Dịch vụ chống cháy cho xe: Không triệt tiêu được nguy cơ

10:00 Thứ bảy 31/12/2011

Trước sự việc nhiều người dân lo ngại về hiện tượng xe máy đang vận hành tự nhiên bị bốc cháy đùng đùng, một số cửa hàng đã "tung" ra dịch vụ chống cháy cho xe, rất hút khách. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì biện pháp này cũng không hẳn có hiệu quả.

Gia cố dây dẫn xăng

Nhân viên một hiệu sửa xe trên phố Thái Hà (Hà Nội), nơi có chăng tấm biển quảng cáo dịch vụ chống cháy cho xe máy cho biết, những trường hợp xe bốc cháy khi đang vận hành nhiều khả năng là do rò rỉ dây dẫn xăng, mà nguyên nhân có thể do chuột cắn đứt dây. Khi xe chạy trên đường dễ xảy ra chập điện và bắt vào xăng gây ra cháy. Do đó, cách khắc phục xe tự cháy trên đường là bọc kín dây dẫn xăng, điện và quấn thêm băng keo chuyên dụng để chuột không cắn phá được.
 

Cửa hàng có dịch vụ khắc phục tình trạng xe tự động cháy

Theo lời anh này, khách đến để lắp thiết bị chống cháy chủ yếu là cho xe Air Blade và Lead, 2 dòng xe bị cháy trong thời gian qua. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiếp nhận từ 7 - 10 chiếc xe của khách đến làm dịch vụ này. Nhân viên cửa hàng sẽ kiểm tra toàn bộ xe xem các dây dẫn xăng, dây điện có bị hở hay không và khắc phục sự cố nếu có.

Chi phí cho một lần "thăm khám" này là 200.000đ. Giá khắc phục lỗi tự cháy bằng phương pháp này có thể dao động đến 300.000đ mỗi lần, nếu thay thế dây mới.

Theo anh này, việc xử lý xe như vậy sẽ giúp hạn chế nguy cơ cháy nổ xe, tuy nhiên cửa hàng sẽ không thể chịu trách nhiệm cho toàn bộ xe. Nếu sau khi đã gia cố dây dẫn xăng, dây điện tại cửa hàng, trong vòng 1 năm, nếu xe không may bốc cháy và chỉ khi xác định chính xác nguyên nhân do bị chuột cắn hở đường dẫn xăng hoặc đường điện, cửa hàng mới có trách nhiệm đền bù.

Chỉ có tác dụng tâm lý

Ông Lê Bình, giám đốc Trung tâm Dạy nghề, trường Kỹ thuật ứng dụng Hà Nội khẳng định, đúng là việc dây dẫn xăng, điện bị chuột cắn hay do cọ xát lâu ngày nên bị hở, bị rò rỉ là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ chập cháy xe.

Tuy biện pháp khắc phục là bọc dây dẫn cũng có vẻ khá phù hợp, nhưng theo chuyên gia này, nên bọc riêng từng dây dẫn, thay vì bọc gộp lại và việc bọc dây phải được xử lý khéo léo bởi các chuyên gia có chuyên môn kỹ thuật. Cũng cần chú ý rằng, nếu càng bọc nhiều dây gom lại với nhau thì khả năng chập điện càng lớn. Ngoài ra, các đoạn dây thừa cũng nên xử lý cẩn trọng, không nên cuộn lại mà phải chia giãn ra để giảm thiểu nguy cơ chập điện.

Theo PGS.TS Hoàng Đình Long, Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội: Ưu điểm của cách làm này là có thể ngăn chặn tình trạng cháy ở một mặt nào đó, ví dụ, xe dùng lâu bị mủn nhựa, chảy xăng... Điều này đúng là chống cháy. Ngoài ra, việc bảo dưỡng này cũng nhằm mục đích giải tỏa tâm lý chủ xe.

Tuy nhiên, không nhất thiết xe nào cũng cần bảo dưỡng kiểu "chạy đua" này. Bởi khi bảo dưỡng đồng thời với thay thế, lắp ráp, sửa chữa thêm những thiết bị mới, mà những xe mới đôi khi chưa cần đến. Đấy là nguy cơ bị thay thế chưa cần thiết để móc túi chủ xe một cách thái quá. Khi mang xe đi bảo dưỡng cần chú ý chọn cửa hàng có uy tín, kỹ thuật tốt.

Theo các chuyên gia, khi đã có dịch vụ chống cháy đồng nghĩa với việc phải có sự bảo hành về vấn đề này. Tức bản thân cửa hàng cung cấp dịch vụ có dám chịu trách nhiệm với các xe đã bảo dưỡng khi xảy ra họa hoạn?

Khánh Hiền | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục