Để chấn thương không trở thành nỗi ám ảnh

09:04 Thứ ba 03/01/2012

Nhiều VĐV bị dính chấn thương trong quá trình thi đấu hay tập luyện đã không được điều trị kịp thời hoặc đến nơi đến chốn cho khỏi dứt điểm mà phải mang theo những vết thương dai dẳng.

Những VĐV yêu nghề thì cố gắng tiếp tục theo đuổi (nhưng không phải ai cũng trở lại được phong độ đỉnh cao), còn nếu nặng quá thì đành bỏ nghề do không đủ tiền để chữa trị.

VĐV Nguyễn Trọng Cường

Có thể kể ra đây các trường hợp của VĐV vật Lê Thị Huệ, võ sỹ karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh, võ sỹ taekwondo Nguyễn Trọng Cường, thủ môn đội tuyển bóng đá nữ Kim Hồng, tiền đạo Minh Nguyệt… khi họ phải chịu những thiệt thòi sau khi bị chấn thương trong quá trình thi đấu hay tập luyện.

Một số trường hợp thì may mắn được phẫu thuật kịp thời như thủ môn Kim Hồng, tiền đạo Minh Nguyệt, võ sỹ Nguyễn Trọng Cường… Một số trường hợp khác tuy được điều trị nhưng chưa đến nơi đến chốn khiến sau đó chưa tìm lại được phong độ đỉnh cao mà ví dụ mới đây nhất là trường hợp của “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương tại SEA Games 26.

Cũng có VĐV may mắn nhận được sự quan tâm, đóng góp của các nhà hảo tâm nên đã có tiền điều trị chấn thương như trường hợp của Văn Quyến, được đưa sang Singapore chữa trị.

Nhưng với nữ đô vật Lê Thị Huệ, may mắn đã không mỉm cười với chị. Bị chấn thương trong một buổi tập chuẩn bị cho SEA Games 22, Lê Thị Huệ phải giã từ sới vật và bước vào cuộc sống hoàn toàn khác: gắn mình với chiếc xe lăn và đôi nạng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên chủ yếu là do không có kinh phí điều trị. Hiện tại, kinh phí dành cho việc chữa trị chấn thương cho các VĐV của các Liên đoàn thể thao còn tương đối eo hẹp. Nếu một VĐV bị chấn thương nặng thì chỉ riêng tiền chạy chữa trong nước đã không đủ. Mà không thể chữa trị trong nước thì việc chữa trị ở nước ngoài lại càng không thể nếu không có tài trợ. Vì thế, các VĐV sẽ phải sống chung với những chấn thương dai dẳng đó và chờ cơ hội để được chữa trị dứt điểm.

Ngoài ra, chấn thương của các VĐV, nhất là các chấn thương nặng, lại thường không bộc lộ ngay trong quá trình thi đấu mà phải sau một thời gian. Trong trường hợp đó, nhiều VĐV đã phải tự bỏ tiền ra để chữa trị hoặc thậm chí bỏ nghề do không chứng minh được với các công ty bảo hiểm mối liên hệ giữa chấn thương của bản thân với thời gian thi đấu thực tế.

Để chấn thương không trở thành nỗi ám ảnh đối với các VĐV, mới đây, Quỹ hỗ trợ vận động viên thể thao Việt Nam đã được thành lập, Quỹ này có chức năng tổ chức huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ các vận động viên, huấn luyện viên có hoàn cảnh khó khăn, bị chấn thương trong tập luyện và thi đấu.

Sự ra đời của Quỹ thể hiện trách nhiệm với xã hội của những người sáng lập, góp phần đem lại niềm tin cho các VĐV, để họ yên tâm tập luyện, thi đấu hết mình, đóng góp cho thể thao nước nhà.
Thành Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục