anh chưa có để tạo ra những đột biến thực sự. Tsonga chưa rũ bỏ được hết sự hoang dã của một tay vợt da màu, dù cho anh chín chắn, đáng tin hơn hẳn so với Monfils. Soderling chưa có dấu hiệu hồi phục hoàn toàn sau chấn thương. Thế nên, trông đợi ở Del Potro nhiều hơn cả với kinh nghiệm, tài năng và sự bình phục từ chấn thương cổ tay của anh.

Những tay vợt trẻ đáng xem

Có những tay vợt chỉ đáng xem khi họ chơi trên sân nhà, như Tomic ở Australian Open, Young và Harrison ở US Open, hay nhiều người từng thích thú với cách đánh thông minh và cú giao bóng "ăn cắp" của Dolgopolov nhưng thiếu vũ khí thực sự. Xem ra, sự trở lại sau chấn thương của Milos Raonic lại đáng chờ hơn tất cả.

Tay vợt trẻ người Canada có một nền tảng khá vững, với cú giao bóng hàng đầu, và groundstrokes (cú đánh cuối sân), kèm theo đó là khả năng lên lưới. Điều cần phải là với Raonic là thích ứng với lịch thi đấu và cần lựa chọn thời điểm để bung sức một khi cải thiện được thứ hạng (hiện là 31 ATP).

Nếu ai đó muốn khám phá những tay vợt trẻ thực sự, vừa xuất hiện ở ATP Tour, có thể là cả Grand Slam, những cái tên sau có thể cần được ghi lại, như Dominique Thiem (sinh năm 1993, người Áo), là số 1 trẻ TG nhiều năm. Tiếp đến là Cedrik-Marcel Stebe, 21 tuổi người Đức, vừa mới lọt vào top 100 ATP. Và có thể là Vasek Pospisil, một người Canada khác, 21 tuổi, mới cải thiện khoảng 200 bậc trên bảng xếp hạng năm 2011 để tiến lên vị trí 124 ATP.

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục