Góc nhìn thể thao: Để phát triển võ thuật Ô-lim-pích

16:03 Thứ tư 08/10/2014

ASIAD 17 tại In-chơn (Hàn Quốc) được coi là một kỳ Á vận hội thất bại của thể thao (TT) Việt Nam, nhất là ở các môn võ nằm trong nội dung thi đấu Ô-lim-pích. Ngoại trừ môn quyền anh có bước đột phá mới, tê-cuôn-đô và giu-đô đều không đạt được các chỉ tiêu đề ra.

Trước đây, các bộ môn võ thuật nằm trong hệ thống thi đấu Ô-lim-pích đã giúp TT Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. Vẻ vang nhất là môn tê-cuôn-đô. Nếu tấm huy chương thế vận hội đầu tiên của chúng ta thuộc về võ sĩ tê-cuôn-đô Trần Hiếu Ngân (HCB Ô-lim-pích Sydney 2000) thì các VĐV Trần Quang Hạ (Hi-rô-si-ma 1994) và Hồ Nhất Thống (Băng-cốc 1998) từng xuất sắc vô địch ASIAD. Trong khi đó, giu-đô liên tục là "mỏ vàng" của TT Việt Nam ở đấu trường Đông-Nam Á. Quyền anh dù là bộ môn võ Ô-lim-pích mới được phát triển trở lại nhưng chúng ta đã bắt đầu có được các HCV ở đấu trường SEA Games.

VĐV Văn Ngọc Tú (áo trắng) thất bại tại ASIAD 17.

Vì vậy, người hâm mộ đặt rất nhiều kỳ vọng đối với võ thuật Ô-limpích Việt Nam tại ASIAD 17. Thế nhưng, môn tê-cuôn-đô tiếp tục "trắng vàng" sau 16 năm, khi chỉ có hai HCĐ của Hà Thị Nguyện (hạng 62 kg) và Phạm Thị Thu Hiền (hạng 67 kg). Còn nữ VĐV Lê Huỳnh Châu từng giành HCĐ thế giới năm 2011, tham dự Ô-lim-pích 2012 và đoạt HCV tại SEA Games 2013 thi đấu không thành công và phải dừng chân ở vòng tứ kết hạng 63 kg. Với giu-đô, kết quả thậm chí còn tệ hơn khi lần lượt "nữ hoàng giu-đô ĐôngNam Á" Văn Ngọc Tú từng năm lần vô địch Đông-Nam Á hay võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy đều thua chóng vánh trước các đối thủ ở vòng loại. Vậy, đâu là nguyên nhân của "thất bại kép" tại hai bộ môn võ truyền thống này?

Một thực tế rằng, các bộ môn võ nói chung, tê-cuôn-đô hay giu-đô nói riêng gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Việc thiếu kinh phí tập huấn, thi đấu nước ngoài đã khiến các võ sĩ gặp khó khăn trong việc nâng cao trình độ, cải thiện thành tích. Tại ASIAD năm nay, các nhà quản lý bộ môn tê-cuôn-đô hay giu-đô đã cố gắng khắc phục bằng cách tăng đầu tư để đội tuyển được tập huấn, thi đấu nước ngoài, thuê chuyên gia quốc tế. Thế nhưng chỉ là biện pháp tạm thời, thời gian ngắn chưa đủ để "thầy ngoại" có thể bù đắp kinh nghiệm thiếu hụt suốt một thời gian dài. Chưa nói đến rào cản về văn hóa, cách thức đào tạo cùng cơ chế, môi trường làm việc đã ngăn cản khả năng hòa nhập giữa VĐV và HLV dẫn đến công tác huấn luyện không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đã vậy, chế độ đãi ngộ cho các VĐV đỉnh cao cũng chưa tương xứng. Ngay như VĐV Văn Ngọc Tú cũng phải liên tục chuyển từ Gia Lai về Nam Định do không nhận được sự quan tâm và đãi ngộ xứng đáng. Trong khi đó, vấn đề quan tâm, đào tạo lực lượng VĐV kế cận không tốt dẫn đến việc tê-cuôn-đô hay giu-đô hiện thiếu hụt tài năng nghiêm trọng. Các gương mặt trụ cột đều đã qua thời đỉnh cao, còn những gương mặt trẻ lại quá thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh. Kết quả là khi các VĐV tên tuổi thất bại, cũng chẳng có bất ngờ nào khác có thể giành thành tích cho TT nước nhà.

Điểm sáng duy nhất của võ thuật Việt Nam dự thi Ô-limpích tại ASIAD 17 là bộ môn quyền anh khi với hai HCĐ lịch sử, sau thành công lớn ở SEA Games 27. Sự trở lại mạnh mẽ của quyền anh Việt Nam tại khu vực và châu lục sẽ tạo niềm tin cho giới võ thuật trên đường giành huy chương Ô-limpích. Thế nhưng, nếu không có được sự đầu tư thiết thực và đúng hướng trong thời gian tới thì cả tê-cuôn-đô, giu-đô hay thậm chí là quyền anh sẽ bị tụt hậu với các đối thủ trên trường quốc tế.

Đan Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục