“Dựng xe buýt” nhưng U23 Việt Nam vẫn đá đẹp

20:57 Thứ năm 18/01/2018

TinTheThao.com.vnNhiều người đang nhầm lẫn khi cho rằng lối chơi “dựng xe buýt” của HLV Park Hang-seo là xấu xí. Thực ra nó vẫn đẹp dưới nhiều góc nhìn.

Trong suốt ba trận đấu vừa qua tại vòng bảng VCK U23 châu Á, chỉ duy nhất những phút cuối trận đấu với U23 Syria là các cầu thủ Việt Nam phải đá bóng theo kiểu “phá bóng ra xa khung thành”. Điều này cũng rất dễ hiểu vì vào thời điểm đó, thể lực của các cầu thủ sau ba trận liên tiếp “va đập” cường độ cao với các đối thủ to lớn hơn, đã đi xuống thấy rõ.

 - Bóng Đá

 U23 Việt Nam lập chiến tích lịch sử khi lần đầu tiên góp mặt ở tứ kết U23 châu Á.

Hãy nhìn quả phạt góc ở cuối trận đấu, Xuân Trường chỉ thực hiện cho xong vì anh không có đồng đội hỗ trợ, các cầu thủ cũng chẳng thể dâng lên để giữ bóng câu giờ ở cột cờ góc, vì họ không đảm bảo thể lực để ngay lập tức chạy về sân nhà phòng thủ, nếu đối phương cướp được bóng.

Ngoài những giờ phút căng thẳng đó, U23 Việt Nam đã cho thấy vẻ đẹp trong nghệ thuật phòng ngự. Nếu như những đội bóng nhỏ khác dùng mọi cách để đạt được lợi ích, thì U23 của chúng ta không đá xấu, đá thô bạo, không triệt hạ đối phương, cũng không hề tiểu xảo, ăn vạ, nằm sân câu giờ hay khiêu khích đối thủ nhằm kéo dài thời gian. Điều hết sức đáng quý là chúng ta đã giành quyền vào tứ kết bằng lối chơi khoa học và kỷ luật đến bất ngờ.

Cự ly đội hình của U23 Việt Nam được giữ vững trong suốt quá trình thi đấu. Điều này giúp cho các cầu thủ kiểm soát không gian tốt hơn, đồng thời bố trí phòng ngự theo khu vực rất hiệu quả.

Sự co, dãn đội hình phòng thủ theo từng pha bóng, khoảng cách không quá xa giữa các tuyến khiến sự bọc lót giữa các cầu thủ là hết sức dễ dàng, đẩy đối phương vào tình cảnh luôn chịu sự đối mặt 1-1 với hàng thủ. Một khi cầu thủ U23 Việt Nam không thể kèm sát đối phương trong khu vực của mình, không thể đoạt bóng thì chỉ cần cố gắng tác động vào đường bóng một cách tối thiểu cũng đủ để giúp ích cho các đồng đội phía sau bọc lót kịp thời.

 - Bóng Đá

 U23 Việt Nam thành công với lối chơi phòng ngự đầy khoa học.

Riêng về hàng hậu vệ, cụ thể là ba trung vệ Duy Mạnh, Đình Trọng và Tiến Dũng, dường như HLV Park Hang-seo cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho họ và các cầu thủ đều hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

Việc tranh chấp tay đôi với các cầu thủ cao lớn hơn là hết sức khó khăn, việc xoạc bóng khi đối phương có tốc độ cũng tiềm ẩn nguy cơ bị phạt cố định, phạt 11m, thế nên các cầu thủ không sa đà vào những trường hợp đó mà chọn cách chủ động cắt đường bóng của đối thủ. Ba trung vệ dàn ngang trước vòng cấm địa đã thể hiện tốt việc “chống chọc khe”, khiến đối phương bất lực trong việc tấn công trung lộ. Chỉ có U23 Hàn Quốc là có vài tình huống thành công, còn U23 Australia và Syria thì gần như bế tắc hoàn toàn trong hướng tấn công này, bắt buộc phải chuyển hướng sang tạt cánh.

Ở các tình huống không chiến, lẽ dĩ nhiên là các cầu thủ Việt Nam không được đánh giá cao. Chúng ta đã nhận bàn thua từ một tình huống như thế trong trận gặp Hàn Quốc và ở những trận đấu khác tưởng chừng cũng đã có những lúc bị thủng lưới mười mươi. Đây là điểm yếu không cần bàn cãi vì chênh lệch thể hình là hết sức rõ ràng.

Tuy vậy, cũng không phải ngẫu nhiên mà chúng ta chỉ thủng lưới có một bàn từ bóng bổng. Trên thực tế, U23 Việt Nam đã gây áp lực đủ để các chân chuyền của đối phương không thể có vị trí thuận lợi để tạt bóng chính xác. Dù cả ba đối thủ đều giành quyền kiểm soát bóng hơn hẳn nhưng có thể thấy những pha tạt bóng đến được với các tiền đạo của họ lại không nhiều, phần lớn những quả tạt đều rơi vào vùng kiểm soát của thủ môn.

Kết quả này một phần nhờ vào sự ra vào hợp lý của Tiến Dũng, một phần là nhờ toàn bộ các cầu thủ còn lại đã vây ráp, chặn bắt các tình huống phối hợp của đội bạn rất tốt, buộc họ phải tạt khi chưa thuận lợi, dẫn đến đường bóng đi không chính xác.

 - Bóng Đá

 Quang Hải là chủ nhân cả hai bàn thắng của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018.

Đó là về mặt trận phòng ngự, còn ở hướng tấn công, các cầu thủ U23 Việt Nam cũng cực kỳ chủ động. Bàn thắng của Quang Hải vào lưới U23 Hàn Quốc là một ví dụ, đó hoàn toàn là sản phẩm của một pha bóng mang tính bài bản và có sự tập luyện nhiều lần, chứ không phải là một tình huống rình rập và ăn may.

Rõ ràng, toàn đội U23 Việt Nam đã vào giải đấu với sự quyết tâm cao độ, tâm thế sẵn sàng cho những cuộc tranh đấu quyết liệt, chứ không phải đi Trung Quốc với tâm lý đi du lịch, hạn chế bàn thua và cố gắng ghi được bàn thắng là vui rồi như cái cách mà những đội bóng nhỏ, với mục tiêu “học hỏi, cọ xát” hay thể hiện.

Trong bóng đá, “đẹp” hay “xấu” còn phải xem xét ở nhiều khía cạnh. Tất nhiên nếu chúng ta “thêu hoa, dệt gấm” trong trận đấu, giành thắng lợi, ghi nhiều bàn thắng thì ai cũng thích cả. Nhưng nếu “biết mình biết người”, tập trung phòng ngự và đạt được mục tiêu thì cũng không thể xem là “xấu”. Hơn nữa, đá phòng ngự mà khoa học, không đá láo, đá rắn, tiểu xảo,… mà vẫn khiến cho đối thủ chùn chân và bất lực, thì cũng là một dạng vẻ đẹp xứng đáng để người ta trân trọng và thưởng lãm rồi.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

TinTheThao.com.vn - TTVN | 19:30 18/01/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục