Hà Nội tổ chức đua xe F1: Bài học từ Singapore và Malaysia

12:07 Thứ sáu 12/10/2018

Thành công của chặng đua xe thể thức (F1) Singapore và cuộc chia tay sớm của chặng Malaysia là bài học cho Việt Nam khi Hà Nội nhận đăng cai một chặng trong mùa đua xe 2020

Năm 2008, Singapore lần đầu được trao quyền đăng cai một chặng đua trong hệ thống thi đấu F1 thường niên của Liên đoàn Ôtô quốc tế (FIA). Chặng đua ở quốc đảo sư tử được người hâm mộ đặc biệt lưu ý khi đây là một trong hai chặng đua đêm hiếm hoi (sau này có thêm Abu Dhabi tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) - và một trong hai chặng đua trong lòng một thành phố (chặng kia là Monte Carlo - Monaco). Các tay đua ngôi sao được tranh tài trên lộ trình chính thức dọc theo các đường phố rực sáng ánh đèn đêm ở trung tâm Singapore, nằm trên bờ vịnh nổi tiếng Marina.

Sự háo hức kèm chút tò mò đã đưa 300.000 du khách đến chứng kiến chặng đua đêm Singapore F1 2008, mang lại cho BTC 150 triệu USD. Đây là mức doanh thu đáng mơ ước so với chi phí phải bỏ ra ban đầu lên đến 110 triệu USD. Lượng du khách đổ đến Singapore sau đó vào dịp trung tuần tháng 9 hằng năm ổn định ở con số 180.000 - 200.000 người. Với mức tăng khoảng 3,5%/năm trong hơn một thập niên, Singapore F1 2018 đã đón đến 263.000 khán giả có mặt suốt 3 ngày của sự kiện thể thao độc nhất vô nhị khu vực Đông Nam Á.

Singapore F1 2018 vừa khép lại hôm 16-9, mùa giải 2019 đã lập tức được "phủ sóng". Trang web chính thức Stubhub.sg ngày 10-10 cho biết lượng vé dành cho du khách Việt Nam đến xem Singapore F1 2019 trọn gói 3 ngày với giá 686,94 USD (khoảng 11,6 triệu đồng) hiện chỉ còn… 80 vé. Số lượng vé 2 ngày xem thi đấu vòng loại (xác định vị trí xuất phát) và thi đấu chính thức giá 667,48 USD (khoảng 11,3 triệu đồng) cũng chỉ còn đúng 82 vé…

f1

 Nhà vô địch Lewis Hamilton dẫn đầu tại chặng đua F1 Singapore Grand Prix diễn ra vào giữa tháng 9-2018 Ảnh: REUTERS

Singapore F1 không chỉ dành riêng cho người hâm mộ thể thao. Ở cuộc đua 2018, mọi khán giả đã được thưởng thức màn trình diễn của ca sĩ Đài Loan Jay Chou (Châu Kiệt Luân), các ca sĩ Anh quốc Liam Gallagher và Dua Lipa, ban nhạc rock Mỹ The Killers, D.J người Hà Lan Martin Garrix và ban nhạc nước Anh Simply Red…

Thành công ngoài mong đợi với một trong những sự kiện thể thao hàng đầu thế giới này, Singapore hào hứng gia hạn hợp đồng với Ban Tổ chức F1 để duy trì chặng đua đêm cực kỳ hấp dẫn và thú vị tại quốc đảo sư tử đến tận năm 2021. Được biết, Singapore GP đạt tổng doanh thu lên đến 1 tỉ USD trong 1 thập niên qua trong khi chi phí tổ chức hằng năm giảm xuống chỉ còn khoảng 100 triệu USD. Lượng khán giả xem chặng đua F1 Singapore có đến 40%-50% là du khách nước ngoài, theo thống kê của Tổng cục Du lịch nước này.

Trong khi đó, láng giềng Malaysia lại ngậm ngùi chấm dứt hợp đồng tổ chức F1 vào tháng 10-2017, tức sớm một năm so với thỏa thuận ký kết ban đầu với FIA. Từ năm 1999, Malaysia là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á "bén duyên" với đua xe F1 khi nhận lời đăng cai một chặng trong hệ thống thi đấu thường niên của bộ môn thể thao thượng lưu này tại TP Sepang.

Ngay từ tháng 4-2017, chính phủ Malaysia đã thông báo không tiếp tục hỗ trợ tài chính cho việc tổ chức Malaysia F1 và khi mất đi nguồn lực duy nhất này, cuộc đua hằng năm tại Sepang với tổng chi phí 50 triệu USD coi như cũng phải đình lại vô thời hạn. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin thời điểm đó cho rằng cuộc "chia tay" có thể tạm thời mà cũng nhiều khả năng sẽ là vĩnh viễn. "Khi chúng tôi được trao quyền đăng cai vào năm 1999, cả châu Á lúc đó mới chỉ có Nhật Bản là nơi đầu tiên tổ chức. Giờ thì các điểm đăng cai ở châu Á quá nhiều, chi phí ngày càng tốn kém, trong khi phần thu về quá khiêm tốn. Đành phải bỏ thôi!".

Thống kê cho thấy chỉ có 46.944 khán giả đến trường đua Sepang năm 2016, kém gần phân nửa so với năm 2013 với lượng người xem đạt con số 88.450. Thậm chí, phòng vé trường đua Sepang đã phải treo bảng "giảm giá 82%" mà vẫn ế nặng ở lần tổ chức sau cùng 10-2017.

Nguyên nhân không khó được chỉ ra khi thành công và thất bại được nhìn thấy rất rõ ở hai quốc gia này. Singapore thực sự năng động và là "bậc thầy" trong việc tổ chức các sự kiện, không chỉ ở Singapore F1 mà còn ở giải quần vợt nữ WTA Finals kể từ năm 2014. Xem thi đấu thể thao chỉ là một cái cớ, lôi kéo du khách đến với những khu phố mua sắm nhộn nhịp hàng đầu châu Á, thưởng thức các sự kiện văn hóa nghệ thuật đẳng cấp kèm theo cũng như tìm kiếm cơ hội nghỉ ngơi, giải trí cho cả gia đình du khách là tất cả những gì Singapore đang nỗ lực hướng tới… 

Cần nghiên cứu kỹ

Dự kiến, BTC sẽ công bố lộ trình và kế hoạch chặng F1 Việt Nam trong tháng 11 tới với cung đường đua tại quận Nam Từ Liêm, lấy khu vực quảng trường sân vận động Mỹ Đình (đường Lê Đức Thọ) làm mốc chính, đường đua dài khoảng hơn 6 km.

Về kế hoạch đăng cai tổ chức đua xe F1 của Hà Nội, theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, người dân tất nhiên có nhiều người thích và ủng hộ đề án này nhưng có thể nhiều người khác sẽ muốn cần đầu tư những điều thiết thực hơn. Mặc dù nguồn vốn đầu tư không từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải điều tra, khảo sát cụ thể, đứng trên góc độ cộng đồng rồi quyết định.

Còn nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ nhận định: "Nhu cầu về thể thao đẳng cấp cao đang được người dân đòi hỏi. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, phải xem xét rằng tổ chức lĩnh vực đua xe F1 có cần thiết, cấp bách và là thế mạnh của nước ta hay không. Trong việc phát triển TDTT còn tạo lập môi trường để hấp dẫn đầu tư, du lịch... nên phải xem xét tổng thể ở các góc độ. Trường hợp đã nghiên cứu kỹ mà thấy cần thiết, cấp bách thì bằng nguồn xã hội hóa để thực hiện là phù hợp. Dù vậy, vẫn phải ưu tiên những lĩnh vực có lợi ích thiết thực, mang lợi ích cao cho xã hội. Khi thực hiện phải tính đến độ rủi ro để lường trước".

                                                                                                                                                   H.Thanh

Đông Linh | 06:30 12/10/2018
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục