EURO 2000: Khi người Pháp ở trên đỉnh Châu Âu và thế giới

14:02 Thứ tư 23/05/2012

Ở kỳ EURO 2000 lần đầu tiên được tổ chức tại hai quốc gia là Bỉ và Hà Lan, đội tuyển Pháp đã làm nên lịch sử khi là đội đương kim vô địch thế giới đầu tiên giành luôn chức vô địch EURO được tổ chức sau đó.

1. Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, CH Séc dễ dàng đi tiếp, Anh chật vật vượt qua vòng loại

Ở vòng loại EURO 2000 có tới 9 bảng đấu. Các đội đầu bảng cùng đội đứng thứ nhì có thành tích cao nhất sẽ có vé trực tiếp tham dự vòng chung kết với 2 nước chủ nhà Bỉ và Hà Lan, trong khi 8 đội còn lại phải tham dự vòng play-off để xác định những tấm vé còn lại. Nhà đương kim vô địch thế giớ Pháp đã thể hiện được sức mạnh của mình ở vòng loại khi dẫn đầu một bảng có đến 6 đội bóng, vượt qua hai đối thủ khó chịu là Ukraina và Nga để giành vé trực tiếp vào vòng chung kết.

Các đội bóng lớn như Đức, Ý, Tây Ban Nha, CH Séc cũng không mấy khó khăn để giành quyền dẫn đầu bảng đấu của mình, đặc biệt là CH Séc của Pavel Nedved, Karel Karel Poborský, Jan Koller, Vladimír Šmicer,... Họ đã thể hiện sức mạnh tuyệt đối khi toàn thắng cả 10 trận ở vòng bảng và giành trọn vẹn 30 điểm. Nhưng Tam Sư thì lại gây thất vọng khi chỉ giành ngôi nhì bảng 5, kém đội đầu bảng Thụy Điển tới 9 điểm và phải dự vòng play-off để giành suất đến Bỉ và Hà Lan. Ở những bảng đấu khác, Na Uy, Romania của Gheorghe Hagi và Nam Tư là những đội đi tiếp.

Logo của kỳ EURO 2012 được tổ chức tại Bỉ và Hà Lan. Ảnh: Internet.

Suất trực tiếp còn lại thuộc về Bồ Đào Nha, đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Trong khi 8 đội nhì bảng còn lại chia thành 4 cặp đấu play-off. Cuối cùng thì Anh cũng thoát khỏi cảnh ngồi xem EURO     qua TV sau khi đánh bại 'đàn em' Scotland với tổng tỉ số 2-1 sau 2 lượt. Đan Mạch hủy diệt Israel, Thổ Nhĩ Kỳ may mắn vượt qua Ireland nhờ luật bàn thắng trên sân khách để đến với vòng chung kết. Trong khi đó, Slovenia gây bất ngờ lớn khi đánh bại Ukraina để lần đầu tiên vào chơi 1 vòng chung kết EURO kể từ sau khi tách ra từ Nam Tư cũ.

2. Lần đầu tiên EURO được tổ chức trên 2 quốc gia

EURO 2000 là lần đầu tiên sự kiện bóng đá lớn nhất châu lục được đồng tổ chức bởi hai quốc gia. Bỉ và Hà Lan là những nước có được vinh dự này, và cả hai đã làm hết sức mình để kỳ EURO diễn ra tốt đẹp. Giải đấu được xem là thành công về mặt tổ chức và mở ra tiền lệ cho những kỳ EURO tiếp theo được hai nước đồng đăng cai như EURO 2008 và EURO 2012 tới đây.

Tuy thành công về mặt tổ chức, nhưng chỉ có duy nhất Hà Lan là thu được thành công về mặt thành tích. Trong khi Hà Lan thống trị bảng D có sự hiện diện của đương kim vô địch Pháp và đội bóng rất mạnh CH Séc với 3 trận toàn thắng, thì Bỉ lại ngậm ngùi đứng thứ 3 sau Ý và Thổ Nhĩ Kỳ ở bảng B. Ở hai bảng đấu này, Hà Lan - Pháp và Ý - Thổ Nhĩ Kỳ là 4 đội tham dự vòng tứ kết.

Patrick Kluivert (Hà Lan), một trong hai cầu thủ đạt danh hiệu Vua phá lưới tại EURO 2000. Người còn lại là Savo Milošević (Nam Tư). Ảnh: Internet.

Ở bảng A, bảng 'tử thần' gồm Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Đức, 'thế hệ vàng' Luis Figo, Rui Costa, Victor Baia,... của Bồ Đào Nha đã tỏa sáng rực rỡ để giành ngôi nhất bảng với 9 điểm. Còn Anh và Đức chỉ để lại nỗi thất vọng ê chề khi chỉ kết thúc vòng bảng ở 2 vị trí cuối bảng, nhường suất còn lại của bảng đấu cho Romania.

Bảng C lại ẩn chứa nhiều bất ngờ với việc tân binh Slovenia cầm hòa Nam Tư ngay trận đầu ra quân tại một vòng chung kết EURO và đội tuyển TBN bất ngờ ngã ngựa trước Na Uy. Ở lượt đấu tiếp theo, cả Nam Tư và TBN đều chiến thắng và kết quả này buộc TBN phải chiến thắng Nam Tư nếu không muốn bị loại sớm. Ở trận cầu quyết định, Nam Tư vượt lên dẫn trước 3-2 cho đến tận những phút cuối cùng. Thế nhưng hai bàn thắng ở phút bù giờ của Gaizka Mendieta và Alfonso đã 'hồi sinh' La Furja Roja và giúp họ có được ngôi nhất bảng sau 3 trận đấu. Vé còn lại là của Nam Tư do hơn Na Uy về hiệu số bàn thắng bại.

3. 'Cơn lốc màu da cam' cuốn phăng Nam Tư, 'Gà trống' quật ngã 'Bò tót'

Bước vào vòng tứ kết, chủ nhà Hà Lan gặp Nam Tư, Ý đụng độ Romania, Bồ Đào Nha chạm trán Thổ Nhĩ Kỳ, thì Tây Ban Nha cùng Pháp làm nên một cặp đấu cân tài cân sức.

Ở 2 trận tứ kết đầu tiên diễn ra vào ngày 24/6, cả Bồ Đào Nha và Ý đều không mấy khó khăn đánh bại 2 đối thủ yếu hơn là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania với cùng tỉ số 2-0. Một ngày sau đó, người ta được chứng kiến sức mạnh của đội tuyển có biệt danh 'cơn lốc màu da cam' khi Hà Lan trút cơn mưa bàn thắng vào lưới Nam Tư. Sát thủ Kluivert lập hẳn 1 hattrick, trong khi Nam Tư chỉ có 1 bàn danh dự do công của Milošević.

Cuộc đối đầu giữa Tây Ban Nha và Pháp diễn ra khá hấp dẫn. Zidane đưa nhà đương kim vô địch thế giới vượt lên dẫn trước ở phút 32, nhưng cũng chỉ 6 phút sau Mendieta đã đem về bàn gỡ hòa với cú đá penalty thành công ở phút 38. Thế nhưng bàn thắng được ghi trước khi hiệp 1 kết thúc của 'siêu dự bị' Yuri Djorkaeff đã nhấn chìm hy vọng của người Tây Ban Nha và đưa Pháp vào bán kết gặp Bồ Đào Nha. Trận bán kết còn lại là cuộc đọ sức giữa Ý và Hà Lan.

Zinedine Zidane, Cầu thủ xuất sắc nhất giải, đi bóng qua Pep Guardiola, người sau này trở thành HLV lừng danh của Barcelona. Ảnh: Internet.

4. Hai người hùng Zidane và Toldo

Cuộc so tài Pháp - Bồ Đào Nha thực sự là một cuộc chiến đỉnh cao giữa dàn sao của 2 đội. Nuno Gomes giúp Bồ Đào Nha có bàn mở tỉ số từ khá sớm ngay phút thứ 19, nhưng tiền đạo khi đó còn chơi cho Arsenal Thierry Henry đã đem lại hy vọng  cho tuyển Pháp với bàn thắng gỡ hòa ở phút 51. Tỉ số 1-1 được giữ nguyên sau 90 phút và hai đội phải bước vào hai hiệp phụ với luật 'bàn thắng vàng' nghiệt ngã. Cho đến tận những phút cuối của hiệp phụ thứ 2, vẫn chưa có bàn thắng nào được ghi thêm, nhưng rốt cuộc số phận lại không mỉm cười với Bồ Đào Nha khi hậu vệ Xavier lóng ngóng để bóng chạm tay trong vòng cấm và Pháp được hưởng quả phạt đền. Trên chấm 11 mét, Zidane bình tĩnh đánh bại Victor Baia để đưa Pháp vào trận chung kết.

Trận bán kết còn lại cũng quyết liệt không kém: một tuyển Ý với phong cách phòng ngự chặt chẽ đối đầu với Hà Lan sở hữu lối chơi tấn công tổng lực đẹp mắt. Người Ý đã thành công trong việc ngăn chặn Hà Lan ghi bàn và buộc trận đấu phải trải qua 120 phút mà không có bàn thắng nào được ghi. Hai đội buộc phải xác định thắng thua qua loạt đá luân lưu. Và chính trong 'cuộc đấu súng' cân não này, người chỉ được coi là 'kẻ đóng thế' cho thủ môn lừng danh Buffon, Francesco Toldo, đã thi đấu xuất sắc và cản phá thành công 2 quả phạt đền của Hà Lan, dọn đường đưa Ý vào chung kết gặp Pháp.

5. Chung kết EURO 2000: Người Pháp làm nên lịch sử

Cho đến trước kỳ EURO năm đó, chưa có đội bóng nào lập được thành tích vô địch EURO sau khi vô địch tại World Cup, và Pháp đứng trước cơ hội lớn để trở thành những người đầu tiên có được thành tích này.

 Nhưng lại một lần nữa, ước mơ viết nên lịch sử của người Pháp lại bị đe dọa một cách nghiêm trọng khi Marco Delvecchio sút tung lưới Barthez ở phút 55. Người ta đã biết Ý phòng ngự chắc như thế nào và Pháp chỉ biết tấn công trong vô vọng. Từng phút, từng phút trôi qua, Pháp vẫn bế tắc và thời khắc lên ngôi vô địch chỉ còn cách Ý một khoảng thời gian được tính bằng giây. Trong một pha bóng tưởng chừng như sẽ là pha bóng cuối cùng của trận đấu ở phút 90+4, Barthez có cú phát bóng dài lên tuyến trên. David Trezeguet đánh đầu đưa bóng đến gần hơn khu vực cấm địa của Ý, và cú phá bóng không dứt khoát của Fabio Cannavaro đã vô tình đưa bóng vào chân Wiltord. Số 13 của tuyển Pháp nhanh chóng thoát xuống tung cú dứt điểm chéo góc đánh gục Toldo và làm cả nước Pháp như phát cuồng vì bàn thắng 'quý như vàng' ấy!

Người Pháp làm nên lịch sử với việc vô địch World Cup và vô địch EURO liên tiếp. Ảnh: Internet.

Trong khi đó, Toldo ôm mặt khi chứng kiến bóng nhìn vào lưới... Totti, Del Piero,... ngỡ ngàng không nói nên lời. Cả nước Ý dường như câm lặng... Chỉ trong một khoảnh khắc vài giây, người Ý đã đánh mất tất cả.

Bàn thắng 'quý như vàng' của Wiltord đã đưa trận đấu vào hiệp phụ và người Ý dường như không còn đủ 'lạnh' để chơi theo ý họ nữa, để rồi một 'bàn thắng vàng' khác đã đánh gục họ hoàn toàn, đó chính là pha ghi bàn nổi tiếng của David Trezeguet. Phút 13 của hiệp phụ thứ nhất, Robert Pires có pha xuống bóng thần tốc bên cánh phải và anh không chần chừ tạt vào trong cho chân sút mang áo số 20. Trezeguetđã có pha dứt điểm quyết đoán tung nóc lưới Toldo để mang về chiến thắng cho người Pháp.

Với người Ý, họ đã lỡ hẹn và không thể lần thứ 2 bước lên ngôi cao nhất sau chức vô địch lần đầu tiên cách đó 32 năm. Nhưng trên hết, bóng đá Pháp đã hoàn thành một chương huy hoàng trong lịch sử của họ với những Deschamps, Zidane, Blanc, Vieira, Henry, Trezeguet, Barthez,... Một chiến thắng xứng đáng và sẽ còn được người dân xứ lục lăng ghi nhớ mãi về sau.

Video trận chung kết Pháp 2 - 1 Ý:
 
 
Tổng kết EURO 2000

Kết quả các trận đấu loại trực tiếp tại EURO 1996:

Chung kết
Pháp 2 - 1 Ý

Bán kết
Hà Lan 0 - 0 Ý (Ý thắng 3-1 sau loạt đá luân lưu)
Pháp 2 - 1 Bồ Đào Nha


Tứ kết
Thổ Nhĩ Kỳ 0 - 2 Bồ Đào Nha
Tây Ban Nha 1 - 2 Pháp
Hà Lan 6 - 1 Nam Tư
Ý 2 - 0 Romania

Số trận đấu: 31

Số bàn thắng: 85 (Trung bình: 2,74 bàn/1 trận)

Vua phá lưới: Patrick Kluivert (Hà Lan) và Savo Milošević (Nam Tư) cùng 5 bàn.

Cầu thủ xuất sắc nhất: Zinedine Zidane (Pháp)

Bàn thắng nhanh nhất: Paul Scholes (phút thứ 3, trận Anh - Bồ Đào Nha ở bảng A).

Đội hình tiêu biểu:
Francesco Toldo (Ý) - Laurent Blanc (Pháp), Fabio Cannavaro (Ý), Paolo Maldini (Ý), Lilian Thuram (Pháp) - Patrick Vieira (Pháp), Zinedine Zidane (Pháp), Luís Figo (Bồ Đào Nha), Edgar Davids (Hà Lan) - Patrick Kluivert (Hà Lan), Francesco Totti (Italy
N.H.P (Tổng hợp) | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục