Hà Lan - Lò đào tạo trung phong cự phách

22:43 Thứ hai 02/04/2012

Bóng đá Hà Lan không bao giờ thiếu những tiền đạo đẳng cấp thế giới. Đấy chính là sự ghen tỵ của cả châu Âu bởi ngay cả những nền bóng đá lớn nhất lục địa già như Đức, Italia, Pháp, Đức, Tây Ban Nha… không phải lúc nào cũng sở hữu những tay săn bàn thượng thừa. Và có một điều bí mật là, chính đặc thù đất nước đã tác động lớn đến chiến thuật thi đấu của bóng đá Hà Lan, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tiền đạo.

Bóng đá Hà Lan thường chuộng các tiền đạo cánh như Overmars...

Đất lành, tiền đạo nở

Một thời, hễ nói đến bóng đá Hà Lan là phải nói đến sơ đồ chiến thuật 4-3-3, dù đấy là Ajax Amsterdam hay ĐT Hà Lan. Bây giờ, thế giới chủ yếu chơi 4-2-3-1, và Hà Lan không thể là một ngoại lệ trong thời kỳ toàn cầu hóa. Dù sao đi nữa, sơ đồ 4-2-3-1 cũng khá gần gũi với 4-3-3. Vả lại, tuy đã chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1 (cột mốc đáng kể nhất là EURO 2008, dưới sự huấn luyện của HLV Marco van Basten), nhưng đội tuyển Hà Lan vẫn có thể trở lại với sơ đồ “ruột” 4-3-3 bất cứ lúc nào.

... hoặc có lối chơi nghệ sỹ như Bergkamp...

Về mặt nguyên lý, 4-3-3 là sơ đồ… phóng khoáng nhất. Đội hình được trải ra rộng nhất và diện tích sân được tận dụng tốt nhất. Cự ly giữa các vị trí trong đội hình cũng tăng đến mức tối đa, làm mỗi cá nhân có thêm chút không gian để thi thố tài nghệ. Chúng tôi từng phân tích kỹ đặc điểm khan hiếm đất đai suốt bao đời nay ở đất nước thấp hơn mực nước biển, khiến người Hà Lan luôn ám ảnh với việc làm sao tận dụng triệt để diện tích có được, trong mọi lĩnh vực. Đấy cũng chính là nguyên nhân khiến người Hà Lan thích chơi 4-3-3 và có nhiều tiền đạo cánh xuất sắc.

Tiền đạo cánh là các vai trò vô cùng quan trọng trong sơ đồ 4-3-3, đôi khi quan trọng hơn cả trung phong cắm (do vị trí này đã bị đối phương đặc biệt phong tỏa). Có cầu tất sẽ có cung. Cách chơi 4-3-3 phổ biến làm cho bóng đá Hà Lan liên tục sản sinh tiền đạo cánh giỏi. Marc Overmars, Boudewijn Zenden, Arjen Robben… liên tục xuất hiện. Quy luật này cũng giải thích hiện tượng trái ngược hoàn toàn trên sân cỏ Anh: quê hương bóng đá coi như không có tiền đạo cánh bởi người Anh chơi 4-4-2 (sơ đồ không có tiền đạo cánh) suốt hàng chục năm.

...chứ không có chỗ cho các tiền đạo thích chớp cơ hội như Wolfswinkel

Ngay cả các trung phong nổi tiếng của Hà Lan cũng thành công nhờ họ giỏi cả khả năng đá cánh, với tuyệt chiêu di chuyển từ trung lộ chếch ra cánh để nhận bóng, hoặc cầm bóng đột phá từ ngoài vào trong và ghi bàn. Các tiền đạo cánh Hà Lan đáng được cả thế giới khâm phục là ở khả năng xử lý bóng điêu luyện, dễ dàng, chứ họ không chơi theo kiểu tạt bóng đơn điệu.

Có 3 pha bóng kinh điển trong lịch sử EURO và World Cup, đều liên quan đến sở trường đá cánh tuyệt vời của các tiền đạo Hà Lan. Một là cú ghi bàn của Van Basten trong trận chung kết EURO 1988. Anh nhận đường chuyền khoảng 60m của Arnold Muhren rồi tung cú sút trong hoàn cảnh không ai nghĩ rằng anh có thể sút bóng về phía khung thành. Tương tự như thế là đường chuyền khoảng 60m của Ruud Krol cho Rob Rensenbrink dứt điểm, suýt thành bàn, ở trận chung kết World Cup 1978. Cuối cùng là đường chuyền 60m của Frank de Boer để Dennis Bergkamp ghi bàn vào lưới Argentina trong trận tứ kết World Cup 1998. Điều kỳ diệu trong bàn thắng này là không ai tưởng tượng được khả năng bật nhảy rồi đưa cao chân khống chế đường chuyền bổng (dễ như người ta thực hiện bằng tay) của Bergkamp.

Nhưng điều quan trọng là cả Rensenbrink, Van Basten, Bergkamp đều di chuyển chếch sang một bên để nhận đường chuyền chéo sân của đồng đội. Họ trở thành tiền đạo cánh thực thụ trong những pha bóng lịch sử ấy. Và họ đều thực hiện được cú dứt điểm ngoạn mục trong hoàn cảnh người xem không thể tin vào khả năng dứt điểm, thậm chí không hề nghĩ đến giải pháp dứt điểm. Bóng đá Hà Lan như vậy, thì con người của bóng đá Hà Lan cũng như vậy!

Nhưng không cần "công nhân" ghi bàn

Có một tiền đạo Hà Lan đang làm giới bóng đá Anh đặc biệt chú ý. Đó là Ricky van Wolfswinkel, chân sút của Sporting Lisbon, đang được Chelsea và M.U tranh nhau mời mọc. Vừa gia nhập Sporting trong mùa này, Van Wolfswinkel đã nổi đình nổi đám: ghi bàn và chuyền thành bàn đều đặn. Vẫn như mọi khi, các tuyển trạch viên ở Premiership lập tức mổ xẻ lối chơi của cầu thủ đang lên này và về giá mua đứt hợp đồng của Van Wolfswinkel. Đấy là ngôi sao mới nhất của bóng đá Hà Lan trước thềm EURO 2012? Không hề. Van Wolfswinkel đành phải tháo chạy khỏi sân cỏ Hà Lan dù anh đã bùng nổ với cú hat-trick cho Utrecht ở vòng loại Europa League hồi năm 2010.

Giống như huyền thoại Gerd Mueller của Đức ngày xưa, Van Wolfswinkel thuộc mẫu tiền đạo có thể thầm lặng suốt 89 phút, làm như không hề hiện diện trên sân. Thế rồi, anh ta bất ngờ xuất hiện, như từ dưới đất mọc lên trong khu cấm địa, để chớp lấy cơ hội và ghi bàn ngay khi có dịp. Cứ như Van Wolfswinkel không cần biết đồng đội của anh đã làm những gì suốt 89 phút trước đó. Anh chẳng bao giờ tham gia vào khâu kiến tạo cơ hội, không hề cầm bóng đột phá, cũng hiếm khi phối hợp nhóm. Mẫu tiền đạo như thế không bao giờ được hoan nghênh trên sân cỏ Hà Lan.

Hà Lan cũng từng có một trung phong siêu hạng, tên là Ruud Geels, 5 lần đoạt chức Vua phá lưới tại giải Eredivisie. Nhưng có 2 điều làm cho 123 bàn thắng trong 132 lần khoác áo Ajax Amsterdam của Geels gần như tan biến trong ký ức người hâm mộ. Thứ nhất, bóng đá Hà Lan nhìn chung đã thoái trào trong nửa cuối thập niên 1970 và nửa đầu thập niên 1980. Thứ hai, quan trọng hơn: giới bóng đá Hà Lan không quá xem trọng số lượng bàn thắng. Tiền đạo mà chỉ biết ghi bàn thì… vứt! Báo chí bên ngoài Hà Lan mà không bình luận, đất nước của Johan Cruyff sẽ chẳng bao giờ kết nối thất bại cay đắng của đội tuyển Hà Lan trong trận chung kết World Cup 1974 với việc họ không dùng Geels, thậm chí không cho anh một cơ hội trên ghế dự bị!

Tương tự là trường hợp của Roy Makaay hoặc Jimmy Floyd Hasselbaink cách đây vài năm. Hasselbaink thậm chí không được chơi bóng tại giải Eredivisie của Hà Lan. Tại Leeds, anh bị một BLV ở Hà Lan cho là “ăn may”, sau pha ghi bàn bằng cách đưa bóng qua giữa 2 chân đối phương - cách ghi bàn luôn được tôn sùng ở Premiership. Makaay thì phải rời khỏi CLB Vitesse bằng cửa sau, dù ghi được 42 bàn thắng trong 100 trận. Và dù sau đó đã vươn lên thành vua phá lưới tại Champions League, Bundesliga, La Liga, Makaay vẫn hiếm khi có chỗ trong ĐT Hà Lan. Anh thường chỉ được ra sân mỗi khi Oranje đã cùng đường, thay người như một sự vùng vẫy trong tuyệt vọng.

Ở Hà Lan, tiền đạo phải biết cách để lại những dấu ấn sâu đậm bên cạnh số bàn thắng cao. Các chân sút nếu không dũng mãnh như Ruud Gullit, hoặc không thanh thoát như Bergkamp, Van Basten, thì trước sau gì cũng phải tìm đường ra nước ngoài. Các CLB hàng đầu Eredivisie thà chọn cầu thủ nước ngoài như Ronaldo, Romario, Jari Litmanen, Luc Nilis, Luis Suarez hoặc Mateja Kezman, chứ không chuộng các chuyên gia tận dụng cơ hội. Cho dù huyền thoại Gerd Mueller tái sinh và muốn sang Hà Lan chơi bóng, ông cũng không được hoan nghênh tại Eredivisie!

Kinh Thi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục