ĐTVN với AFF Cup 2012: Nuôi lại giấc mơ con

07:15 Thứ năm 12/07/2012

Với những giải đấu khu vực, mà nhiều người vẫn dè bỉu là “ao làng” như AFF Cup hay SEA Games, không vô địch đã là một thất bại với bóng đá VN, chứ đừng nói mục tiêu vượt qua vòng bảng hay cái gì đó đại loại thế.

Vấn đề là tại sao và như thế nào, chúng ta luôn phải tự an ủi mình, sau những thất bại gần đây, thay vì viết lại lộ trình, thay đổi mục tiêu vươn ra biển lớn?

Một lần lên đỉnh…

Chiến tích vô địch Đông Nam Á năm 2008 cho đến thời điểm này vẫn là một mốc son trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá VN ở cấp ĐTQG. Đấy là một chức vô địch đặc biệt, với triều đại Henrique Calisto tập 2 và một thế hệ vàng thực sự của nền bóng đá. Lộ trình lên ngôi đầy chông gai, vì sau tất cả những gì đã diễn ra ở vòng bảng, không ai tin rằng VN lại đăng quang ở giải đấu năm ấy.

Chúng tôi còn nhớ rất rõ rằng, sau khi vòng bảng kết thúc ở Phuket, ĐTVN gần như không một ai đạt thang điểm khá, theo cách tính rất chi li bằng những con số với những người đã sát cánh cùng thầy trò HLV Calisto. Nhưng ngay cả ông Calisto cũng chỉ nhận điểm 4 và có lẽ do quá bực dọc với việc này, ông thầy người Bồ đã quyết định cấm cửa báo chí khi ĐTVN trở về sân nhà Mỹ Đình chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi với Singapore.

ĐT Việt Nam đã ăn mừng như thế này chỉ với chiến tích vượt qua vòng bảng AFF Cup 2010. Ảnh: V.S.I

Những tín hiệu lạc quan ở cuộc đối đầu với Singapore đã khiến cho một bộ phận không nhỏ giới truyền thông, chuyên gia, cũng như người hâm mộ có cái nhìn bao dung hơn. Kỳ vọng cũng được nuôi lớn và không ít người đã dũng cảm đặt tour đến đảo quốc sư tử xem trận lượt về, trong đó PV TT&VH cùng một vài đồng nghiệp thậm chí còn mua cả vé đi Thái Lan. Chúng ta (và chúng tôi) đã gặp may.

Sức ép ở Rajamangala là cực lớn, khi ĐTVN bước vào trận chung kết lượt đi với người Thái, nhưng 2 bàn thắng của Vũ Phong và Công Vinh đã giúp chúng ta làm nên lịch sử: lần đầu tiên giành chiến thắng trước Thái Lan ngay trên sân khách kể từ ngày bóng đá VN hội nhập trở lại. Câu chuyện lịch sử được viết tiếp tại Mỹ Đình sau đó, hẳn ai cũng đã biết.

… Để biết mình đang ở đâu

Theo chu kỳ gần như bất biến của một nền bóng đá, cứ sau 4, 5 năm, sẽ lại sản sinh ra một thế hệ. Sau chức vô địch lịch sử ấy, bóng đá VN cấp ĐTQG gần như đã nói lời chia tay thế hệ của Bảo Khanh, Minh Phương, Tài Em, Như Thành…, để trao lại ấn kiếm cho lứa cầu thủ sinh năm 84-85, với Công Vinh, Tấn Tài, Quang Thanh, Quang Hải… là những hạt nhân.

Thành Lương (phải) đại diện cho thế hệ mới của BĐVN ở ĐTQG

Cũng cần phải nói thêm, nếu như ở AFF Suzuki Cup 2008, Thành Lương là đại diện ưu tú cho thế hệ cầu thủ trẻ tài năng đem đến giải đấu lớn để được nếm trải bầu không khí lễ hội, thì ngay lúc này, những Thành Lương, Thanh Hưng, Trọng Hoàng, Văn Quyết…, thực sự nắm trong tay sứ mệnh của ĐT. Sự kế thừa cần thiết của nền bóng đá, nhưng họ có làm được tốt như đàn anh hay không còn phải chờ.

Không một ai phủ nhận bóng đá VN các cấp độ ĐTQG đã có những bước tiến đáng kể và thực sự có số má so với những nền bóng đá hàng đầu khu vực. Thậm chí từ độ dăm ba năm đổ lại, chúng ta cũng không hề e ngại (như trước đây) khi bước ra đấu trường châu lục, với những đối thủ như UAE hay Qatar, Bahrain… Tuy nhiên, vẫn cứ có cảm giác mong manh kỳ lạ.

Đấy là cách chúng ta chấp nhận thất bại, sau mỗi trận đấu – giải đấu quan trọng. Luôn là những giải pháp tình thế, hoặc đổ lỗi cho những yếu tố chủ quan, mang tính con người…, thay vì tính toán lại lộ trình phát triển nền bóng đá mang tính dài hơi, sau khi chúng ta đã một lần chạm ngưỡng ngôi vương Đông Nam Á. Thế nên sẽ phải tạm hài lòng mà nuôi lại giấc mơ con AFF Suzuki Cup vậy.

Lại Thái Lan, với đối thủ là “gã khổng lồ” đang thất thế, rất nhiều người tin rằng chu kỳ 4 năm sẽ lặp lại với bóng đá VN và với HLV trưởng người bản địa đầu tiên trong lịch sử tham dự giải vô địch Đông Nam Á, Phan Thanh Hùng.

Tùy Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục