EURO 1976: Câu chuyện thần tiên mang tên Tiệp Khắc

17:07 Thứ sáu 18/05/2012

Suốt những năm đầu thập niên 1970, đội tuyển Tây Đức hùng mạnh đã thống trị cả làng bóng thế giới với chức vô địch EURO 1972 và sau đó là chức vô địch thế giới năm 1974. Thế nhưng, tại EURO 1976, 'Cỗ xe tăng' tưởng chừng như là bất khả chiến bại ấy lại phải dừng bước trên mảnh đất Nam Tư trước những người chiến binh thực sự đến từ đất nước Tiệp Khắc tươi đẹp

1. Vòng loại: Anh, Ý dừng bước sớm

Tham gia vòng loại cho 4 chiếc vé vào vòng chung kết EURO 1976 gồm có 32 đội bóng, được chia thành 8 bảng đấu. Thể thức không khác gì so với 2 kỳ EURO trước khi các đội tiến hành thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm, và đội nhất bảng sẽ được vào thi đấu tại tứ kết.

Vòng loại EURO 1976 đã chứng kiến những lời chia tay từ khá sớm của những đại gia như nhà vô địch thế giới năm 1966 Anh, cựu vô địch EURO 1968 Italia. Nằm ở bảng 1, Tam Sư đã có khởi đầu không thể nào thuận lợi hơn khi giành chiến thắng 3-0 trước Tiệp Khắc. Tuy nhiên, trận hòa tai hại không bàn thắng trước Bồ Đào Nha và trận thua 1-2 trên đất Tiệp Khắc đã khiến cho đội bóng của 'đảo quốc sương mù' phải sớm nói lời chia tay với vòng tứ kết do chỉ giành được 8 điểm, thua 1 điểm so với đội đầu bảng Tiệp Khắc.

Trong khi đó, Azzuri lại có một kỳ EURO khá bi đát khi chỉ đứng thứ 3 ở bảng 5, chỉ trên đối thủ yếu Phần Lan, còn Hà Lan giành ngôi nhất bảng này để lọt vào vòng sau.

Ở những bảng đấu khác, không có nhiều bất ngờ khi những đội bóng mạnh lần lượt giành quyền đi tiếp, gồm Liên Xô, Nam Tư, Tây Ban Nha, Xứ Wales và Bỉ.

Logo của EURO 1976 khi vòng chung kết được tổ chức tại Nam Tư - quốc gia Đông Âu đầu tiên có được vinh dự này. Ảnh: Internet.

2. 'Cơn lốc màu da cam' xuất hiện ở tứ kết, Tiệp Khắc quật ngã 'người anh' Liên Xô

Thể hiện một lối chơi tấn công đẹp mắt và giành ngôi nhất bảng ngay trước mũi nhà vô địch năm 1968 Italia, Hà Lan của 'Thánh' Johann Cruyff trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá cho một vé vào vòng sau khi đối thủ của họ là một 'con mồi' ưa thích, đội tuyển Bỉ. Và các cầu thủ xứ sở hoa tulip đã không làm người ta thất vọng khi 'tàn phá' đội tuyển Bỉ với tỉ số 5-0 trên sân nhà. Ở trận lượt về, Hà Lan thắng nhẹ nhàng với tỉ số 2-1 để tiến vào vòng chung kết.

Trong một trận tứ kết khác, hai người anh em xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Tiệp Khắc đối đầu với nhau. Và bất ngờ đã xảy ra khi Liên Xô gục ngã trước Tiệp Khắc tại Bratislava với 2 bàn thắng của Móder và Panenka. Trong trận lượt về diễn ra ở Kiev cách đó gần 1 tháng, Móder lại trở thành người hùng của Tiệp Khắc khi ông ghi 2 bàn thắng giúp đội khách cầm hòa Liên Xô 2-2 và giành quyền đi tiếp.

Một trận đấu cũng không kém phần hấp dẫn là cuộc so tài giữa đội tuyển Tây Đức và Tây Ban Nha. Đội tuyển xứ Bò tót đã đánh mất đi rất nhiều sức mạnh kể từ sau lần giành ngôi vô địch EURO 1964 khi không thể góp mặt tại vòng chung kết 2 kỳ EURO 1968 và 1972, trong khi Tây Đức thăng hoa với một chức vô địch Châu Âu và một chức vô địch thế giới. Thế nhưng Tây Đức đã không hề có 1 trận đấu dễ dàng trên đất Tây Ban Nha khi sớm bị dẫn trước từ phút 21. Phải chờ đến phút 60, bàn thắng gỡ hòa của Beer mới giúp người Đức yên tâm quay về Munich để đá trận lượt về. Và trong trận đấu tại Munich, Đức đã giành chiến thắng 2-0 để kéo dài số lần vắng mặt ở vòng chung kết của Tây Ban Nha lên con số 3.

Đội tuyển Tiệp Khắc gây hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ảnh: Internet.

Ở trận tứ kết còn lại, đội chủ nhà của vòng chung kết năm đó là Nam Tư cũng đã thể hiện được sức mạnh của mình khi giành chiến thắng 2-0 trên sân nhà và cầm hòa Xứ Wales trên sân khách để chính thức lọt vào vòng sau.

3. Vòng chung kết của những hiệp phụ

Vòng chung kết EURO 1976 được tổ chức tại Nam Tư, và đây là lần đầu tiên vòng chung kết của giải đấu lớn nhất 'lục địa già' được tổ chức tại một quốc gia Đông Âu. Và người ta coi đây là một vòng chung kết kỳ lạ, khi không có trận đấu nào có thể kết thúc sau 90 phút. Tất cả các trận đấu đều bất phân thắng bại trong giờ đấu chính thức và phải bước sang hiệp phụ.

Trong số 4 đội tham dự, thì Tiệp Khắc là đội bị đánh giá thấp nhất, khi phải đối đầu với chủ nhà Nam Tư, đội bóng thường xuyên đạt thứ hạng cao trong những giải đấu quốc tế trước đó. Hai đội còn lại là Hà Lan và Tây Đức, á quân và đương kim vô địch của World Cup 1974. Thành tích cao nhất của Tiệp Khắc tại EURO tính đến thời điểm 1976 chỉ là lần duy nhất lọt vào chung kết vào năm 1960.

Ở trận đấu bán kết 1, Tiệp Khắc đối đầu với một Hà Lan đang có phong độ rất cao và sở hữu lối chơi tấn công tốc độ. Thế nhưng đội bóng Đông Âu đã hoàn toàn khắc chế được 'Cơn lốc màu da cam' và vượt lên dẫn trước ngay từ phút 19 với bằn thắng của Ondruš. Thế nhưng hy vọng đã kịp lóe lên với Hà Lan khi cũng chính Ondruš trở thành tội đồ của Tiệp Khắc khi đá phản lưới nhà vào phút 77 để đem về bàn thắng cân bằng tỉ số. Thế nhưng, Tiệp Khắc đã không cho đối phương thêm một cơ hội nào khi lần lượt Nehoda và Veselý sút tung lưới Hà Lan trong hiệp phụ để đưa Tiệp Khắc vào chơi trận tranh cúp vàng.

Trong trận bán kết còn lại, tưởng chừng như 'Cỗ xe tăng' Tây Đức sẽ phải dừng bước trước chủ nhà Nam Tư sau khi đã bị dẫn trước đến 2 bàn được ghi bởi Popivoda và cầu thủ xuất sắc nhất EURO 1968, Dragan Džajić. Heinz Flohe sau đó rút ngắn tỉ số xuống còn 1-2 ở phút 64 để giúp Đức giành lại chút hy vọng mong manh. Và tay săn bàn Dieter Müller đã đem đến cơn ác mộng cho các cổ động viên chủ nhà khi lập một hattrick, gồm 1 bàn thắng cân bằng tỉ số và 2 bàn trong hiệp phụ để giúp  Tây Đức giành chiến thắng chung cuộc 4-2 và giành suất chơi trận chung kết với Tiệp Khắc.

SVĐ Crvena Zvezda, nơi diễn ra trận chung kết EURO 1976. Ảnh: Uefa.com

4. Tiệp Khắc lên ngôi: ghi danh người hùng Panenka

Đội tuyển chủ nhà Nam Tư khép lại kỳ EURO thất vọng khi chỉ có thể xếp thứ 4 chung cuộc vì bị Hà Lan đánh bại sau tổng cộng 120 phút ở trận tranh ba tư. Nhưng điều người ta thực sự chờ đợi vẫn là ở trận chung kết, khi 'Cỗ xe tăng' Đức đối đầu với những chiến binh dũng cảm Tiệp Khắc, những người đã đưa người hâm mộ bóng đá Châu Âu thời đó đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Không còn 'Kẻ dội bom' Gerd Muller, nhưng Tây Đức vẫn còn đó 'Hoàng đế' Beckenbauer và cây săn bàn mới nổi Dieter Müller, người đã lập được 1 hattrick trong trận bán kết. Bên cạnh đó, Đức còn được đánh giá cao vì họ vào trận với tư cách đương kim vô địch Châu Âu và thế giới. Nhưng một lần nữa người ta đã phải bất ngờ vì Tiệp Khắc.

Trận chung kết đã khởi đầu như mơ với đội bóng Đông Âu, khi lần lượt Švehlík và Dobiaš ghi bàn để giúp Tiệp Khắc dẫn trước 2-0. Dieter Müller rút ngắn tỉ số xuống còn 1-2, nhưng Tiệp Khắc vẫn là đội dẫn trước trong phần lớn thời gian của trận đấu. Nhưng quy luật nghiệt ngã của bóng đá lại một lần nữa khiến những trái tim của các cổ động viên Tiệp Khắc run lên vì lo lắng, khi Hölzenbein ghi bàn đúng phút 89 cho Tây Đức để cân bằng tỉ số 2-2. Một lần nữa, kịch bản trận bán kết 2 giữa Đức và Nam Tư có nguy cơ lặp lại.

Thế nhưng kịch tính được đẩy lên cao trào khi sau 120 phút, không đội bóng nào có thêm bàn thắng và trận đấu phải bước vào loạt đấu penalty cân não. Người Đức vốn được mệnh danh là một dân tộc có 'thần kinh thép', nhưng tính cách đó đã không được thể hiện trong khoảnh khắc này. Còn các cầu thủ Tiệp Khắc lại thể hiện sự bình tĩnh đến đáng nể. Cả 4 loạt sút đầu tiên của Tiệp Khắc đều thành công. Trong khi đó, Uli Hoeness, người ngày nay là Giám đốc của CLB Bayern Munich, lại sút hỏng quả phạt đền thứ 4 của Tây Đức. Bởi vậy, nếu quả phạt đền thứ 5 của Tiệp Khắc thành công, họ sẽ chính thức lên ngôi vô địch.

Cú sút quyết định ấy được đặt vào chân Antonín Panenka, tiền vệ xuất sắc của bóng đá Đông Âu thời bấy giờ. Và cầu thủ của Tiệp Khắc đã thực hiện 1 cú dứt điểm gây kinh ngạc trong một khoảnh khắc căng thẳng đến độ làm điêu đứng hàng triệu con tim hâm mộ đang dõi theo nó. Cú sục bóng của Panenka đưa bóng bay từ từ vào lưới trong khi thủ môn Sepp Maier hoàn toàn bất ngờ và đoán sai hướng. Cú sút penalty ấy đã thay đổi bóng đá Châu Âu, khi nó biến người Đức thành kẻ chiến bại, và người ta đã phải lấy tên của Panenka để đặt cho cú sút ấy như một trong những phát minh mới của bóng đá thế giới.

Tiệp Khắc lên ngôi sau chiến thắng trước Tây Đức trong loạt penalty. Ảnh: Uefa.com

Tỉ số loạt penalty là 5-3, và Tiệp Khắc lên ngôi một cách đầy bất ngờ nhưng hoàn toàn xứng đáng. Chiến thắng tại EURO 1976 được coi như thành tựu vĩ đại nhất của bóng đá Tiệp Khắc, mà ngay cả những thế hệ hậu bối tài năng nhất cũng chưa thể tái hiện được. Đó cũng là "cái kết hoàn hảo", như trang chủ UEFA đã viết, cho một giải đấu phi thường của bóng đá Châu Âu, cho một 'câu chuyện thần tiên' mang tên Tiệp Khắc...

Cú đá penalty lừng danh của Panenka đưa Tiệp Khắc trở thành nhà vô địch EURO 1976. Nguồn: YouTube.


Tổng kết EURO 1976

Xếp hạng:

Vô địch: Tiệp Khắc
Hạng Hai: Tây Đức
Hạng Ba: Hà Lan
Hạng Tư: Nam Tư

Sân vận động: sân Crvena Zvezda (trận bán kết Nam Tư - Tây Đức, trận chung kết), sân Maksimir (trận bán kết Hà Lan - Tiệp Khắc, trận tranh ba tư).

Tổng số trận: 4

Số bàn thắng: 19 (trung bình 4,75 bàn/trận).

Số lượng khán giả đến sân: 106.087 người (Trung bình 26.522 người/trận)

Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất: Dieter Müller (Tây Đức, 4 bàn)

Cầu thủ xuất sắc nhất giải: Antonín Panenka (Tiệp Khắc)

Bàn thắng được ghi nhanh nhất: 8 phút, Ján Švehlík (trận chung kết Tây Đức - Tiệp Khắc).

Đội hình tiêu biểu: Ivo Viktor (Tiệp Khắc); Ján Pivarník (Tiệp Khắc), Ruud Krol (Hà Lan), Anton Ondruš (Tiệp Khắc), Franz Beckenbauer (Tây Đức); Rainer Bonhof (Tây Đức), Jaroslav Pollák (Tiệp Khắc), Antonín Panenka (Tiệp Khắc), Dragan Džajić (Nam Tư); Zdeněk Nehoda (Tiệp Khắc), Dieter Müller (Tây Đức)
N.H.P (Tổng hợp) | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục