Federer qua những bước thăng trầm

18:11 Thứ tư 11/07/2012

Hai năm rưỡi qua chứng kiến chuỗi ngày thăng trầm từ ngôi số 1 tụt xuống thứ 4 thế giới và hành trình trở lại ngôi Vương của Roger Federer.

Chức vô địch Australia 2010 là đỉnh trước trong chu kỳ tụt dốc rồi trở lại của Federer.

Năm 2010 mở màn với đỉnh vinh quang mở ra cho Federer. Anh thắng Andy Murray trong trận chung kết Australia mở rộng để có danh hiệu Grand Slam thứ 16. Cả thế giới ngả mũ và gọi anh là tay vợt xuất sắc của mọi thời đại, khi anh lập nên kỷ lục vô địch Grand Slam mới. Không chỉ vượt xa con số 14 lần vô địch Grand Slam của Pete Sampras, anh còn hoàn thiện hơn huyền thoại nước Mỹ bởi đã kịp vô địch Pháp mở rộng năm 2009 để hoàn tất đủ bộ sưu tập 4 Grand Slam.

Nhưng cũng từ đây, Federer bước vào giai đoạn bước ngoặt trong sự nghiệp. Trận thua trên sân đất nện ở giải Estonil sau 3 set trắng báo hiệu một kỳ Roland Garros không may mắn. Tháng 6/2010, cả thế giới sững sờ trước thất bại sau 3 set của Federer trước Robin Soderling ở vòng tứ kết. Đây là lần đầu tiên, Federer không lọt vào bán kết một giải Grand Slam trong suốt 6 năm, kể từ giải Roland Garros 2004. Thất bại này khiến anh bị mất ngôi số 1 thế giới về tay Rafael Nadal, đồng thời tạm dừng thời gian ngự trị trên ngôi số 1 của mình ở con số 285 tuần, kém một tuần so với kỷ lục 286 tuần của Pete Sampras.

Chỉ sau đó 1 tháng, Federer tới Wimbledon và tiếp tục kéo dài sự thất vọng bằng trận thua trước Tomas Berdych ở tứ kết và mất luôn vị trí thứ hai thế giới.

Federer thất vọng sau khi thua ở tứ kết Wimbledon 2010.

Đây là thời điểm Djokovic đang lên đến đỉnh cao phong độ. Bước vào Mỹ mở rộng 2010, Federer đã vượt qua được cái dớp tứ kết để đặt chân vào được bán kết sau khi trả món nợ thua ở Pháp mở rộng trước Soderling. Nhưng anh đã thua trước Novak Djokovic sau 5 set đấu ở bán kết. Thành tích ở các giải Masters 1000 của anh cũng thiếu thuyết phục: anh lọt vào bán kết 4 giải và chỉ thắng duy nhất giải Cincinnati Masters.

Giữa tháng 7/2010, anh bắt tay với HLV cũ của Pete Sampras là Paul Annacone để xốc lại phong độ. Cuối năm 2010, chu kỳ đi xuống của Federer tạm ngưng khi anh thắng Nadal ở ATP Masters Finals – giải đấu cuối cùng trong năm giành cho 8 tay vợt hàng đầu thế giới.

Năm 2011 là thời điểm trầm lắng nhất trong sự nghiệp của Federer. Anh khởi đầu năm mới bằng thất bại ở bán kết Australia mở rộng trước Novak Djokovic, mở màn cho một năm trắng, không giành được danh hiệu Grand Slam nào kể từ tháng 7/2003.

Đến giải Pháp mở rộng, anh có trận đấu trả nợ Djokovic ở bán kết khi chấm dứt chuỗi trận bất bại liên tiếp của tay vợt Serbia ở con số 43. Lọt vào chung kết, Roger Federer phải gác vợt trước Rafael Nadal sau 4 set đấu.

Đến Wimbledon, lần thứ hai liên tiếp Federer phải dừng chân ở tứ kết và người đánh bại anh lần này là Jo-Wilfried Tsonga. Đây là trận đấu đầu tiên trong lịch sử tham dự Grand Slam, anh để thua sau khi đã dẫn trước 2 set đầu.

Thời điểm tụt dốc sâu nhất của Federer rơi vào giải Mỹ mở rộng 2011. Anh lại thua Novak Djokovic ở bán kết sau khi phung phí hai điểm match-point ở set thứ 5. Thất bại này đã chính thức khép lại một năm trắng Grand Slam, điều mà Federer chỉ phải chịu vào năm 2002, khi anh vẫn còn là một gương mặt mới của quần vợt thế giới. Sau đó, việc rút lui khỏi giải Shanghai Masters khiến anh lần đầu tiên rơi khỏi Top 3 và tụt xuống thứ 4 thế giới kể từ tháng 6/2003.

Ngay sau đó anh thắng giải Thụy Sĩ trong nhà và Paris Masters. Cuối năm 2011, anh laoij Nadal ở bán kết và thắng Davvid Ferrer tại chung kết ATP World Tour Finals, nhờ đó trở lại được ngôi số 3 thế giới.

Kết thúc chuỗi ngày ảm đạm, đế chế Federer trong làng quần vợt thế giới lại hồi sinh.

Khi chuỗi ngày ảm đạm của Federer khiến cả thế giới nghi ngờ về khả năng trở lại của anh thì mọi chuyện lại tươi sáng. Federer trải qua 6 tháng đầu năm thành công rực rỡ với các danh hiệu vô địch Qatar mở rộng, giải quần vợt Ambro ở Rotterdam, giải quần vợt Dubai, BNP Paribas mở rộng, Madrid Masters và Wimbledon.

Chuỗi thành tích này đã đưa anh vượt qua hai tay vợt đang có thời gian thi đấu ấn tượng là Djokovic và Nadal để trở lại ngôi số 1 thế giới theo đúng phong cách “Tàu tốc hành” – điều mà anh đã gọi là “phép màu”.

Anh Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục