EURO 2012: Tình nguyện viên lưu luyến

10:16 Thứ sáu 22/06/2012

Hôm Ba Lan đá với Czech, trận đấu cuối cùng trong ba trận tại EURO 2012 mà thành phố Wroclaw có vinh dự được đăng cai tổ chức, trên chuyến tàu muộn rời sân vận động, ánh mắt các tình nguyện viên nhìn cánh phóng viên chúng tôi với vẻ đầy lưu luyến.

Chuyến tàu từ sân về trung tâm thành phố khởi hành lúc gần 2h sáng, tức hơn ba tiếng sau trận đấu. Khi đó, chỉ còn lại một ít phóng viên và một số tình nguyện viên, những người phải làm việc muộn ở trung tâm báo chí.

Phóng viên thì còn phải viết bài và xử lý ảnh để kịp truyền về nước, còn tình nguyện viên thì luôn túc trực ở đấy, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai về bất cứ thứ gì trong khả năng có thể. Họ đến từng bàn, phát cho từng phóng viên bảng tổng hợp thông số chi tiết sau trận đấu, hay mang đến cho phóng viên một chai nước uống mới để thay cho cái chai cũ đã hết lúc nào chẳng hay. Tất cả đều niềm nở, nhiệt tình và đầy trách nhiệm.

Hôm đi Lviv ở Ukraina để theo dõi trận Đức - Bồ Đào Nha, khi đưa xe vào bãi, một tình nguyện viên ở đây không đồng ý vì tấm biển xe ưu tiên của tôi chưa được dán mã số của trận đấu. Tôi nói rằng vừa từ Warsaw sang, chưa kịp lấy mã số. Anh dẫn tôi chạy một vòng, từ chỗ phát thẻ lên trung tâm báo chí, gặp người quản lý để đòi bằng được mã số. Nhưng vì thời gian không còn, bộ phận phát mã số đã đóng cửa, anh đành nháy mắt và nói với tôi rằng, “cứ đỗ vào sâu trong bãi một chút, không sao đâu, nhưng đừng nói với ai đấy nhé!”

Tình nguyện viên tại trung tâm báo chí ở sân vận động quốc gia tại Warsaw. Ảnh: Đ.H

Ba nhóm tình nguyện viên

Tại EURO 2012, các tình nguyện viên được chia thành ba nhóm khác nhau, với trang phục phân biệt rõ ràng và nhiệm vụ cũng được phân công cụ thể. Nhóm đầu tiên, đông đảo nhất và mặc trang phục màu xanh da trời có in logo của EURO 2012, là những người phục vụ tại sân bay, sân vận động và khách sạn nơi các quan chức cũng như đội tuyển lưu trú. Ngay từ khi đặt chân đến sân bay Chopin ở Warsaw, phóng viên hay cổ động viên đều đã được tiếp xúc với các tình nguyện viên này.

Nhóm thứ hai, mặc trang phục màu xanh nõn chuối, là những người làm việc tại Fanzone. Số lượng của nhóm này ít hơn, và công việc của họ cũng có phần nhẹ nhàng hơn. Họ cung cấp cho cổ động viên về thông tin cần thiết, cách đi lại, cũng như nói rõ những thứ được phép mang vào trong Fanzone, và phải gửi những thứ không được phép mang vào ở đâu.

Nhóm thứ ba là những người mặc trang phục màu vàng gạch, hoạt động ở các nhà ga để hướng dẫn cổ động viên mua vé cũng như cách đi tàu.

Ngoài ra, các tình nguyện viên còn được huy động biểu diễn trong lễ khai mạc, lễ bế mạc cũng như thời điểm bắt đầu mỗi trận đấu. EURO 2012 diễn ra thành công thì chắc chắn, những người tình nguyện viên đã đóng góp một phần rất lớn trong đó.

"Tuyển" Tình nguyện viên: 1 chọi 4,3

Theo con số chính thức từ UEFA, sau khi hết hạn đăng ký tham gia chương trình tình nguyện viên EURO 2012, cơ quan này nhận được 23.965 bộ hồ sơ của các ứng viên đến từ 142 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, số lượng tình nguyện viên thực tế mà UEFA cần chỉ là 5.500 người, tức tỷ lệ “thi tuyển” trong trường hợp này là xấp xỉ “1 chọi 4,3”.

Các tình nguyện viên được đào tạo trong vòng ba tháng, cung cấp các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cũng như nắm bắt các thông tin cần thiết về giải đấu, địa điểm tổ chức sự kiện, hệ thống giao thông... để giúp đỡ khi người khác có nhu cầu.
Đ.H | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục