Dùng “sao” thắp sáng thương hiệu

21:59 Thứ hai 16/07/2012

Tên tuổi của CLB Thân Hoa Thượng Hải lại có dịp hiện lên trên các tờ báo hàng đầu thế giới, khi họ chính thức kí hợp đồng với tiền đạo Drogba. Dường như, việc sắm “sao” đang trở thành trào lưu mới của bóng đá Trung Quốc. Bởi những Barrios, Kanoute, Yakubu và Keita không chỉ giải quyết thỏa đáng vấn đề chuyên môn, mà còn góp phần đưa thương hiệu các đội bóng tại China Super League (CSL) đến khắp 5 châu.

Cuộc cách mạng của bóng đá Trung Quốc

Drogba đến với Thân Hoa Thượng Hải với bản hợp đồng 2 năm rưỡi, cùng mức lương “siêu khủng” 270 nghìn bảng/tuần. Con số vượt qua mức lương trần của hầu hết các đại gia hàng đầu châu Âu. Không riêng gì Thân Hoa Thượng Hải, các đội bóng khác cũng nhanh chóng tìm được những “siêu sao” để dẫn lối cho họ đến với thành công. Quảng Châu Evergrande có “bom tấn kép” với HLV Lippi và tiền đạo Barrios, Kanoute rời Sevilla để cập bến Bắc Kinh Quốc An, Yakubu chạy theo tiếng gọi của Quảng Châu R&F, Keita chia tay Barcelona để đến với Đại Liên Aerbin.

Drogba ra mắt Thân Hoa Thượng Hải

Có vẻ như, Trung Quốc đang tiến hành làm cách mạng bóng đá theo con đường của Nhật Bản, đó là chiêu mộ những ngôi sao đã qua thời đỉnh cao phong độ về để phát triển nền bóng đá trong nước. Cuối thế kỉ trước, J-League trở thành một trong những “trại dưỡng lão” hàng đầu của bóng đá thế giới. Những ngôi sao một thời như: Dunga (Jubilo Iwata), Jorginho (Kashima Antlers), Emerson (Urawa Red Diamonds)… đã đến và giúp Nhật Bản vươn lên thành thế lực hàng đầu của bóng đá châu Á.

Hay một chiêu kinh doanh thương hiệu?

Tuy nhiên, có vẻ như cuộc cách mạng bóng đá của người Trung Quốc còn ẩn chứa những ý đồ liên quan đến vấn đề thương mại. Nên nhớ, phần lớn các đội bóng ở CSL đang sống nhờ “bầu sữa” của các ông chủ giàu có vốn nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh. Bởi vậy, việc “tậu sao” cũng góp phần giúp các “ông bầu” đánh bóng tên tuổi cho thương hiệu của mình.

Để ý sẽ thấy, các ngôi sao lớn được đưa về mùa hè này đều có nguồn gốc châu Phi. Đó là bởi hiện nay Trung Quốc đang mở chiến lược kinh doanh với các đối tác ở châu Phí. Vì vậy, việc sở hữu những “ngôi sao đen” trong đội hình sẽ giúp đơn vị chủ quản của các đội bóng dễ dàng phát triển thương mại tại quê hương của họ. Vậy nên, cuộc cách mạng nhuộm màu thương mại của bóng đá Trung Quốc cũng không chắc sẽ thành công được như Nhật Bản trước đây.

Phong Sơn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục