Cười tuyển Trung Quốc là trò lố của người Anh

21:39 Chủ nhật 16/10/2016

Truyền thông Anh dùng những lời lẽ thậm tệ nhất để chỉ trích bóng đá Trung Quốc. Khi vén màn bí mật, một sự thật bất ngờ xuất hiện.

"Tuyển Trung Quốc trong cơn khủng hoảng." Những tiêu đề như vậy xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông Anh.

Tờ The Sun trước đó vạch trần bộ mặt thật của bóng đá Trung Quốc bằng bài điều tra giải vô địch quốc gia. Báo Guardian liên tục bình luận thất bại trước Syria của Trung Quốc tại vòng loại World Cup 2018.

Không chỉ mổ xẻ thất bại của đội tuyển Trung Quốc, truyền thông xứ sương mù còn đi sâu hơn những khía cạnh khác. Tất cả đều có một điểm chung. Nền bóng đá của quốc gia này như nỗi hổ thẹn và toàn tiêu cực.

Trung-Quoc-TT-Anh-1

 Truyền thông Anh mô tả tuyển Trung Quốc đang trong cơn khủng hoảng. Ảnh: Internet.

Đơn cử như cuộc điều tra của báo The Sun, họ gọi Trung Quốc "đầy cầu thủ nội lười biếng, đố kỵ và toàn lính đánh thuê được trả lương hàng triệu USD." Nhưng, người Anh nên tự nhìn lại giải Premier League.

Những lời chỉ trích dàn cầu thủ ngoại ồ ạt đến Trung Quốc làm việc thực chất nằm trong quy luật cuộc sống. Bóng đá là nghề nghiệp. Vậy tại sao những cầu thủ không thể tìm đến vùng đất trả lương hậu hĩnh cho tuổi thọ ngắn ngủi?

Ngoài ra, không phải cầu thủ nào cũng nhận mức lương cao ngất ngưỡng như Hulk hay Graziano Pelle. Nếu dùng tiền bạc để gọi một cầu thủ là lính đánh thuê hám lợi, bóng đá Anh có gì khác?

Bóng đá Trung Quốc đang trỗi dậy. Họ chiêu mộ ngoại binh để thay đổi hình ảnh. Tiền bạc trở thành công cụ dễ nhất để thực hiện các vụ chuyển nhượng. Không chỉ riêng ở đây, rất nhiều CLB tại châu Âu đã và đang dùng sức mạnh đồng tiền để lôi kéo các ngôi sao.

Trung-Quoc-TT-Anh-2

 Graziano Pelle được trả lương rất cao tại Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Sau chuyện ngoại binh và lương bổng, báo Anh cho rằng hào nhoáng của ngoại binh không đủ sức kéo fan Trung Quốc tới sân vận động. Rất nhiều trận đấu diễn ra với phân nửa khán đài không có khán giả. Đó là vì các sân đấu tại đây đều được xây với diện tích lớn.

Các sân Tianhe (Guangzhou Evergrande Taobao), Nanjing Olympic Sports Center (Jiangsu Suning) và Workers (Beijing Guoan),... có sức chứa hơn 60.000 chỗ ngồi. Điều này khiến các trận đấu không thể lúc nào cũng được lấp đầy những cổ động viên.

Ngoài ra, không phải sân vận động nào cũng mở cửa thoải mái cho cổ động viên. Sân Workers của Beijing Guoan luôn hạn chế một số khu vực trên khán đài. Những sân khác có nhiều khu vực không được mở cửa.

Tại vòng loại World Cup 2018, tuyển Trung Quốc thua 3 trong 4 trận gần đây. Với thể thức hai đội đầu bảng đi tiếp, đội thứ 3 đá play-off, Trung Quốc chưa hết cơ hội. Song, hãng tin BBC thổi phồng mọi chuyện.

Trung-Quoc-TT-Anh-3

 Paul Pogba cũng nhận được mức lương hấp dẫn trong màu áo Manchester United. Ảnh: Internet.

Trước trận gặp Uzbekistan, BBC viết: "Trung Quốc đối mặt trận đấu sinh tử quyết định cơ hội dự World Cup." Những bài viết của báo chí Anh luôn tạo ra cái nhìn tiêu cực về bóng đá Trung Quốc. Họ phác họa lên một bức tranh khủng hoảng với đội tuyển này.

Thực chất, chẳng có cuộc khủng hoảng nào cả. Trung Quốc đang tự đổi mới vì giấc mơ World Cup. Họ có thể không thể tham dự vòng chung kết giải đấu vào năm 2018, tuy nhiên, những kế hoạch cho tương lai đã được vạch định.  

Gần đây, trang Bloomberg cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc muốn tạo ra đội binh đủ sức đánh bại Argentina, Đức và Brazil. Đang có 32 triệu cầu thủ nhí được rèn luyện khắp đất nước vì mục tiêu đó.

Đời không ai đánh thuế giấc mơ. Trung Quốc dám bạo chi vì tham vọng lớn. Một cuộc trường chinh bắt đầu. Cách đó nửa vòng trái đất, người Anh đang giễu cợt nền bóng đá Trung Quốc.

Vậy mà có khi nào họ nhìn lại thành tích của "Tam sư" gần đây có gì khởi sắc chưa?

Nguồn: Zing.vn
Nguyên Trí | 18:00 16/10/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục