Đừng xem thường bóng đá Trung Quốc

18:55 Thứ tư 23/01/2019

TinTheThao.com.vnNhiều năm gần đây, bóng đá Trung Quốc đã bắt đầu được nhắc đến trên báo chí cũng như các diễn đàn, mạng xã hội ở Việt Nam. Tuy vậy, đa phần đó lại là những bình luận theo hướng châm biếm.

Trên thực tế, bóng đá Trung Quốc, mà đại diện là đội tuyển quốc gia của nước này, hiện tại không hẳn là nền bóng đá mạnh. Nếu phải đối đầu với những “ông lớn” như Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Úc thì có lẽ đội bóng của HLV Marcello Lippi chưa thể gây khó dễ được. Nhìn cái cách mà Wu Lei và các đồng đội phải rất vất vả mới vượt qua được Thái Lan, chúng ta lại càng có thể củng cố thêm nhận định trên.

 - Bóng Đá

 Trung Quốc phải rất vất vả mới có thể đánh bại Thái Lan ở vòng 1/8 Asian Cup 2019.

Tuy nhiên, liệu sức mạnh của nền bóng đá Trung Quốc có đang bị nhìn nhận một cách quá thấp ở Việt Nam hay không?

Trước hết, phải khẳng định rằng, rất ít người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam và cả các nhà chuyên môn có theo dõi về bóng đá Trung Quốc, hay chí ít là về giải đấu chuyên nghiệp của họ. Rất nhiều bình luận theo hướng châm biếm của mạng xã hội Việt Nam, thực ra là bắt nguồn từ chính cộng đồng mạng nước bạn. Mà mạng xã hội của Trung Quốc cũng có vô số những “anh hùng bàn phím” giống người láng giềng Việt Nam, họ cũng rất hay chỉ trích, thậm chí là “chửi bới” các cầu thủ và cả các quan chức bóng đá.

Những nhận định theo kiểu “cứ đá thế này thì còn thua cả Việt Nam” thực ra là rất giống với kiểu lo sợ nhiều năm trước của cư dân mạng chúng ta, rằng có ngày chúng ta sẽ thua cả Lào, cả Campuchia mỗi khi nghe tin đội tuyển quốc gia lại thất bại ở một trận đấu nào đó.

Một khi bị ảnh hưởng bởi quá nhiều lời chỉ trích theo kiểu “tự nhục” của cộng đồng mạng Trung Quốc, vô hình chung khiến nhiều người Việt Nam cũng tin rằng bóng đá Trung Quốc đang rất tồi tệ, và rất có thể chúng ta sẽ bỏ qua cơ hội học hỏi một nền bóng đá đang vươn mình.

Nếu có câu hỏi rằng bóng đá Trung Quốc có đang đi đúng hướng hay không, thì phải trả lời ngay rằng “Có”. Thứ nhất là họ dám đặt mục tiêu vào năm 2050 sẽ thành cường quốc bóng đá. Đây là mục tiêu rất lớn và không dễ để thực hiện, nhưng đã đề ra mục tiêu và quyết tâm hoàn thành mục tiêu ấy thì động lực sẽ là rất lớn, và dù có không đạt được đi nữa thì ít nhất họ cũng sẽ tiến gần đến mục tiêu ấy, chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ để nâng tầm nền bóng đá rồi.

 - Bóng Đá

 Trung Quốc đang có một giải Chinese Super League chất lượng.

Khi VFF đặt mục tiêu vào World Cup cho bóng đá Việt Nam, nhiều người đã cười khẩy và cho rằng đây là sự “ảo tưởng sức mạnh”, rằng sự thành công hiện tại của bóng đá Việt chỉ là ăn may. Những suy nghĩ kiểu này là điều không nên, bởi chỉ khi dám đặt mục tiêu và có những bước đi để hiện thực hóa mục tiêu đó chúng ta mới có thể thực sự “lớn” lên được.

Quay lại với bóng đá Trung Quốc, điều thứ hai mà họ làm, là phát triển giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, bất kỳ nền bóng đá nào cũng phải làm như vậy. Với chất xám của các HLV phương tây và kỹ chiến thuật của các cầu thủ ngoại xuất sắc, giải Chinese Super League đã được nâng lên tầm cao mới, với những chức vô địch Champions League châu Á.

Nhưng một giải bóng đá chất lượng chưa đồng nghĩa với một đội tuyển bóng đá quốc gia chất lượng, Premier League hấp dẫn hơn Ligue 1, nhiều người sẽ đồng tình như thế, nhưng đội tuyển Anh liệu có đánh bại được đội tuyển Pháp hay không? Đó chính là điều thứ ba mà Trung Quốc đang làm, họ đầu tư một cách khủng khiếp vào các lò đào tạo trẻ và bắt đầu sửa quy định ở giải chuyên nghiệp để dành đất nhiều hơn cho cầu thủ nội, cầu thủ trẻ.

Tất nhiên, thành quả chưa thể đến trong ngày một ngày hai, các đội tuyển quốc gia của Trung Quốc chưa thể vụt sáng trở thành các thế lực, mức độ yêu thích bóng đá của người dân nước này cũng chưa thể tới mức tất cả mọi người đều “cuồng” và xem bóng đá như tôn giáo theo kiểu Việt Nam ta. Nhưng, năm năm hay mười năm nữa, mọi sự rồi sẽ rất khác.

Thể hình và thể lực của thanh niên Trung Quốc hiện tại rất ổn, chính vì điểm mạnh này cộng với cái đầu của HLV huyền thoại Lippi mà đội tuyển quốc gia của họ có thể vượt qua nhiều đối thủ tại Asian Cup, dù không thực sự thi đấu một cách ấn tượng. Chẳng hạn như trong trận gặp Thái Lan, dù vất vả, nhưng cuối cùng thì các cầu thủ Trung Quốc vẫn giành chiến thắng sau cùng, theo đúng kiểu đá dùng sức và “quần” liên tục thì Thái Lan cũng “chịu không nổi nhiệt”.

 - Bóng Đá

 Không thể mãi xem thường bóng đá Trung Quốc mà quên đi thực tại rằng họ đang đầu tư đường dài rất nhiều.

Và một khi đã có cái nền tảng về thể hình, thể lực, thì khi khâu đào tạo trẻ của họ tốt lên, khâu tuyên truyền tạo cảm hứng với bóng đá cho giới trẻ tốt lên, đầu vào tốt cộng với đầu ra là China Super League ngày càng chuyên nghiệp và có đất dành cho người trẻ, thì bóng đá Trung Quốc lúc đó có không muốn đi lên cũng không được.

Những người quan tâm đến bóng đá Việt có lẽ nên thôi nhìn về Trung Quốc và châm biếm, theo kiểu đầu tư khủng như thế rồi cũng có được gì đâu. Đây sẽ là một lực cản rất lớn với bóng đá nước nhà, bởi thực ra những gì nước bạn đang làm đều đúng đắn, và chúng ta đều có thể học hỏi được từ họ. Iran mới chỉ quay lại chú trọng vào bóng đá từ thập niên 90 và giờ họ giữ vị thế hàng đầu châu lục, Nhật Bản cũng mới thành lập giải chuyên nghiệp vào khoảng năm 1992 và giờ họ là “ông lớn”. Thành công trong bóng đá nếu làm đúng cách thì thực sự không hề đến trễ và không có gì là không thể cả. Thay vì xem thường, hãy học hỏi tất cả mọi thứ, nhất là từ những nền bóng đá cũng đang không có vị thế tốt nhưng có khát vọng vươn tầm.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

17:45 23/01/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục