Góc hoài niệm: Ở Việt Nam cũng từng có 1 “King’s Cup”

10:50 Chủ nhật 09/06/2019

TinTheThao.com.vnNhìn cách người Thái tổ chức 1 giải đấu giao hữu có truyền thống kéo dài hơn 50 năm, liệu người Việt Nam có cảm thấy chạnh lòng?

Bỏ lại sau lưng những hình ảnh không đẹp do các cầu thủ và người hâm mộ Thái Lan tạo ra ở King’s Cup 2019, chúng ta chắc hẳn đều cảm thấy ban tổ chức đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình để tiếp tục duy trì 1 giải đấu truyền thống kéo dài hơn 50 năm qua. King’s Cup vẫn chỉ là 1 giải đấu giao hữu nhưng vẫn có sức hút nhờ bề dày lịch sử và đặc biệt là mang đậm nghi thức Hoàng gia Thái Lan. Bạn có thể dễ dàng nhận ra điều này khi nhìn thấy Nhà vua Maha Vajiralongkorn bước ra với sự trang trọng, uy nghiêm; sau đó người dẫn chương trình đã đọc tên các cầu thủ tham dự trận chung kết và Công Phượng, Văn Lâm…lần lượt bước lên, cúi đầu chào người đứng đầu Hoàng gia.  

Góc hoài niệm: Ở Việt Nam cũng từng có 1 “King’s Cup” - Bóng Đá

 King's Cup 2019 đã giúp đội tuyển Việt Nam được tiếp xúc với những nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn.

Ngoài ra, để duy trì độ hấp dẫn, ban tổ chức King’s Cup đã mời những đội tuyển quốc gia hùng mạnh tại châu Á và trên thế giới đến tham dự. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Nhật Bản, Brazil, Thụy Điển, Đan Mạch, Slovakia…từng là khách mời trong những năm trước. Đáp lại tình cảm của nước chủ nhà, họ cũng mang theo binh hùng tướng mạnh, với những cái tên đã đi vào huyền thoại của làng bóng đá thế giới như Cha Bum-kun, Peter Schmeichel, Jasper Olsen, Henrik Larsson, Ronaldinho, Rivaldo, Cafu, Roberto Carlos, Robert Lewandowski, Martin Skrtel…

Nhắc đến điều này, chắc hẳn người Việt Nam sẽ cảm thấy có đôi chút chạnh lòng, bởi chúng ta không thể có được 1 giải đấu giao hữu có sức hút như King’s Cup của người Thái Lan. Chính xác hơn, Việt Nam cũng từng tổ chức 1 giải đấu thường niên, duy trì trong vòng 16 năm và có những khách mời chất lượng nhưng bây giờ đã không còn. Giải đấu ấy mang tên “Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh”.

Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh ra đời năm 1995, do Liên đoàn bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức trên sân vận động Thống Nhất. Trong giai đoạn 1999 – 2005, giải đấu này được công ty điện tử LG tài trợ và do đó có tên là LG Cup. Kể từ năm 2006, Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh mang nhiều tên khác nhau, đính kèm với tên nhà tài trợ như BV Cup, SJC-Eximbank Cup, SJC Cup, Eximbank Cup. Tuy nhiên, người hâm mộ vẫn cảm thấy quen thuộc với cái tên đã từng xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên.

Góc hoài niệm: Ở Việt Nam cũng từng có 1 “King’s Cup” - Bóng Đá

 Trong quá khứ, chúng ta từng có dịp đối đầu với những đội bóng mạnh trên thế giới.

Trong suốt 16 năm (trừ giai đoạn 1996 – 1998 không tổ chức), Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh đã quy tụ nhiều anh tài ở khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên toàn thế giới. Giải đấu này được xem là quá trình chuẩn bị của các đội tuyển Việt Nam cho 2 giải đấu lớn trong khu vực là Sea Games và AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup), vậy nên, tùy theo từng năm mà ban tổ chức lựa chọn đội tuyển quốc gia Việt Nam, U23 Việt Nam hay Olympic Việt Nam làm đội chủ nhà. Các đối thủ khách mời cũng được lựa chọn dựa trên tiêu chí này, có thể kể đến như câu lạc bộ Parramatta Power, Melbourne Knights (Australia), Sri Lanka, Ấn Độ, U23 Bulgaria, U21 Syria, Olympic Cameroon, Olympic Phần Lan, Turkmenistan, Olympic Iran…Lần lượt trong các năm 2001 và 2005, Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là giải đấu chính thức của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Các đại diện của Việt Nam có 3 lần giành được chức vô địch vào các năm 2003, 2005 và 2010.

Đến năm 2012, Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh đã không còn tồn tại vì nhiều lí do khác nhau. Niềm tin của các cổ động viên dành cho nền bóng đá Việt Nam bị giảm sút, sức hút cũng giảm dần, bên cạnh đời sống kinh tế khó khăn dẫn đến chất lượng của giải đấu không còn được như ngày trước và do đó, Liên đoàn bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định ngừng tổ chức.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, sau khi chứng kiến những gì đã diễn ra tại Buriram, người hâm mộ bóng đá Việt Nam chắc hẳn đều đang mong chờ những giải đấu như vậy. Trong suốt gần 1 thập niên qua, mỗi khi chuẩn bị cho những mục tiêu quan trọng như Sea Games, AFF Cup, vòng loại Asian Cup, World Cup,… chúng ta chỉ thường thấy những trận đấu giao hữu đơn lẻ và hiếm khi được tổ chức thành 1 giải đấu như người Thái vẫn đang làm. Cũng chỉ là giai đoạn chuẩn bị nhưng 1 trận đấu và 1 giải đấu có tính chất rất khác nhau, đặc biệt là về động lực. Trước thềm trận chung kết King’s Cup 2019, HLV Park Hang-seo đã có buổi trả lời phỏng vấn trước truyền thông. Trong đó, ông đã đưa ra ý kiến về việc đội tuyển Việt Nam không quan trọng thắng thua ở trận đấu này và phải giữ gìn cho V-League, AFC Cup, vòng loại World Cup..., tránh gặp những chấn thương đáng tiếc. Tuy nhiên, diễn biến trên sân đã phần nào cho thấy điều ngược lại khi Công Phượng và các đồng đội vẫn cố gắng hết sức, dồn ép đối thủ để giành chức vô địch.

Góc hoài niệm: Ở Việt Nam cũng từng có 1 “King’s Cup” - Bóng Đá

 Với hiệu ứng của đội tuyển Việt Nam, liệu Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh có quay trở lại?

Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn là kí ức sau gần 10 năm vắng bóng. Thế nhưng, với sức hút ngày càng lớn của “những chiến binh sao vàng”, liệu rằng Liên đoàn bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh có nên đưa giải đấu này quay trở lại? Hi vọng rằng ngày ấy sẽ đến và người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ được chứng kiến những chàng trai mà họ luôn yêu mến được tranh tài cùng với những tên tuổi hàng đầu của bóng đá thế giới.

Faro | 10:30 09/06/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục