Djokovic trở thành siêu nhân như thế nào?

13:24 Thứ tư 01/02/2012

Khi Novak Djokovic soài mình trên sân ăn mừng chiến thắng ở Melbourne Park vào rạng sáng thứ hai vừa qua, anh đã có tổng cộng 11 giờ thi đấu chỉ trong vòng 54 tiếng đồng hồ, một con số khiến các chuyên gia tôn vinh tay vợt người Serbia là siêu nhân.

Ở môn bóng đá, luật quy định các cầu thủ không thi đấu trận kế tiếp trong vòng 48h sau khi trận đấu trước đó kết thúc, và mỗi trận bóng đá cũng chỉ kéo dài tối đa 120 phút.

Bởi vậy, chiến thắng của Novak Djokovic trước Rafael Nadal sau trận chung kết marathon đỉnh cao kéo dài suýt soát 6 tiếng đồng hồ, và 43 tiếng trước đó là một trận bán kết marathon khác với Andy Murray, được xem như là một trong những trận đấu kéo dài nhất trong lịch sử các môn thể thao chứ không chỉ riêng môn tennis.

Vậy làm thế nào để Djokovic, cây vợt từng có thời bị Andy Roddick giễu cợt là cây vợt ốm o bệnh tật, đạt được đỉnh cao như vậy?

Chế độ ăn kiêng không gluten

Vào tháng 7-2010, Djokovic thuê chuyên gia dinh dưỡng Igo Cetojevic chăm lo cho vấn đề ăn uống của mình và vị chuyên gia này nhanh chóng nhận thấy rằng cây vợt người Serbia có vấn đề về tiêu hóa và vì thế không thể ăn đồ có chứa gluten.

Với việc loại bỏ chất này khỏi thực đơn, Djokovic gần như lập tức biến thành một VĐV giàu lực khí hơn. Kể từ khi thay đổi chế độ ăn, anh đã có được bốn danh hiệu Grand Slam.

Djokovic được ví như siêu nhân nhờ chế độ tập luyện, ăn uống nghiêm ngặt cùng sự hỗ trợ của khoa học công nghệ như chiếc CVAC. Ảnh: Getty Images.

Máy điều áp CVAC

Từ năm ngoái, Djokovic cũng đã sử dụng một máy CVAC, một khoang điều áp mô phỏng áp suất trên độ cao và ép cơ bắp theo nhịp điệu trong khoảng thời gian.

Công ty chế tạo hệ thống CVAC với kiểu dáng như một quả trứng trị giá 75.000 USD này khẳng định rằng chỉ cần sử dụng thiết bị này 20 phút, với tần suất 3 lần/tuần là có thể giúp nâng cao hiệu suất thi đấu của VĐV.

“Tôi nghĩ rằng thiết bị này thực sự có ích, không chỉ với cơ bắp mà cả với việc hồi phục sau những trận đấu vắt sức. Nó giống như một khoang tàu vũ trụ, một công nghệ rất thú vị”, Djokovic ca ngợi sản phẩm này trên tờ Wall Street Journal.

Theo công bố, chỉ có 20 máy CVAC được sản xuất và hiện chưa bị bất kỳ tổ chức thể thao hay chống doping nào cấm sử dụng. Và với việc Djokovic bỏ túi liền 3 danh hiệu Grand Slam kể từ khi sắm thiết bị này, rất có thể nhiều tay vợt khác, kể cả VĐV ở những môn thi đấu khác, cũng sẵn sàng chấp nhận móc túi 75.000 USD để sở hữu một chiếc tương tự.

Chế độ tập luyện

Giống như mọi cây vợt hàng đầu khác, Djokovic dành rất nhiều thời gian ngoài lịch thi đấu để tập thể lực. Tiến sỹ Karl Cook, giám sát hiệu quả thi đấu tại Hiệp hội Tennis vương quốc Anh giải thích: “Ở cấp độ này, những VĐV như Djokovic đã trải qua không dưới 10 năm rèn luyện thể lực chuyên biệt. Ngày nay việc tăng cường khả năng chịu đựng về thể lực là điều tất nhiên để giành được Grand Slam.

“Ngày nay họ dành nhiều khoảng thời gian trong năm để chủ yếu rèn thể lực. Djokovic sẽ kết thúc năm thi đấu vào tháng 11 với không chỉ nhiều giờ thi đấu trên sân mà còn thêm rất nhiều giờ luyện tập khác để phát triển thể lực”.

Ba buổi một tuần chăm sóc chuyên biệt trong máy mô phỏng áp suất độ cao, ba buổi tập tạ nặng mỗi tuần cùng nhiều thời gian quần thảo trên sân tập khác với tổng cộng thời gian tập luyện miệt mài tối thiểu là 20h mỗi tuần.

Đó là cái giá mà Djokovic và những người như anh phải bỏ ra trong suốt khoảng 20 năm, cùng với chế độ ăn uống và phục hồi nổi danh của mình, để tạo ra những màn trình diễn diệu kỳ mà chúng ta được chứng kiến như những ngày cuối tuần qua.

Hoàng Dương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục