Đó không phải là bóng đá

13:39 Thứ năm 28/03/2013

Có rất nhiều lý do để các CLB “buông” Cúp Quốc gia, chuyện này quá cũ. Cũng có những lý do khiến các nhà tổ chức vẫn phải duy trì cúp này, tất nhiên, nó hoàn toàn chính đáng. Nghĩa là hình như chẳng ai có lỗi trong việc Cúp Quốc gia đang xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng. Thật thế không?

Hãy khoan bàn đến các lý do khiến người ta coi thường Cúp Quốc gia. Thế nhưng, trước mắt mỗi trận đấu ở Cúp Quốc gia vẫn là những trận đấu chính thức. Ở đó, dù không xem trọng đối phương thì chí ít, các CLB cũng cần phải có lòng tự trọng của mình. Không thể vì đối thủ mạnh hơn, năng lực mình có hạn, lại phải tập trung cho đấu trường chính, mà được quyền “chưa đá đã biết thua”. Làm như vậy không phải là coi thường chiếc cúp mà chính là coi thường chính mình.

Đồng Nai (áo trắng) thắng dễ đội hình 2 của Bình Định ở vòng 1/8 Cúp Quốc gia. Ảnh: Dũng Phương

Một HLV giỏi là gì? Là người mà dù đội mình yếu hơn đối phương vẫn tìm cách để đánh bại đối phương. Bóng đá là thế, sự hấp dẫn mà trò chơi này đem lại xuất phát từ điểm này. Cho dù anh cử đội hình dự bị ra sân, dù anh yếu hơn người ta thì chí ít, anh vẫn phải tìm cách để chơi một trận đấu tử tế chứ không phải để thua tan nát xong rồi giải thích “đội tôi yếu hơn đội người ta”. Nói như vậy thì còn gì là bóng đá nữa.

Ấy vậy mà chính các CLB lại luôn mang tâm lý bỏ cúp bằng cách sẵn sàng thua theo đủ mọi cách. Chúng tôi cho rằng, thủ môn Dương Hồng Sơn không tiêu cực (nếu hiểu theo nghĩa “làm độ”) trong trận đấu với Kiên Giang. Nói cách khác, có vẻ như HN T&T cũng không hề muốn thắng trận này nên cách họ thủng lưới khá đơn giản mà sai sót thô thiển của Dương Hồng Sơn chỉ là kiểu giọt nước tràn ly.

o0o

Phải nói thẳng rằng: đừng hi vọng cầu thủ Việt Nam sẽ chơi tốt trong màu áo đội tuyển quốc gia nếu họ cứ quen đá những trận đấu thiếu lòng tự trọng như vậy. Đừng hi vọng HLV nội địa sẽ có khả năng dẫn dắt đội tuyển quốc gia nếu họ đã quen chỉ đạo (hoặc không hề chỉ đạo) “đá cho xong” như vậy. Xét về chuyên môn, tùy từng mục tiêu của mùa bóng, các HLV có quyền tung đội hình B vào đá ở sân chơi mà họ không được giao chỉ tiêu. Đây không phải là tiêu cực. Tiêu cực nằm ở chỗ, như đã nói, đá đội hình nào không quan trọng bằng việc thái độ thi đấu ra sao.

Ngày qua ngày, khi bóng đá Việt Nam cứ tắm mình trong những trận đấu vô thưởng, vô phạt và không hề có khát vọng thi đấu như vậy thì dần dần sẽ hình thành thói quen chơi bóng thiếu khát khao nơi các cầu thủ. Mỗi mùa giải chỉ đá khoảng 30 trận mà hết 1/3 trong số này là “thua trước khi thắng” thì làm sao mà hình thành thái độ chuyên nghiệp ổn định cho được chứ!

o0o

Những người đang cố duy trì Cúp Quốc gia nhưng lại không có phương án nào nâng chất lượng cúp này lên chắc chắn là có lỗi. Các CLB chỉ vì thấy người ta coi thường cúp nên chính mình cũng coi thường các trận đấu tại cúp, cũng có lỗi. Nếu cứ duy trì mà để cho ngày càng nhiều những trận vô bổ xuất hiện tại Cúp Quốc gia là đang “giết chết” bóng đá.

Vấn đề không phải là tranh cãi nhau việc giữ hay không giữ Cúp Quốc gia bởi bản thân sân chơi này không có tội tình gì. Cách người ta đối xử với nó mới thật sự là điều sai quấy. Đừng tưởng một vài trận đấu vô bổ ấy chẳng ảnh hưởng gì mà xin nhớ, chính các chi tiết vụn vặt đó đang bào mòn sự phát triển của cả một nền bóng đá.

Nói cho cùng, trước khi để người khác coi trọng mình, hãy tự tôn trọng bản thân mình.
Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục