Góc nhìn: Vấn đề cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch, lợi hay hại cho bóng đá Việt Nam

23:56 Thứ năm 08/08/2019

TinTheThao.com.vnMùa bóng 2000/2001 chính là mùa giải được xem là bước ngoặt của bóng đá Việt Nam. Cùng với việc chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp đồng thời cho phép các cầu thủ nước ngoài tham gia giải đấu, các cầu thủ Việt Nam nói riêng và nền bóng đá nước nhà nói chung đứng trước cơ hội để chuyển mình. Sự có mặt của họ cũng đã giúp chất lượng giải đấu được nâng lên rõ rệt, việc phải đối diện thường xuyên với các cầu thủ có thể hình cao lớn, sức khỏe vượt trội chính là dịp không thể tốt hơn để các cầu thủ nội nỗ lực rèn luyện, hoàn thiện bản thân.

Mặc dù chỉ có một số ít trong rất nhiều các ngoại binh có chuyên môn tốt, thế nhưng xuất phát từ sự chênh lệch về thể hình và sức khỏe cùng với việc rất nhiều câu lạc bộ Việt Nam lựa chọn cho mình lối đá bóng dài, thiên về thể lực đã giúp những cầu thủ này có đất diễn.

Trong những mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, Ban Tổ chức chỉ cho phép một con số khiêm tốn các ngoại binh tham gia thi đấu trong từng trận, thế nhưng con số đó đã thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, bước sang mùa bóng 2007/2008, lần đầu tiên V-League chứng kiến sự hiện diện của cầu thủ nhập tịch bên cạnh các ngoại binh, đó là trường hợp của thủ thành Gạch Đồng Tâm – Long An, Fabio Dos Santos (Phan Văn Santos) được chính thức nhập quốc tịch Việt Nam vào ngày 25/12/2007.

 - Bóng Đá

Bóng đá Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng cầu thủ ngoại.

Gần 12 năm trôi qua kể từ thời điểm đó, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự, có thể kể đến một vài cái tên như Hoàng Vũ Samson (Samson Kayode Olaleye, Nigieria), Đinh Hoàng La (Mykola Oleksandrovych Lytovka, Ukraina), Đinh Hoàng Max (Maxwell Eyerakpo, Nigieria), Huỳnh Kesley Alves (Kesley Alves, Brazil), Đỗ Melo (Sebastián Gastón Merlo, Argentina)… Tại V-League 2019, các đội bóng tham dự sẽ được đăng ký đến 03 cầu thủ ngoại và 01 cầu thủ nhập tịch.

Việc tăng dần quy định về số lượng cầu thủ ngoại (bao gồm cả cầu thủ ngoại chưa và đã nhập tịch) được đăng ký đã khiến nhiều người nghi ngại về khả năng gây tác hại đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam, nhưng thật sự có phải như vậy, bởi bên cạnh những mặt hại thì sự có mặt của các cầu thủ ngoại cũng đem lại những lợi ích nhất định cho bóng đá nước nhà?

Trước khi đi vào phân tích những mặt có hại từ việc sử dụng quá nhiều cầu thủ ngoại, chúng ta hãy xem qua lời phát biểu gần đây của đích thân huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, Park Hang-seo, vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã lên tiếng phàn nàn về thực trạng đang diễn ra tại V-League khi đại đa số các đội bóng tham dự giải đấu đều ưu tiên sử dụng các tiền đạo ngoại quốc, điều này đã làm hạn chế sự phát triển của các tiền đạo nội, qua đó trực tiếp gây ra sự khó khăn cho việc tìm kiếm, tuyển chọn nhân sự cho đội tuyển quốc gia.

Về cơ bản những lý lẽ mà chiến lược gia người Hàn Quốc đưa ra là hoàn toàn có cơ sở bởi trong hành trình lên ngôi tại AFF cup 2018, đạt hạng nhì tại King’s cup 2019, hạng tư tại Asiad 2018 cùng đội tuyển U23 + 3, vòng loại Asian cup 2019, tiền đạo lão tướng Nguyễn Anh Đức đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ làm tường, thu hút hậu vệ đối phương để tạo khoảng trống cho đồng đội, đội trưởng của Becamex Bình Dương còn là người trực tiếp mang về những bàn thắng hết sức quý giá, tiêu biểu là bàn thắng vào lưới Malaysia trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018.

Nhiều người đã tự hỏi vì sao trong thành phần đội tuyển quốc gia cũng như U23 + 3 được triệu tập trong thời gian gần đây, hầu như chúng ta đều không nhận thấy sự xuất hiện của những nhân tố mới trên hàng tiền đạo, bên cạnh đó việc huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn cố ưu tên sử dụng Nguyễn Anh Đức, một lão tướng đã ngoài 30 tuổi thay vì những cầu thủ trẻ như Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh… cũng khiến nhiều người phải thắc mắc.

 - Bóng Đá

Sự góp mặt của những cầu thủ ngoại như Hoàng Vũ Samson khiến cơ hội ra sân của các cầu thủ nội bị hạn chế đi rất nhiều.

Câu trả lời rất đơn giản bởi nguyên nhân xuất phát từ lối chơi đặc trưng đang được rất nhiều các đội bóng sử dụng ở V-League. Rõ ràng làn sóng đổ bộ của các cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch đã khiến V-League đang dần trở thành miền đất dữ đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, bởi bên cạnh những mặt hại thì sự có mặt của những cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch cũng đem lại những lợi ích không hề nhỏ cho nền bóng đá nước nhà. Để làm rõ điều này chúng ta hãy quay trở lại với thời kỳ của những năm trước thời điểm bóng đá Việt Nam bước sang chuyên nghiệp. Thời điểm đó, giải bóng đá vô địch quốc gia không có sự hiện diện của những cầu thủ ngoại, chính vì thế đây là cơ hội không thể tốt hơn để các cầu thủ nội rèn luyện và phát triển mình. Việc được thi đấu thường xuyên đã trực tiếp giúp bóng đá Việt Nam sản sinh ra hàng loạt cầu thủ xuất sắc, qua đó trở thành nguồn cung cấp dồi dào nhân lực cho đội tuyển quốc gia. Ở hàng tiền đạo là những cái tên như Lê Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng, Trần Minh Chiến, Huỳnh Quốc Cường…; hàng hậu vệ cũng không hề kém cạnh với sự hiện diện của Đỗ Khải, Trần Công Minh, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Đức Thắng…Thế nhưng trong quãng thời gian này, đội tuyển Việt Nam chỉ được đánh giá là một trong những đội tuyển mạnh tại Đông Nam Á, mà không giành được bất cứ danh hiệu nào. Ở cấp câu lạc bộ, tình trạng cũng diễn ra tương tự.

 - Bóng Đá

Nhưng đó là cơ hội và động lực không thể tuyệt vời hơn để các cầu thủ nội như Nguyễn Quang Hải phấn đấu, phát triển.

Thế nhưng có vẻ mọi chuyện đã thay đổi kể từ sau khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp, tức là cho phép cầu thủ nước ngoài được thi đấu tại V-League. Không so sánh, đánh giá về trình độ của các thế hệ cầu thủ, cái mà chúng ta đề cập đến ở đây chính là những hiệu ứng và kết quả mà chúng ta đã giành được. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, chúng ta đã hai lần đứng trên đỉnh cao nhất của bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup 2008 và 2018), không những vậy dưới thời của chiến lược gia Park Hang-seo, chúng ta không tỏ ra bị lép vế, thậm chí có nhiều thời điểm vượt trội khi đối đầu với những đối thủ kỵ giơ trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Sự hoàn thiện về lối chơi, bản lĩnh đã giúp chúng ta khẳng định đẳng cấp ở sân chơi Đông Nam Á. Không chỉ dừng lại ở đó, các cấp độ đội tuyển Việt Nam còn gây tiếng vang lớn khi tham dự các giải đấu cấp châu lục, đó là thành tích đạt hạng tư U19 Châu Á 2016 và giành vé tham dự U20 thế giới 2017; hạng nhì U23 Châu Á 2018; hạng tư Asiad 2018 và tứ kết Asian cup 2019. Ở cấp độ câu lạc bộ, đó là thành tích vào đến bán kết của câu lạc bộ Bình Dương tại AFC cup 2009, đặc biệt là trận chung kết nội bộ Việt Nam giữa chính Becamex Bình Dương và Hà Nội tại AFC cup 2019.

Số lượng các cầu thủ Việt Nam được thi đấu thường xuyên tại V-League ít đi nhưng thành tích tại cấp câu lạc bộ và các cấp độ đội tuyển quốc gia lại có sự thay đổi theo xu hướng đi lên, rõ ràng việc các cầu thủ nước ngoài thi đấu tại V-League chính là động lực để giúp các cầu thủ Việt Nam phát triển, hoàn thiện mình. Hãy nhìn sang những giải đấu hàng đầu Châu Âu nơi tràn ngập các cầu thủ ngoại quốc thi đấu, dẫu vậy những quốc gia này vẫn có cho mình những đội tuyển quốc gia rất mạnh, điều đó cho thấy sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại quốc không những không làm suy yếu nền bóng đá của họ mà nó còn khiến các ngôi sao, các tài năng trẻ của đất nước họ có cơ hội cọ xát, phát triển.

 - Bóng Đá

Hà Nội đối đầu với Bình Dương ở chung kết AFC Cup 2019 khu vực Đông Nam Á.

Nên nhớ trong thời buổi hội nhập hiện nay, bóng đá Việt Nam cũng buộc phải thay đổi để hòa mình và theo kịp với sự phát triển của bóng đá thế giới. Việc hạn chế các cầu thủ ngoại thi đấu sẽ vô hình chung làm cản trở sự đi lên của bóng đá nước nhà. Cũng giống như cuộc chiến của các doanh nghiệp trên thương trường, cuộc chiến giành vị trí chính thức giữa các cầu thủ ngoại và cầu thủ nội sẽ vô cùng khốc liệt, nhưng như một quy luật tất yếu, có cạnh tranh, có đào thải mới có sự phát triển và bóng đá Việt Nam không thể nằm ngoài quy luật đó.

Nhìn những Quang Hải, Văn Đức, Anh Đức, Công Phượng, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu…thể hiện ra sao khi phải đối đầu với những đội bóng có sự nhỉnh hơn về mặt thể hình, thể lực, kỹ thuật, chiến thuật thì chúng ta mới thấy những cái lợi đem lại từ việc cho phép các cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam.            

(Bạn đọc: Đức Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn | 23:20 08/08/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục