Đô cử Thạch Kim Tuấn: Tỏa sáng từ gian khó

23:11 Thứ sáu 03/04/2015

(TinTheThao.com.vn) - Từ một cậu bé mồ côi nghèo khó, Thạch Kim Tuấn đã gần như có trong tay mọi danh hiệu sau gần 10 năm đeo đuổi niềm đam mê cử tạ.

Ấn tượng đầu tiên về Thạch Kim Tuấn chính là một đô cử hay cười, em cười cả khi kể về tuổi thơ đầy nhọc nhằn. Hẹn 9 giờ sáng tại nhà thi đấu Phú Thọ, đúng 9 giờ chàng trai này có mặt và “hối” phóng viên Xe & Thể thao bắt đầu ngay bài phỏng vấn vì sợ trễ giáo áo của HLV Huỳnh Hữu Chí. Niềm tin, sự lạc quan dường như luôn được chàng trai người Bình Thuận này thể hiện trên nét mặt. Kim Tuấn nói về tạ, về cuộc đời… bằng sự hứng khởi, nhiệt huyết của tuổi 21.

* Kim Tuấn hình như là trường hợp có hoàn cảnh khá đặc biệt trong số ít những VĐV đạt thành tích cao của thể thao Việt Nam hiện nay thì phải ?

- Em mồ côi mẹ từ nhỏ, gia đình cũng không được yên ấm nên bốn chị em phải tự lập rất sớm. Học đến lớp 6 thì em bỏ giữa chừng để đi làm phụ chị gái. Cử tạ đến với em cũng như một cái duyên vậy, thấy anh hàng xóm rủ rê « Đi tập tạ là có tiền », em gật đầu luôn mà không mảy may suy nghĩ gì.

* Một xuất phát điểm không mấy hoàn hảo như thế có là bất lợi với em?

- Đa phần những đồng đội của em đều sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi và phải vật lộn để mưu sinh. Có lẽ cũng chính vì vậy mà cá nhân những người như em có khả năng chịu khổ, chịu khó nhiều hơn so với mức bình thường. Em nhìn mọi chuyện theo hướng tích cực nhiều hơn, chính khó khăn đã tạo cho mình một nghị lực hơn người để đeo đuổi trái tạ đến thời điểm này.

Thạch Kim Tuấn là lực sỹ người Khơ-me. Gia đình không có nghiệp thể thao nhưng anh đã sớm bộc lộ những tố chất hiếm có khi đến với quả tạ. Ảnh: Internet

* Những đồng tiền đầu tiên có được từ cử tạ Kim Tuấn dùng cho việc gì ?

- Em nhớ rất rõ là mức lương khởi điểm của em là 25.000 đồng/ngày, cộng cả tháng thì được 750.000 đồng. Tiền có được em đưa hết cho chị để trang trải cuộc sống thường nhật.
Hình như em rất ít bị tâm lý khi thi đấu thì phải, tôi thấy em cười ở mọi giải đấu?

Có chứ anh. Nhưng đó là chuyện trước đây thôi, khi em còn đặt nặng yếu tố thắng – thua ở mỗi cuộc thi. Còn hiện tại, ra thi đấu là em chỉ tâm niệm cố gắng làm hết sức mình và thể hiện tốt nhất những gì đã học được. Nụ cười thì không bao giờ thừa trong mọi trường hợp, nhất là những sân chơi căng thẳng như ASIAD hay giải Vô địch thế giới. Còn ngược lại, đến một lúc nào đó khi ra sân mọi thứ không như mình mong muốn thì đành phải chấp nhận thôi.

* 8 năm theo tạ, có bao giờ em “tạm ngưng” nở nụ cười?

- Sau những tấm huy chương liên tiếp ở các giải trẻ thì năm 2010 em dính chấn thương cục u chày ở gối do tập luyện quá sức. Đó là giai đoạn em bắt đầu phát triển nên một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích. Hai thầy trò chạy khắp các bệnh viện và cuối cùng em quyết định không tiêm thuốc vào đầu gối. Cứ tập như thế với cường độ cao, rồi lâu dần cũng quen. Hiện tại thì những cơn đau ở gối không phải là vấn đề lớn nữa, chắc là chai luôn rồi (cười).

* Đó là về vấn đề chấn thương, còn những cơn “khủng hoảng thành tích” thì sao?

- Thất bại đáng buồn nhất có lẽ là ở SEA Games 2011 ở Indonesia khi em không thể giành HCV. Rồi đến một loạt giải đấu trong năm 2012 và cả vòng loại Olympic Luân Đôn 2012 em cũng thi đấu không thành công. Lúc đó các đồng nghiệp khác đang thi đấu thành công, sức ép phải chuyển lên hạng cân 62kg cực kỳ lớn nhưng em và thầy Chí vẫn cương quyết trụ lại với hạng cân 56kg.

Nhưng rồi cái gì cũng có cái giá của nó, những thất bại kể trên là bài học lớn để rồi thầy trò sau đó ngồi lại với nhau vạch ra những thiếu sót để hoàn thiện và không lặp lại sai lầm nữa.

Chàng trai vàng này không ít lần mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Ảnh: Internet

* Thường thì mỗi thành công là một sự đánh đổi. Em có phải đánh đổi điều gì để “thành công”?

- Em đến với cử tạ khi trong tay không có gì để mất cả. Nhờ cử tạ mà em “đổi đời”, cuộc sống của mấy anh chị em cũng bớt khổ cực hơn phần nào. Trăn trở lớn nhất của em có chăng là lịch thi đấu nhiều khi chồng chéo với lịch học, cũng vì thế mà việc học văn hóa của em bị gián đoạn tận 2 năm. Hiện em đang theo học lớp 8 và sẽ cố gắng sắp xếp một cách hợp lý nhất có thể để hoàn thành chương trình phổ thông vào năm 2018.

* Nhiều người nói học cũng chỉ để tìm kiếm cơ hội thành công. Kim Tuấn là trường hợp ngược lại, thành công trong thể thao trước rồi mới tính đến chuyện học vấn. Em giờ đã mua được nhà, mỗi tháng có một khoảng lương kha khá để trang trải và dành dụm cho tương lai. Vậy việc học trong trường hợp này có ý nghĩa thế nào với em?

- Đời VĐV ngắn lắm, thi đấu đỉnh cao và đạt phong độ cùng lắm là 26-27 tuổi đã chạm đến ngưỡng không thể phát triển thêm được rồi. Trong khi đó sự học kéo dài và đôi khi diễn ra cả đời. Em muốn học lên nữa để người khác nhìn nhận mình là người có thành tích lẫn có văn hóa. Kế đến là làm chị hai vui lòng vì thời còn khốn khó chị hai đã không ngại khó ngại khổ để tụi em được đi học. Em cũng đang ấp ủ việc học lên Đại học để hiện thực hóa giấc mơ làm HLV sau khi giải nghệ, đồng thời tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng cho những tài năng của cử tạ Việt Nam.

* Nhìn lại chặng đường đã qua của năm 2014 em cảm giác thế nào?

- Rất tuyệt. Em chỉ có thể gói gọn trong hai từ đó (cười).

* Chiếc huy chương có ý nghĩa nhất với em liệu có phải là HCV thế giới 2014?

- Thật ra mỗi chiếc huy chương dù là vàng hay bạc cũng đều quý giá. Nó đều là thành quả của mồ hôi, nước mắt và là những cột mốc khó quên trong cuộc đời VĐV của em. Tuy nhiên để nói về thành tích đáng nhớ nhất thì phải là HCV Olympic trẻ 2010. Đó chính là động lực để em không ngừng nỗ lực và nâng cao thành tích hơn nữa.

Kim Tuấn đang là niềm hy vọng vàng số 1 của Việt Nam ở Olympic mùa hè 2016. Ảnh: Internet

* Từ số 2 Việt Nam sau Trần Lê Quốc Toàn và giờ là số 2 thế giới sau Om Yun-chol của Triều Tiên. Hẳn mục tiêu của em chưa dừng lại ở đó?

- Không ai thi đấu đỉnh cao mà cứ muốn mình mãi xếp số 2 cả (cười). Om Yun-chol hiện đang là đô cử mạnh nhất thế giới ở hạng cân 56kg rồi. Tuy nhiên ở những giải đấu sắp tới thì nhiệm vụ bảo vệ thành tích của anh ấy nặng nề hơn. Còn với em, mục tiêu của em sẽ là lên số 1 và đó cũng là động mạnh mẽ nhất.

* Om Yun-chol nhiều khả năng sẽ là thử thách lớn nhất của em trong việc cạnh tranh chiếc HCV Olympic 2016. Vượt qua một đối thủ đang là nhà đương kim vô địch thế giới và Olympic là điều không dễ dàng. Em làm gì để hiện thực hóa nó?

- Om Yun-chol có thế mạnh ở nội dung cử đẩy trong khi em nhỉnh hơn ở phần cử giật. Trong quá trình tập luyện thì em và thầy Chí đều đặt ra những mục tiêu rất cụ thể. Trong đó vấn đề lớn nhất vẫn là cố gắng để gia tăng cách biệt với Om Yun-chol ở phần cử giật và rút ngắn khoảng cách với anh ấy ở phần cử đẩy.

* Thành tích trong tập luyện và thi đấu của em chênh lệch nhau nhiều không?

- Mức tạ tốt nhất từ trước đến nay của em là 296kg (cử giật 135kg, cử đẩy 161kg) tại giải VĐTG năm ngoái ở Kazakhstan. Riêng trong tập luyện thì em đã từng vượt mức tổng cử 300kg và đang cố gắng để làm được điều đó tại các giải chính thức.

* Em tự tin bao nhiều phần trăm rằng mình sẽ giành HCV Olympic 2016?

- Khoảng 90% (cười). Em thấy thể thao Việt Nam từ trước đến nay mới chỉ có HCB Olympic chứ chưa có “vàng”. Bởi vậy em đang rất khao khát để mở ra một trang mới cho thể thao Việt Nam nói chung và cử tạ nói riêng.

Thạch Kim Tuấn sinh ngày 15/1/1994 trong một gia đình người Khmer có 5 anh chị em ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Năm Kim Tuấn 3 tuổi, mẹ anh qua đời vì tai nạn giao thông và 5 chị em đô cử sinh năm 1994 phải dắt díu nhau vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. Đô cử 21 tuổi phải vật lộn với cuộc sống đầy khắc nghiệt bằng đủ thứ nghề từ bán vé số, tẩm quất, cho tới bán đậu nành, trái cây…

Con đường học vấn của Kim Tuấn dang dở khi anh bỏ học từ năm lớp 6. Năm 13 tuổi, Kim Tuấn trong một lần đi tập tạ “cho vui” cùng một người hàng xóm đã được HLV Huỳnh Hữu Chí phát hiện và đưa vào tập luyện tại đội tuyển TP. HCM.

Sau 8 năm gắn bó với trái tạ dưới bàn tay của HLV Hữu Chí, trong tay Kim Tuấn đã có hầu hết các huy chương từ SEA Games, ASIAD cho tới giải Vô địch thế giới… Ở tuổi 21, Kim Tuấn hiện là nhà vô địch thế giới nội dung cử giật và là mục tiêu vàng lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic 2016.

Nam Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục